Nghề Nuôi Vịt Chạy Đồng
Dân gian có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Câu nói ấy cho thấy sự rủi ro rất lớn trong nghề nuôi vịt chạy đồng.
Năm nào cũng vậy, khi những cánh đồng lúa vừa thu hoạch xong, thì đó cũng là lúc những người nuôi vịt chạy đồng bắt đầu vào vụ.
Từ tờ mờ sáng, trong tiết trời se lạnh của những ngày lập đông, những chủ trại vịt đã thức dậy để chuẩn bị cho vịt ra đồng ăn lúa. Anh Nguyễn Bá Thành (tỉnh Đồng Tháp) đang thả đàn vịt tại xã Hưng Phú (huyện Phước Long) tâm sự: “Cái nghề này đã gắn với tôi từ lâu lắm. Những năm trước, tôi theo gia đình đi khắp nơi, ở đâu có đồng lúa vừa thu hoạch là đến xin đồng cho vịt ăn. Giờ tôi lại nối tiếp cái nghề mà gia đình tôi từng gắn bó”.
Nuôi vịt thì chạy đồng, nuôi gà thì thả vườn - đó là cách chăn nuôi truyền thống từ bao đời nay của người dân vùng sông nước. Với những người nuôi vịt chạy đồng như anh Thành, việc tìm đồng cho vịt ăn lúc trước rất dễ dàng. Chỉ cần đến hỏi là chủ đất gật đầu cho vịt vào ăn, vì vịt sẽ ăn các bông lúa còn sót và diệt trừ cua, ốc trên đồng. Thế nhưng hiện nay, để có đồng cho vịt vào ăn, người chủ vịt phải trả cho chủ đất từ 20.000 - 40.000 đồng/công. Còn đối với những người “trong nghề”, họ sẵn sàng chia sẻ đồng với nhau để vịt nuôi có đủ thức ăn. Họ xem nhau như người thân, sẵn sàng chia sẻ từng cọng rau, con cá trong bữa cơm đạm bạc mang theo ăn vội trong lúc vịt chạy đồng.
Đa phần những người nuôi vịt chạy đồng đều có cuộc sống vất vả. Tuy nhiên, nếu là chủ vịt, thì có thể “đổi đời”, còn với những người chăn vịt mướn thì cuộc sống rất bấp bênh. Anh Thạch Liêu (tỉnh An Giang) - người chăn vịt mướn cho anh Thành tâm sự: “Làm nghề này cực lắm! Phải có sức khỏe, chịu được mưa gió, ăn bụi, ngủ bờ”.
Ngoài việc chịu đựng cực khổ, khó khăn, người nuôi vịt chạy đồng còn gặp nhiều rủi ro. Nếu chẳng may vịt gặp phải dịch bệnh, sẽ lâm vào cảnh bi đát. Và đã có nhiều chủ vịt phải “giũ mành mành” lầm lũi trở về quê với hai bàn tay trắng và nợ nần.
Nghề nuôi vịt chạy đồng từ lâu đã trở thành một tập quán sản xuất của người dân vùng ĐBSCL. Những chiếc ghe lớn, hai tầng, chở theo những bầy vịt chạy đồng trên sông nước sau mùa gặt là những hình ảnh thân quen. Trong buổi sáng bình minh, trên những cánh đồng, những người chăn vịt cần mẫn, lam lũ cùng với những đàn vịt cất tiếng gọi nhau gợi lên một khung cảnh thanh bình, yên ả ở vùng quê.
Có thể bạn quan tâm
Từ trước đến nay, việc khai thác trầm hương chỉ phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng hiện nay tại huyện Tân Phú đã có người nghiên cứu thành công chất cấy tạo trầm trên cây dó bầu, mở ra một hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế của một huyện miền núi.
Theo thống kê ban đầu, tính đến thời điểm này, bão số 2 đã làm 8 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Điều đáng nói, cơn bão xuất hiện đúng vào lúc nhiều địa phương ở miền Bắc nông dân đang xuống đồng thu hoạch…
Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân ở Thái Bình kéo nhau ra các thành phố để mưu sinh nên số lao động còn ở lại rất ít. Chính vì thế, mà mỗi lúc vào thời vụ của nhà nông, xuất hiện những người làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê.
Mới đây, nhiều nhà vườn trồng vải thiều, na (mãng cầu ta), nhãn, mận, ổi, xoài hay nông dân trồng khổ qua, dưa leo, bầu bí, đậu ở các tỉnh miền Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Yên Bái và một số tỉnh phía Nam: Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang
Cứ mỗi năm nhà vườn ở ĐBSCL lại nghĩ ra một sản phẩm trái cây mới lạ để phục vụ thị trường Tết. Từ bưởi hồ lô, đến dưa hấu vuông, dưa hấu thỏi vàng và Tết năm nay có thêm dưa hấu hồ lô “Tài Lộc” chữ nổi.