Nghề Trồng Nấm Rơm Nhu Cầu Và Điều Kiện Cần Phát Triển
Theo thống kê, thị trường tiêu thụ nấm là rất lớn, khi tổng lượng xuất nhập khẩu nấm thế giới năm 2010 đạt 1,26 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD.
Tại diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, chuyên đề “Phát triển nghề trồng nấm hiệu quả” nhiều diễn giả cho rằng, nếu phối hợp đồng bộ giữa “4 nhà” sẽ khai thác tốt tiềm năng phát triển nghề trồng nấm của nước ta. Trong đó, Đồng Tháp cũng là địa phương có truyền thống sản xuất nấm, hàng năm cung ứng cho thị trường 9.500 tấn nấm rơm...
Nước ta, sản lượng nấm hàng năm cung ứng cho thị trường khoảng 250.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 25 - 30 triệu USD, tập trung tại các tỉnh Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long, với phong phú các chủng loại nấm phục vụ làm thực phẩm và thuốc. Theo nhận định của ngành nông nghiệp, nghề trồng nấm mang lại nguồn thu nhập khá, đã khai thác được tiềm năng của từng vùng, giải quyết việc làm cho người dân...
Theo thống kê, kể từ năm 1990 đến nay, ngành trồng nấm ở nước ta phát triển khá nhanh về quy mô và thành phần chủng loại nấm. Hiện nay, Việt Nam được xếp là một trong 5 quốc gia phát triển nghề trồng nấm và đứng nhất khu vực Đông Nam Á. Nghề trồng nấm phát triển do nguồn nguyên liệu sản xuất tại địa phương phong phú như: rơm rạ, mùn cưa, bã mía, thân cây gỗ... Ngoài ra, nguồn lao động của địa phương dồi dào, thời tiết thuận lợi cho phép trồng được nhiều chủng loại nấm.
Với những tiềm năng sẵn có, Đồng Tháp đã biết khai thác những ưu điểm phụ phẩm từ sản xuất lúa, lấy rơm trồng nấm. Diện tích trồng nấm của tỉnh là 428ha, hàng năm cung cấp cho thị trường 9.500 tấn nấm rơm. Qua đó, nghề trồng nấm mang đến cho người dân nguồn thu nhập khá. Anh Lưu Văn Bực ở xã Hòa Long, huyện Lai Vung cho hay, với diện tích trồng nấm trên 1.300m2, chi phí đầu tư khoảng 41 triệu đồng. Sau mùa vụ, anh thu hoạch được 1.490kg, bán với giá 35.000 đồng/kg, trừ toàn bộ chi phí, anh lãi gần 11 triệu đồng.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp không chỉ sản xuất nấm rơm mà còn thử nghiệm với những giống nấm mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh đã hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật trồng những loại nấm mới này cho nông dân. Mặc dù đây là mô hình mới chưa phải là thế mạnh của vùng, nhưng người dân phấn khởi do nguồn lợi nhuận mang lại khá.
Theo tham luận của ông Nguyễn Thành Tài - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Đối với nấm bào ngư, mỗi vụ thu nhập từ 15 - 30 triệu đồng, thích hợp cho những vùng nông nghiệp đô thị. Riêng nấm linh chi đạt trên 7 triệu đồng/vụ.
Tuy nhiên, nghề trồng nấm trên cả nước và riêng tỉnh ta còn nhiều điểm nghẽn, chưa tương xứng với tiềm năng của nghề trồng nấm. PGS.TS Mai Thành Phụng - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chỉ ra nguyên nhân ảnh hưởng đến thực trạng của ngành trồng nấm của nước ta là do: tình hình sản xuất nấm trong nước còn nhỏ lẻ manh mún; chủ yếu tập trung tại các hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ tự phát; công nghệ chế biến sau thu hoạch còn yếu, thị trường còn nhiều bất cập, tiêu thụ nhỏ lẻ; công tác xúc tiến thương mại đối với sản phẩm nấm chưa được quan tâm. Ngoài ra, công nghệ và quy trình kỹ thuật trồng nấm còn lạc hậu; sản phẩm còn đơn điệu chưa đa dạng.
Đối với tỉnh Đồng Tháp, nghề sản xuất nấm rơm cũng gặp nhiều khó khăn khi nguồn nguyên liệu rơm ngày càng thiếu, do đa phần rơm cắt bằng máy gặt đập liên hợp nên lượng rơm thu gom ít hơn. Theo kinh nghiệm của nhiều hộ sản xuất nấm, rơm được thu gom bằng máy gặt đập sẽ bị dập nát ảnh hưởng đến năng suất, chỉ có rơm được suốt bằng máy thông thường mới phù hợp cho sản xuất nấm.
Một trong những khó khăn của địa phương sản xuất nấm rơm là lượng meo không đạt chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, khiến người nông dân bị thua lỗ. Theo ông Nguyễn Phú Hiện - Phó Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh, chất lượng meo để sản xuất nấm tại địa phương không ổn định, chưa có khung pháp lý để chế tài đối với các cơ sở vi phạm.
Thời gian qua, sau khi kiểm tra 5 loại meo được người dân sử dụng thì đã có 2 mẫu không đạt chất lượng, đây là tỷ lệ khá cao. Vì vậy, nâng cao chất lượng meo là một trong những điểm cần tháo gỡ cho việc sản xuất.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Lai Vung - địa phương có diện tích sản xuất nấm cao của tỉnh, các yếu tố trên là một trong những nguyên nhân làm sản lượng nấm cung ứng thấp dưới 8.000 tấn/năm (sản lượng nấm hàng năm dao động từ 8.000 - 10.000 tấn/năm).
Để nghề trồng nấm phát triển, nhiều ý kiến cho rằng, cần có công tác lập quy hoạch nấm cho từng vùng nhằm khai thác thế mạnh của địa phương, đồng thời tiến tới liên kết “4 nhà” sẽ tạo ra những dấu ấn mới cho nghề trồng nấm phát triển. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào các thị trường tiềm năng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm...
Có thể bạn quan tâm
Cũng theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, tính đến tháng 8/2014 số lượng gia cầm giống được nhập vào Việt Nam là gần 1 triệu con, với tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,29 triệu USD. Giá nhập khẩu trung bình khoảng 3,93 USD/con, tăng 0,91 USD/con so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn nhập chủ yếu từ New Zealand và Mỹ.
Dẫn chúng tôi ra thăm mô hình ở tại đồi núi Mang He, xã Sơn Bua, ông Trần Quí - Trưởng trạm Khuyến nông huyện Sơn Tây cho biết: Đến thời điểm này, con giống đã được thả gần 1 tháng. Tuy còn quá sớm và phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan khác để nói đến việc thành, bại, nhưng qua kết quả khảo sát, đánh giá sơ bộ ban đầu và thực tế nuôi, tôi tin rằng sẽ mô hình này sẽ thành công.
Cách đây hai năm, cũng như các khu vực nuôi tôm khác trong tỉnh, nghề nuôi tôm công nghiệp tại xã Hoà Thắng (tỉnh Bình Thuận) gặp rất nhiều khó khăn, nhiều chủ cở sở nuôi đã bỏ đìa không còn thiết tha với nghề, thế nhưng trong năm 2013 nuôi tôm công nghiệp có dấu hiệu phục hồi trở lại khi quy trình sản xuất cũ được thay đổi bằng quy trình nuôi mới an toàn, đạt chất lượng, hiệu quả cao.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hải Toàn cho biết: Tháng 1.2014 Hội ND xã Hải Toàn phối hợp với Công ty cổ phần Dược phẩm Traphaco thành lập Tổ hợp tác trồng và chế biến cây dược liệu (đinh lăng) Hải Toàn. Theo đó, phía công ty sẽ chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ công nghệ sấy lò hơi và cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn 10% giá thị trường.
Nuôi hươu lấy nhung đang là mô hình khá mới ở tỉnh Gia Lai. Được triển khai từ đầu năm 2013 tại huyện Chư Pah (thuộc dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp huyện), đến nay, mô hình này đã bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định, tạo sự phấn khởi nơi người chăn nuôi.