Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nghề nuôi tôm bao giờ đột phá?

Nghề nuôi tôm bao giờ đột phá?
Ngày đăng: 27/07/2015

“Muốn trúng số, phải thử”

Từ lâu, nghề nuôi tôm được ví như việc… mua vé số. Nghĩa là nếu được mùa sẽ giống như trúng số độc đắc, ngược lại xem như bỏ tiền mua... nợ!  Nhưng bất chấp sự may rủi ấy, nhiều người vẫn bám trụ với nghề. Bởi nói như ông Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Hải Tân, xã Phổ Quang (Đức Phổ) thì “nuôi tôm dễ nghiện. Càng nuôi càng say. Mà càng say thì càng phải… thử”

Lý giải nguyên nhân “say” này, ông Anh cho biết, đầu tư cho hồ tôm tốn gần cả trăm triệu đồng. Từ tiền bạt, máy, điện, đường đến con giống, thức ăn. Ấy nên nếu vụ trước thất bại, vụ sau vẫn phải tiếp tục nuôi để… giữ hồ. Bởi nếu bỏ, sau này muốn nuôi thì tiền và công cải  tạo hồ sẽ không hề nhỏ.

Còn ông Nguyễn Văn Bảy, người nuôi tôm ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) thì đặt vấn đề: Không nuôi tôm, nhiều người dân vùng cát biết làm nghề gì để nhanh chóng thoát nghèo? Bởi nếu thuận lợi, việc trồng lúa, chăn nuôi bò, heo, gà, vịt cũng chỉ đủ trang trải qua ngày; còn ngược lại, mất mùa rớt giá thì nông dân cũng lâm vào cảnh nợ nần. Trong khi đó chỉ cần trúng một vụ tôm, nông dân đã có lãi cả trăm triệu đồng chỉ trong vòng vài ba tháng.    

Không riêng gì ông Anh, ông Bảy mà nhiều người nuôi tôm trong tỉnh cũng chung suy nghĩ trên. Hẳn thế nên dù dịch bệnh tấn công, giá cả bấp bênh, nhưng số hồ tôm bị “treo” không nhiều. “Có chăng chỉ là những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm quá nặng nên nông dân mới bỏ hồ. Nhưng họ bỏ chỗ này, rồi sẽ tìm nơi khác để tiếp tục đào hồ nuôi tôm chứ hiếm người quên luôn đối tượng nuôi này”, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đức Phổ Lê Thanh Tân cho biết.

Đột phá từ đâu?

Hiện giờ, con tôm không còn thời “nuôi là trúng” như những ngày đầu nó mới xuất hiện, bởi nhiều yếu tố ảnh hưởng như điều kiện môi trường, thời tiết, con giống, kỹ thuật… luôn có sự thay đổi. Nhưng điều khiến người nuôi tôm cũng như ngành chức năng đau đầu là việc tìm ra nguyên nhân khiến tôm bị dịch bệnh ồ ạt như thời gian qua. Từ con giống đến môi trường nước, ao nuôi, rồi kỹ thuật chăm sóc. Tất cả đều đã được phân tích, mổ xẻ; nhiều biện pháp khắc phục môi trường trong và ngoài khu vực nuôi tôm đã được nghiên cứu, triển khai áp dụng nhưng kết quả, tôm vẫn chết trắng hồ. Ấy nên khi được hỏi nguyên nhân gây ra dịch bệnh ở tôm, hầu như các chủ hồ đều lắc đầu bảo “chịu”. Bởi cùng một nguồn nước, con giống và một chủ nuôi nhưng vì sao lại có chuyện hồ được, hồ mất?

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người trăn trở là dù tỉnh ta có diện tích nuôi tôm rất lớn, nhưng lại chưa có bất kỳ đơn vị sản xuất giống nào. Có chăng là một vài đơn vị mua giống gốc rồi ươm để cung ứng cho thị trường. Ngay Trung tâm Giống thủy sản, thuộc Sở NN&PTNT cũng chỉ thực hiện được công đoạn này và hiện đáp ứng 10% nhu cầu toàn tỉnh. Vậy là để sản xuất, người nuôi tôm phải mua giống ngoài tỉnh, chủ yếu từ tỉnh Bình Định. “Trước thì còn vào tận nơi chứ giờ quen rồi, gọi điện đặt số lượng là họ mang ra. Còn chuyện giống tốt, xấu nhờ trời chứ giấy kiểm dịch chẳng có tác dụng gì. Có giấy kiểm dịch mà nó cũng chết hoài đó thôi!”, ông Nguyễn Tuấn Anh bày tỏ.

Trong khi người nông dân mong muốn “có chỗ bán giống tại tỉnh, được các cơ quan chức năng hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, xử lý môi trường” thì ngành nông nghiệp cho rằng, để tạo đột phá cho ngành nuôi tôm phải bắt đầu từ chính ý thức người nuôi. Bởi hiện nay, nước thải từ ao nuôi được họ “rút ống thả ra sông, biển mênh mông” nên việc ô nhiễm, kéo theo dịch bệnh là không tránh khỏi.

Để khắc phục tình trạng trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ chỉ đạo: “Các địa phương cần rà soát, nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch các vùng nuôi tôm với hạ tầng đồng bộ, trong đó ưu tiên hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, để có vốn đầu tư, các địa phương nên linh động xã hội hóa chứ không phải cứ trông chờ vào ngân sách nhà nước”. Mong rằng bước đi này sẽ giúp con tôm khôi phục lại nhiệm vụ giúp dân “thoát nghèo, làm giàu” của mình.


Có thể bạn quan tâm

Chuẩn Bị Lấy Nước Đợt 1 Cho Vụ Lúa Đông Xuân 2014-2015 Chuẩn Bị Lấy Nước Đợt 1 Cho Vụ Lúa Đông Xuân 2014-2015

Các địa phương cần sớm hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn các cửa lấy nước, kiểm tra hệ thống máy bơm, phương tiện lấy nước để sẵn sàng vận hành khi nguồn nước bảo đảm.

19/01/2015
Hướng Hóa (Quảng Trị) Mất Mùa Cà Phê Hướng Hóa (Quảng Trị) Mất Mùa Cà Phê

Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.

19/01/2015
Trồng Màu Trên Đất Cù Lao Trồng Màu Trên Đất Cù Lao

Trong 2 năm 2013-2014, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) có 56 nông dân duy trì trồng màu chuyên canh, 17 nông dân lập vườn trồng cây ăn trái và kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch. Xã hiện có 6 mô hình sản xuất- kinh doanh nông thôn, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề làm ăn trên đất cù lao.

19/01/2015
Ớt Mất Mùa, Mất Giá Ớt Mất Mùa, Mất Giá

Chúng tôi về Ninh Thọ, TX Ninh Hòa những ngày này, khi các cánh đồng lúa 1 vụ và những vùng đất chân cao nông dân trồng ớt đã bước vào mùa thu hoạch rộ. Không khí thu hoạch ớt trên ruộng rất khẩn trương, cứ 3 - 4 ngày nông dân lại hái ớt bán cho các vựa.

19/01/2015
Chợ Gạo (Tiền Giang) Gừng Tết Trúng Mùa, Được Giá Chợ Gạo (Tiền Giang) Gừng Tết Trúng Mùa, Được Giá

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Gạo (Tiền Giang), người dân trồng gừng Tết năm nay trúng mùa, được giá. Toàn huyện có gần 200 ha gừng Tết, được trồng ở các xã: Quơn Long, Bình Phan, Bình Phục Nhứt và Tân Thuận Bình.

19/01/2015