Nghĩa Hưng (Nam Định) Hỗ Trợ Nông Dân Nuôi Trồng Thủy Sản
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và nâng cao thu nhập cho người dân, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã xác định hướng phát triển kinh tế của địa phương là phát huy lợi thế giáp biển, nhiều đầm bãi để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Bám sát định hướng phát triển kinh tế thủy sản của huyện, của thị trấn, HND thị trấn đã tham mưu với Đảng ủy, UBND thị trấn tạo điều kiện cho các hộ dân tập trung khai thác tiềm năng đất đai và đã thu hút 320 hộ nuôi thuỷ, hải sản (tôm, cua, cá bống bớp, cá mú...) ở vùng nước mặn, lợ với diện tích 116ha; 240 hộ nuôi thuỷ sản (cá lóc bông, diêu hồng…) vùng nước ngọt với diện tích 134ha, đồng thời phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn cho các hộ nuôi thủy sản.
Năm 2013, HND thị trấn đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho 585 lượt lao động trên địa bàn.
Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, HND thị trấn còn tích cực tìm các nguồn vốn để hỗ trợ hội viên: phối hợp với các Ngân hàng CSXH, NN và PTNT tạo điều kiện cho 231 hội viên vay với tổng số vốn trên 4 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.
Từ nguồn vốn vay, đã có nhiều mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả, đảm bảo VSATTP và bảo vệ môi trường, như mô hình nuôi cá lóc bông của anh Phạm Văn Quang, chi hội tổ dân phố số 8; mô hình nuôi cá bống bớp của gia đình anh Trần Văn Mạnh, hội viên chi hội khu phố 4…
Anh Đàm Văn Điều, chi hội nông dân tổ dân phố số 7 cho biết, được tập huấn kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, gia đình anh đã mạnh dạn đấu thầu trên 4.000m2 ruộng trũng để chuyển đổi mô hình nuôi cá lóc bông và thả xen canh một phần cá truyền thống.
Mỗi năm, gia đình anh thu nhập bình quân đạt trên 150 triệu đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản của thị trấn ngày càng được mở rộng; năm 2013 đạt 300ha với gần 1.000 hộ nuôi; tổng giá trị nuôi trồng thủy sản đạt 141 tỷ đồng. Ở xã Nghĩa Châu tổng diện tích nuôi thủy sản đạt trên 54ha, tập trung vào các đối tượng nuôi như: cá trôi Ấn Độ, cá trôi Rigan, cá trắm đen, cá Trường Giang (cá vược lai), cá chim trắng…
Riêng vùng chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản có 27ha tập trung ở xóm 6 và xóm 7. Vụ cá giống năm 2014, gia đình anh Tạ Duy Định thả 3 vạn con cá trắm giống, 2 vạn con cá Trường Giang, đến nay, gia đình anh đã xuất bán 5-6 đợt cá giống, mỗi đợt 6-7 tạ, doanh thu 70-80 triệu đồng. Riêng năm 2013, doanh thu từ bán cá giống của gia đình anh đạt trên 300 triệu đồng.
Để hỗ trợ nông dân phát triển nghề nuôi thủy sản bền vững, HND xã đã phối hợp với HTX, các ngành chức năng mở các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản cho hội viên, đồng thời có cơ chế hỗ trợ đối với các hộ tham gia nuôi thủy sản, tạo điều kiện cho thuê đầm bãi, ao hồ.
Ngoài ra, HND xã còn liên hệ với các doanh nghiệp cung ứng thức ăn bảo đảm chất lượng và bảo lãnh với Ngân hàng NN và PTNT cho các hộ nuôi thủy sản vay vốn theo phương thức trả tiền sau với tổng nguồn vốn đạt trên 12,59 tỷ đồng cho 219 hộ vay.
Thực hiện nghị quyết chuyên đề của Huyện uỷ về “Đổi mới công tác quản lý, tập trung khai thác và phát triển toàn diện kinh tế biển, để kinh tế biển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, những năm qua, HND huyện Nghĩa Hưng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia chuyển đổi diện tích cấy lúa kém năng suất, đất vùng trũng, đất ven khu dân cư kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản.
Đặc biệt, từ khi huyện tổ chức cải tạo, nâng cấp hệ thống thuỷ lợi và có chủ trương cho các thành phần kinh tế, các đơn vị có vốn đấu thầu vùng Đông Nam Điền, đến nay, đã có nhiều Cty, hộ nông dân đầu tư nuôi trồng thuỷ sản cho năng suất 4-5 tấn/ha.
Qua nhiều năm tập trung khai thác, việc nuôi trồng thủy, hải sản của huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 3.020ha; trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 2.005ha, diện tích nuôi nước ngọt 1.015ha.
Từ năm 2003 đến nay, trại giống thuỷ sản của huyện đạt sản lượng 60 triệu con/năm, đã đáp ứng được một phần nhu cầu giống thuỷ sản trong huyện, chất lượng giống, khâu kiểm dịch được đảm bảo. Bên cạnh đó, HND các xã, thị trấn trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về vốn, vật tư nông nghiệp; tổ chức các buổi tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên.
HND các cấp trong huyện đã đứng ra xây dựng 304 tổ vay vốn và tiết kiệm, tạo điều kiện cho 12.447 hộ vay vốn từ Ngân hàng NN và PTNT với dư nợ đạt 619 tỷ 194 triệu đồng; tín chấp với Ngân hàng CSXH với dư nợ đạt hơn 57 tỷ đồng cho 2.629 hộ vay vốn, tạo thuận lợi cho hội viên đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, HND các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn quỹ đạt 1 tỷ 398 triệu đồng cho 183 hộ vay, tạo thêm nguồn vốn cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay để phát triển sản xuất.
Với định hướng phát triển kinh tế biển đúng đắn của huyện, cán bộ, nông dân Nghĩa Hưng đang quyết chí làm giàu từ chính mảnh đất giàu tiềm năng của quê hương.
Có thể bạn quan tâm
Đây là mô hình do anh Võ Nhật Nam, sinh năm 1986, ấp Hòa Phú xã Định Thành (Thoại Sơn - An Giang) đang thực hiện. Với chuyên môn Trung cấp chăn nuôi thú y, nhận thấy dê là loài động vật dễ nuôi, khả năng kháng bệnh tốt, được nhiều hộ dân đầu tư để cải thiện kinh tế gia đình… anh Nam quyết định chọn và lai tạo giống dê hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu của các hộ dân có ý tưởng đầu tư chăn nuôi. Mô hình đã đem lại tín hiệu khả quan cho cả anh lẫn hộ nuôi trong và ngoài địa phương.
Mô hình chăn nuôi vịt trời của gia đình anh Hồ Xuân Lý ở xã Quỳnh Thanh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và còn tạo việc làm cho nhiều hộ dân trong vùng
Người dân thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, hiện nay giá trăn đang giảm mạnh. Hiện, toàn xã Hiệp Lợi có hơn 150 hộ nuôi với khoảng 11.500 con trăn đứng trước nguy cơ lỗ vốn.
Các địa phương cần tổ chức ngay các đoàn công tác kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là chất Salbutamol trên địa bàn. Nơi tập trung kiểm tra là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, trang trại, lò mổ và các chợ.
Việc sử dụng chất cấm salbutamol nhằm tăng trọng, tạo nạc trong chăn nuôi đang ở mức báo động. Nếu không chặn đứng hiện tượng này, sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ khó xuất khẩu và bị người tiêu dùng trong nước quay lưng.