Trồng Hoa Mừng; Trồng Rau Lo

Tết, dịp để nhiều người, nhiều nghề kiếm thêm thu nhập. Trong những ngày tết, hoa và rau là hai loại không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhiều nông dân cũng tận dụng cơ hội này để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thị trường tết năm nào cũng có điều khiến nông dân này mừng nhưng nông dân khác thì lại lo.
Đây là loại hoa truyền thống không thể thiếu trong hầu hết những gia đình Việt trong mấy ngày tết. Vì vậy, việc chọn trồng hoa vạn thọ bán tết được nhiều nông dân thực hiện. Năm nay, theo đánh giá của nhiều người trồng hoa thì thời tiết khá thuận lợi cho hoa phát triển, hứa hẹn cho thu nhập khấm khá.
Tại cánh đồng hoa thuộc ấp Hiệp Trường, xã Hiệp Tân, Hoà Thành (Tây Ninh) hiện nay đã lấp đầy những luống hoa vạn thọ, trong đó đã có luống lấm tấm ra hoa, chuẩn bị thu hoạch bán ngày rằm, nhưng đại đa số vẫn đang chờ tết.
Đang luôn tay tỉa nhánh cho những luống hoa vạn thọ của mình, chị Trần Thị Tuyết Mai cho biết, tại đây có nhiều người chọn trồng hoa vạn thọ bán tết. Bởi hoa vạn thọ có thời gian chăm sóc ngắn (từ 60 - 65 ngày), vốn đầu tư ít, chỉ cần bỏ công chăm sóc là có thể kiếm được một khoảng tiền kha khá để ăn tết.
Là giáo viên, chị Mai tận dụng thời gian rỗi để trồng vạn thọ tăng thêm tiền thu nhập. Mỗi năm, vào mùa nắng, chị Mai trồng hai vụ vạn thọ, trong đó chia thời gian thu hoạch theo thời điểm ngày rằm, cuối tháng, ngày tết…
Chuẩn bị cho vụ tết này, hai cha con chị Mai trồng 3 công vạn thọ giống Sa Đéc và giống thường. Vạn thọ Sa Đéc có giá 8.000 đồng/100 cây giống, vạn thọ thường giá 80.000 đồng/lít hạt giống. Mỗi công vạn thọ có vốn đầu tư khoảng 1 triệu đồng, chỉ bỏ công chăm sóc thì có thể thu lời gấp 4 - 5 lần vốn, tuỳ theo giá cả thị trường.
Chị Mai cho biết, chăm sóc hoa cũng đơn giản, chỉ thường xuyên lặt nhánh thừa để nuôi hoa và tạo dáng đẹp. Bên cạnh bán hoa cây, mùa tết chị còn vô chậu hoa vạn thọ Sa Đéc để bán. Thường mỗi chậu có 2 - 3 cây, được bán với giá 50.000 đồng/cặp, có khi cao hơn tuỳ độ hút hàng.
Chị Lê Thị Hồng, ngụ ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, Dương Minh Châu, 4 năm qua cũng chọn việc trồng vạn thọ để kiếm thêm tiền ăn tết. Với khoảng 160m2 đất, chị Hồng trồng 1.600 cây vạn thọ thuộc hai giống Sa Đéc và Ninh Hoà. Năm ngoái, trên mảnh đất này, chị kiếm lời gần 4 triệu đồng từ việc trồng hoa vạn thọ. Chị Hồng vui vẻ nói: “Năm nay hoa phát triển tốt, hy vọng sẽ có được thu nhập khá hơn”. Chị còn cho biết thêm, năm sau sẽ tận dụng thêm đất để trồng hoa vào dịp tết.
Tại vùng rau thuộc xã Bàu Năng, Dương Minh Châu, bà Lê Thị Gieo, ngụ ấp Ninh Bình cũng đang chăm sóc đám bí đỏ khoảng 6 công, hiện đã hái bông và chờ tết thu hoạch. Qua nhiều năm trồng hàng bông vào dịp tết, bà Gieo cho biết, thu hoạch hàng bông vào dịp tết chỉ trông chờ… hên - xui. Có khi vào tết giá sẽ cao hơn bình thường 1.000 - 2.000 đồng/kg nhưng sau đó lại tụt giá. Năm nay, đám bí đang có hy vọng trúng mùa nhưng chưa biết giá cả thế nào.
Còn chị Trần Thị Giáo, ngụ ấp Ninh Hiệp, nhiều năm qua cũng trồng cải bông bán vào dịp tết. Các năm trước, dịp tết giá cải bông khoảng từ 7 - 8.000 đồng/kg chứ không cao như đầu vụ vào khoảng tháng 10 (lúc cao điểm lên đến gần 30.000 đồng/kg). Với 4 công đất, từ đầu vụ đến nay chị đã đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, giá cả bán tết thường rất bấp bênh, khiến chị không mấy an lòng.
Theo một số nông dân, trước đây họ từng trồng rau bán tết, nhưng năm nào cũng bị dội hàng do nhiều người cùng thu hoạch, giá cả bấp bênh nên nay đã không tiếp tục trồng nữa.
Có thể bạn quan tâm

Giữa tháng 12, đến thăm vườn lan dendro 3.000 m2 của ông Nguyễn Văn Thọ trên đường Hoàng Phan Thái (ấp 2, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP HCM), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vườn lan của ông chỉ toàn chậu và lá, rất ít chậu có nụ và hoa.

Trong khi trước đó, từ đầu niên vụ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2014 giá cà phê trong nước luôn giao động trong khoảng 40-41 triệu đồng/tấn, thậm chí trước đầu niên vụ 2014-2015 giá từng đứng vững ở mức 42 triệu đồng/tấn.

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho biết, diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh hàng năm trên 117.000 ha, năng suất bình quân năm 2014 đạt 56,3 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với năm 2010; sản lượng năm 2014 ước đạt trên 660.000 tấn, tăng 21.000 tấn/ha so với năm 2013.

Sự ra đời của Hiệp hội Thủy sản (Basep) trong 3 năm qua đã thể hiện rõ vai trò cầu nối của mình đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản. Gần 50 hội viên có doanh số chiếm tỉ trọng lớn trong toàn hiệp hội, kim ngạch xuất khẩu chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh...

Ở Tiền Giang, khóm phụng, khóm son là loại trái cây được xem là “hàng độc” để phục vụ nhu cầu chưng nghi của người tiêu dùng cả nước trong dịp Tết. Ông Hà Văn Bảy, nông dân trồng khóm ở xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước (Tiền Giang) cho biết, khóm phụng, khóm son là loại khóm kiểng có màu đỏ son sặc sỡ hoặc hình dáng như chim phụng nên được thị trường rất ưa chuộng. Để có các loại khóm này cung cấp cho thị trường thì các thương lái thường phải đặt hàng từ trước Tết khoảng 1-2 tháng.