Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề thu lộc rừng và những nguyên tắc ngầm

Nghề thu lộc rừng và những nguyên tắc ngầm
Ngày đăng: 28/09/2015

Tiết lộ về những bí quyết trong nghề thu "lộc rừng", anh Vi Văn Hùng - một thợ lấy ong mật chia sẻ về cách tìm nơi ong làm tổ:

“Trừ những tổ ong làm mật người đi rừng may mắn nhìn thấy và lấy mang về, còn mỗi thợ lấy ong rừng đều có cách tìm nơi ong làm tổ.

Chúng tôi thường đi theo các con suối ở trong rừng để quan sát đàn ong xuống lấy nước, sau đó theo hướng ong bay để tìm tổ của chúng.

Khi phát hiện được tổ ong, người thợ sẽ nhìn vào cách ong bám vào tổ để biết thời gian lấy mật sao cho không để mật quá già hoặc quá non. Theo kinh nghiệm, nếu ong mẹ đang ở trung tâm ổ thì phải 10-15 ngày nữa mới lấy được nhiều mật…”.

Thành quả sau thời gian vào rừng lấy mật ong.

Công đoạn nguy hiểm nhất chính là leo thân cây lấy mật, vì thường ong đóng tổ làm mật ở những cây rất cao.

Người thợ phải chuẩn bị những bó đuốc khô lớn, rồi dùng lá cây tươi buộc xung quanh đốt lên để tạo khói, sau đó cầm xô leo lên chỗ có tổ ong. Ngọn khói làm đàn ong từ tổ bay ra khắp nơi tạo thành tiếng như có mưa rào, người thợ nhanh tay lấy tổ ong bỏ vào xô nhựa và khẩn trương tụt xuống.

Có những quy định bất thành văn mà tất cả những người làm nghề thu "lộc rừng" đều phải ngầm hiểu: Nguyên tắc đầu tiên là không được để xảy ra cháy rừng; nguyên tắc tiếp theo là không được tranh giành, xung đột trong quá trình lấy mật ong.

Về điều này anh Hùng chia sẻ:

“Trong một cánh rừng có nhiều tổ thợ đi tìm ong lấy mật, có thể họ đều nhìn thấy một tổ ong nhưng rất hiếm khi có chuyện tranh giành nhau.

Người đi trước thấy tổ ong trên cây nếu nhận thấy chưa đến thời điểm lấy mật sẽ dùng dao chặt một số nhát vào thân cây như làm dấu để lần sau đến lấy.

Những người khác đi sau nhìn vào đó sẽ biết tổ ong kia đã có chủ nên sẽ không động vào".

Ngoài ra, người đi lấy mật còn có cách bảo vệ đàn ong cho những mùa mật sau.

“Làm nghề thời vụ nhưng khai thác mật ong mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình, hơn ai hết, chúng tôi mong bầy ong càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Vì thế trong quá trình lấy mật, anh em luôn tìm cách dùng khói để đuổi ong bay đi, hạn chế để ong chết.

Đặc biệt không nên lấy mật ong vào ban đêm, vì ong bay ra không biết đường sẽ bị lửa đốt chết rất nhiều. Điều này không bao giờ chúng tôi làm”- anh Hùng khẳng định như một nguyên tắc nằm lòng cho những người làm nghề thu "lộc rừng".


Có thể bạn quan tâm

Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP Mô hình hiệu quả chuyển đổi đất trồng lúa sang rau ăn quả VietGAP

Thực tế nhiều năm qua cho thấy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường.

25/11/2015
Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản Hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản

UBND tỉnh Bình Dương vừa cho biết, qua 3 năm thực hiện Quyết định số 45/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013 - 2016 (Quyết định số 45).

25/11/2015
Hiệu quả từ cây chôm chôm Hiệu quả từ cây chôm chôm

Những ngày này, người dân trên địa bàn huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đang tất bật thu hoạch chôm chôm. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi vì chôm chôm năm nay được mùa, được giá.

25/11/2015
Bưởi da xanh ruột hồng ở Bảo Quang Bưởi da xanh ruột hồng ở Bảo Quang

Gần đây, bưởi da xanh xuất hiện nhiều trên vùng đất sỏi cơm thuộc ấp 18 Gia đình, xã Bảo Quang (TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai).

25/11/2015
Tỉnh đoàn hỗ trợ nông dân Yên Lạc tiêu thụ 30 tấn chuối tiêu hồng Tỉnh đoàn hỗ trợ nông dân Yên Lạc tiêu thụ 30 tấn chuối tiêu hồng

Trong hai ngày 20 và 21/11/2015, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức chương trình hỗ trợ bà con nông dân 2 xã Liên Châu, Tề Lỗ (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) tiêu thụ 1.500 buồng chuối, tương đương với 30 tấn chuối tiêu hồng đang đến thời điểm thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra.

25/11/2015