Vú Sữa Lò Rèn Hoàng Kim Trên Đất Vĩnh Kim
Lâu nay, nhắc đến vú sữa Lò Rèn, người ta nghĩ ngay đến địa danh Vĩnh Kim (xã thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Vậy mà, đi sâu tìm hiểu xuất xứ loại cây này, tuy có nhiều giai thoại nhưng giai thoại nào cũng cho biết vú sữa Lò Rèn không xuất phát từ Vĩnh Kim!
Hai cây vú sữa làm quà sui gia
Về Tiền Giang hỏi gốc tích vú sữa Lò Rèn, không ít người kể vanh vách giai thoại: ngày xưa có một anh thợ rèn ở xã Long Hưng, huyện Châu Thành, mỗi khi rảnh lại thích ghép, lai tạo các giống cây ăn trái. Sau những năm tháng tìm tòi anh đã tạo ra một loại cây cho trái to, khi chín vỏ mỏng căng tròn đầy sức sống, xẻ ra thấy một dòng nhựa trắng đục như sữa nên đặt tên cây là vú sữa. Để nhớ công người lai tạo, vun trồng, người dân đặt tên cho cây vú sữa này là Lò Rèn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngàn, chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim mách nước: "Muốn chắc chắn thì phải gặp chú Sơn ở ấp Vĩnh Bình, từng là ký giả trước giải phóng, nhiều năm cất công tìm hiểu xuất xứ cây này".
Tuy đã ngoài 80, nhưng khi nghe nhắc đến vú sữa Lò Rèn, trong ông Trương Hồng Sơn dường như cả một miền ký ức sống dậy. Ông Sơn khẳng định, vú sữa Lò Rèn nổi tiếng hiện nay, đúng ra là của xã Long Hưng, huyện Châu Thành. Ông dẫn giải, đối chiếu tài liệu cho thấy, đầu thế kỷ trước, người có cây vú sữa đầu tiên ở Châu Thành là ông huyện Trụ (tức ông Ngô Ngọc Quang) ở xã Long Hưng. Vì là quan huyện nên nhà ông Quang thường tổ chức tiệc tùng và trong một lần đến dự tiệc, có người bạn tặng ông những trái vú sữa. Ông ăn thấy ngon, giữ lại hạt đưa cho một người làm nghề rèn ở cùng xã tên Hồ Văn Lễ về ương. Cây phát triển rất tốt, ông Lễ nhân giống và "lén" mang hai cây biếu sui gia là ông chủ Thu (Nguyễn Văn Thu), ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, một nhà nho chuyên trị bệnh cho dân trong vùng. Từ hai cây vú sữa đó, ông Thu nhân giống cho nhiều người dân trong xóm trồng. Khi được hỏi giống vú sữa này của ai, người trồng đều nói của ông Lò Rèn để tri ân người nhân giống cây. Dường như trời định, khi bén rễ vùng đất Vĩnh Kim màu mỡ, cây vú sữa Lò Rèn có màu sắc, hương vị thơm ngon. Ông Sơn kết luận: "Từ đây có thể khẳng định vú sữa Lò Rèn có ở tất cả những xã chạy dọc con sông Rạch Gầm. Nhưng trái vú sữa này phát triển tốt nhất ở Vĩnh Kim nên người dân cứ ngỡ vú sữa Lò Rèn chỉ có ở Vĩnh Kim".
Hoàng kim trở lại
Theo ông Sơn, báo chí Sài Gòn trước giải phóng có không ít bài ca tụng loại trái đặc sản này. Thời đó đường sá không thuận lợi như bây giờ, nhưng đến mùa vú sữa, xe tải, thuyền máy các loại nườm nượp từ Sài Gòn về mua, sôi động một vùng. Cuộc sống người dân trồng vú sữa Lò Rèn sung túc thấy rõ. Vậy mà dần theo thời gian, loại trái này bị bầm giập vì cơ chế bao cấp. "Lúc đó, nhìn các vườn cây vú sữa bị chặt phá để trồng các loại cây cứu đói, tôi chảy nước mắt mà không biết làm gì", ông Sơn kể lại.
Cứ ngỡ cây vú sữa Lò Rèn không có cơ hội trở lại thời hoàng kim. Vậy mà, vú sữa Lò Rèn đã gượng dậy trong suy kiệt, nhanh chóng hội nhập, để rồi năm 2007 khẳng định được thương hiệu quốc tế của mình.
"Nói thì dễ nhưng "phục hưng" được cây vú sữa Lò Rèn là cả một quá trình gian nan đầy bất trắc", chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngàn tâm sự. Ông nhớ lại, khoảng đầu năm 1995 các ngành, các cấp tỉnh Tiền Giang lên kế hoạch khôi phục vú sữa Lò Rèn. Sau mười năm chuẩn bị, năm 2005, vú sữa Lò Rèn được cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học và công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá. Không lâu sau đó, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim ra đời. Từ đây, HTX đã mạnh dạn nhờ các nhà khoa học của tỉnh hướng dẫn xã viên sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP (tiêu chuẩn châu Âu), sau khi vú sữa Lò Rèn đã trở thành một loại trái cây "biết bay" ra Hà Nội. Sau gần một năm vượt qua các yêu cầu khắt khe, đến tháng 4.2008, sản phẩm của HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP để bắt đầu chinh phục thị trường khó tính châu Âu. Năm 2007, HTX này đã xuất được 2 tấn vú sữa sang Nga. Đến khi được công nhận, nhiều đối tác đến liên hệ ký hợp đồng xuất khẩu và tiêu thụ. Đến nay, HTX đã đưa vú sữa vào hệ thống Metro, xuất qua Hà Lan và Đức… và đang chuẩn bị lên máy bay qua Mỹ.
Đại hội xã viên của HTX Vĩnh Kim đã đưa ra mục tiêu nâng dần cho đến khi tất cả các nhà vườn sản xuất vú sữa Lò Rèn ở Châu Thành và Cai Lậy đều tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. "Giờ đây, chúng ta có thể tin tưởng thời hoàng kim của vú sữa Lò Rèn đã trở lại", chủ nhiệm Nguyễn Văn Ngàn nói chắc nịch.
Có thể bạn quan tâm
Cách đây khoảng vài tháng, giá chanh đạt mốc 20 - 25 ngàn đồng/kg, nhà vườn rất phấn khởi, tuy nhiên hiện nay thì 10kg chanh chưa đổi được một ly café đá đã khiến không ít nhà vườn trăn trở khi canh tác loại cây trồng này.
Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phường Cự Khối, quận Long Biên, TP Hà Nội đã mạnh dạn đưa cây ổi găng về trồng.
Thời gian gần đây, các nhà khoa học, ngành chuyên môn đã tìm đến các vườn nhãn “kháng” chổi rồng tìm hiểu quy trình chăm sóc của nông dân để có giải pháp nhân rộng. Đây được xem là nhân tố mới trong việc triển khai phòng trị nhãn chổi rồng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Mặc dù chỉ mới hoạt động hơn 1 năm, song Tổ dịch vụ (TDV) bao trái xoài ở phường 6, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tạo được hiệu ứng tốt trong việc nhân rộng và phát triển mô hình sản xuất xoài theo hướng an toàn tại địa phương.
Tôi trở lại cánh rừng dầu tái sinh của cha con anh Trần Văn Hiếu ở thôn Bình An, xã Tân Bình (thị xã La Gi) vào buổi chiều tháng 6. Trong rừng, cây dầu, cây sến đã cao lên, xanh ra, tràn đầy sức sống. Hầu hết phát triển đồng đều, cao từ 10 - 15m, trên 20cm đường kính. Dưới tán rừng là thảm thực vật. Chồn, sóc và khỉ đã xuất hiện trong rừng.