Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghĩ Từ Cây Cam Cao Phong

Nghĩ Từ Cây Cam Cao Phong
Ngày đăng: 17/10/2014

Tham gia giải thể thao Phan Xi Păng do Báo Hòa Bình vừa tổ chức tại TP. Hòa Bình, những người làm báo Điện Biên Phủ không chỉ được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm báo từ các báo bạn mà còn thấy được cách làm kinh tế hiệu quả của nông dân Hòa Bình.

Ngắm vườn cam trĩu quả ở Cao Phong, tôi canh cánh nghĩ về “số phận” cây cam ở Mường Pồn huyện Điện Biên và cây cà phê huyện Mường Ảng…

“Những điều trông thấy…”

Nghe đồng nghiệp nói nhiều về cây cam Cao Phong, nhưng khi đến nơi chúng tôi vẫn rất ngạc nhiên. Bắt đầu từ địa phận huyện Cao Phong đi dọc quốc lộ 6, đâu đâu cũng thấy cam, quýt được bày bán hai bên đường. Thăm vườn cam của gia đình anh Nguyễn Đức Huy, khu 4, thị trấn Cao Phong, chúng tôi càng thêm ngạc nhiên bởi sự phát triển đột phá của loại cây này.

Hiện gia đình anh Huy có 4ha cam từ 1 – 2 năm tuổi và 2ha cam đang cho thu hoạch. Nhiều vườn giáp chân đồi không có nước, anh phải đào giếng để đưa nước tưới đến cho cam. Không phụ công sức đầu tư, chăm bón, vườn cam nào cũng xanh mướt, trái căng tròn mọng nước.

Với giá bình quân từ 30 – 50 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh Huy thu về trên 1,5 tỷ đồng… Với giá trị kinh tế nổi bật, cây cam, quýt được kỳ vọng là bước đột phá đối với sản xuất nông nghiệp ở Cao Phong.

Cam Cao Phong nay đã trở thành mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn. Gần vườn cam nhà anh Huy là vườn cam của ông Nguyễn Văn Tiến, tiểu khu 5, thị trấn Hòa Bình có 5ha cam, trong đó 2ha đang cho thu hoạch. Vườn cam của gia đình ông Tiến cây nào cũng sai trĩu cành, hứa hẹn một mùa bội thu.

Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ cây chủ lực, huyện đã xác định giải pháp quan trọng hàng đầu là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2012, Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Hòa Bình đã thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam của huyện và dự kiến sẽ đăng ký thương hiệu xong trong năm 2014. Cùng với đó Cao Phong còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện đang tiến hành xúc tiến sản xuất cam Cao Phong theo tiêu chuẩn VietGap nhằm tạo ra sản phẩm có thương hiệu, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hàng năm, bằng nguồn vốn ngân sách, UBND huyện trích khoảng 800 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn và hỗ trợ cây giống; tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề trồng trọt cho người trồng cam. Hiện nay, huyện Cao Phong có khoảng 920ha trồng cam, quýt với các giống như cam Xã Đoài, V2, đường canh…

Đây đều là các giống cho năng suất, sản lượng cao, mang lại mức thu bình quân khoảng 600 triệu đồng/ha. Với những giải pháp cụ thể, Cao Phong đề ra mục tiêu đến năm 2020, toàn huyện sẽ có khoảng 1.800ha cam, quýt các loại được trồng ở nhiều xã khác.

… “Mà vương vấn lòng”

Nhìn những đồi cam trải dài, xanh ngút tầm mắt, chúng tôi nghĩ nhiều về cây cam ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên đã từng có một thời nức tiếng ở địa phương.

Ngay cả với người chưa từng đến Điện Biên thì vẫn biết cam Mường Pồn trong thơ Tố Hữu: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng…” Được biết từ khoảng năm 1990 đến khoảng năm 2000, với sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cấp, các ngành, cam Mường Pồn được trồng đại trà ở nhiều địa phương với năng suất và sản lượng tốt, nhiều hộ trồng tới 100 gốc.

Nhưng không lâu sau cam Mường Pồn gặp khó khăn vì sản phẩm chỉ tiêu thụ tại địa bàn huyện Điện Biên. Ở vào cảnh nhà nào cũng trồng cam thì chẳng mấy người ăn cam.

Vì thế mà không chỉ người trồng cam chán mà người ăn cam cũng chán nên diện tích ngày càng bị thu hẹp, chất lượng quả cũng giảm xuống. Giờ thì cam Mường Pồn chỉ còn bán ở một số chợ nhỏ trên địa bàn huyện Điện Biên.

Không chỉ với cam Mường Pồn, cây cà phê ở Mường Ảng tuy được coi là cây trồng chủ lực của địa phương nhưng cũng có lúc thăng trầm.

Trồng cà phê, nhiều nông dân ở Mường Ảng đã có thu nhập cao, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, do chưa được chú trọng đúng mức đến chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ nên cà phê chưa có chỗ đứng bền vững trên thị trường. Giá cả biến động, sụt giảm trong khi nguồn cung tăng, nguồn cầu thu hẹp khiến người trồng lao đao.

Cũng như cây cam và cà phê ở Điện Biên, cam Cao Phong có thời gian bị người tiêu dùng nghi ngờ về chất lượng, gây ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm.

Vì lợi nhuận, lợi dụng sự khan hiếm, vài năm trước vào thời điểm cuối vụ một số hộ kinh doanh dọc quốc lộ 6 đã nhập cam Trung Quốc bán trà trộn với cam Cao Phong, ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm ở huyện.

Mỗi cân cam Trung Quốc được bán ở Cao Phong với giá khoảng 20 nghìn đồng trong khi giá cam V2 có giá 30 – 45 nghìn đồng/kg. Nhiều khách hàng đã mua phải cam “rởm” nên ít nhiều uy tín sản phẩm cam bị hạ thấp.

Trước thực trạng trên, UBND huyện Cao Phong đã thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, đặc biệt là đối với hơn 100 điểm bán buôn, lẻ cam, quýt cho khách thập phương qua lại tuyến đường này. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, trong thực hiện các biện pháp tuyên truyền, kết hợp tổ chức cho 100% chủ hộ kinh doanh ký cam kết về việc chấp hành các quy định.

Đến nay, Cao Phong đã tẩy chay hoàn toàn được cam Trung Quốc ra khỏi thị trường trên địa bàn huyện. Từ việc trồng cam, nhiều người dân đã trở thành triệu phú với doanh thu trừ chi phí đạt từ 0,5 – 3 tỷ đồng/năm.

Nhìn từ cách làm của nông dân ở Cao Phong, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện Cao Phong mới thấy, cam Mường Pồn, cà phê Mường Ảng có phát huy giá trị được hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc lựa chọn những giải pháp phù hợp, thiết thực.

Mà trước nhất là vai trò của người nông dân, bởi hơn ai hết họ là người hiểu cây, hiểu cách vun xới, cuốc trồng. Điều đó không chỉ giúp cam hay cà phê mà nhiều sản phẩm nông sản ở tỉnh Điện Biên ngày càng khẳng định giá trị, chỗ đứng tiêu thụ tăng, được du khách trong và ngoài nước biết đến, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương…


Có thể bạn quan tâm

Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Gạo Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Gạo

Thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam trong những tháng cuối năm nay đón nhận nhiều thông tin tích cực khi các thị trường lớn quay lại mua hàng, giảm tải áp lực tiêu thụ gạo khi thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu chững lại.

26/06/2014
24.000 Con Bò Giống Giúp Người Nghèo 24.000 Con Bò Giống Giúp Người Nghèo

11 tỉnh có hộ nghèo được nhận bò giống gồm: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa và Nghệ An.

26/06/2014
Hơn 10 Ha Mì Xã Suối Đá Bị Bệnh Thối Củ Hơn 10 Ha Mì Xã Suối Đá Bị Bệnh Thối Củ

Thời gian gần đây, nhiều nông dân trồng mì ở xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu rất lo lắng vì một loại bệnh lạ gây thối củ ở cây mì, mức độ thối củ khá cao với tỷ lệ từ 60-70%. Bệnh còn có chiều hướng lây lan sang các đám mì khác.

04/06/2014
Trái Cây Giá Rẻ Dồn Ứ Chợ Sài Gòn Trái Cây Giá Rẻ Dồn Ứ Chợ Sài Gòn

Thanh long ruột đỏ trước đây 30.000-35.000 đồng một kg nay chỉ còn 12.000 đồng, thơm thay vì 10.000 đồng một trái thì nay mua được 4 trái.

26/06/2014
Đắng Ngắt Tôm Thẻ Chân Trắng Đắng Ngắt Tôm Thẻ Chân Trắng

Cụ thể theo thông tin từ Sở NN-PTNN Cà Mau, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg, giá ngày 28/4 là 102.000 đ/kg, hiện chỉ còn 81.000 đ/kg. Loại 70 con/kg giá 114.000 đ/kg, nay còn 96.000 đ/kg.

04/06/2014