Nghề Nuôi Ốc Hương Một Vốn Bốn Lời Ở Vũng Tàu

Với đặc điểm dễ nuôi, ít tốn thức ăn,nhanh thu hoạch, nghề nuôi ốc hương ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Tuy nhiên, tiềm năng đang bị bỏ ngỏ, khi mà diện tích và số hộ nuôi trồng của địa phương vẫn chưa được mở rộng.
Từng nuôi tôm và trúng nhiều vụ lớn, nhưng do dịch bệnh và rủi ro cao, từ năm 2004 anh Nguyễn Ngọc Đảm (khu phố 5, phường 12) chuyển sang nuôi ốc hương. Vụ đầu tiên nuôi 30 ngàn con, lời hơn 10 triệu đồng. Nhận thấy đây là loài thủy sản có giá trị trên thị trường, lại dễ nuôi, nên anh Đảm tiếp tục duy trì nuôi. Đến nay, anh đã tăng số lượng nuôi lên 300 ngàn con. Vụ thu hoạch vừa rồi, anh thu được hơn 2,4 tấn, giá bán từ 200 - 240 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi hơn 500 triệu đồng.
Theo anh Đảm, nuôi ốc hương, chỉ khoảng 4 tháng đã cho thu hoạch; thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp; tỷ lệ hao hụt con giống trong quá trình nuôi cũng thấp, khoảng 15%. Cứ 1 kg giống cho thu hoạch bình quân 1,2 tấn ốc thương phẩm. Bình quân mỗi tấn ốc hương trên thị trường bán với giá thấp nhất khoảng 200 triệu đồng, nếu thả nuôi 1 triệu con giống, trên diện tích 0,5ha, chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 7 - 8 tấn, người nuôi thu lãi cả tỷ đồng. “Nuôi ốc hương một vốn bốn lời” - anh Đảm khẳng định.
Khu vực bờ biển dọc phường 12 phù hợp với việc nuôi ốc hương, trong đó có một số vị trí đủ điều kiện để quy hoạch thành vùng nuôi ốc hương cho năng suất cao. Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương vẫn đang còn mới mẻ tại địa phương. Việc nhân rộng mô hình nuôi ốc hương thương phẩm tại địa bàn vẫn chưa được triển khai mạnh, số lượng nuôi và diện tích còn hạn chế, chỉ có anh Nguyễn Ngọc Đảm và một số hộ nuôi nhỏ lẻ. Anh Đảm cho biết, vấn đề con giống cũng là một khó khăn hiện nay, bởi nguồn giống tự nhiên đang cạn kiệt dần, người nuôi chủ yếu phải nhập giống từ miền Trung.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, phường 12 đã có chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đa dạng đối tượng nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đưa nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, mở rộng diện tích để phát triển mạnh nghề nuôi ốc hương thương phẩm sẽ là một hướng đi phù hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương trong thời gian tới. “Nghề nuôi ốc hương đang trở thành nghề mang lại kinh tế cao, bên cạnh nghề nuôi tôm nhiều rủi ro tiềm ẩn” - ông Nguyễn Hoàng Hồng nói.
Anh Nguyễn Ngọc Đảm cho biết: “Trong tương lai, nếu phong trào nuôi ốc hương phát triển mạnh, tôi sẽ tìm hiểu sản xuất ốc hương giống để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khu vực”. Được biết, vừa qua anh Đảm đã ép thành công 40 triệu con nghêu giống.
Có thể bạn quan tâm

Thiên nhiên ưu đãi mảnh đất Kim Sơn (Ninh Bình) bằng cách riêng, đó là mỗi năm ban tặng vùng đất này chừng 120 ha đến 150 ha đất phù sa lấn biển. Trong mấy năm gần đây, nhờ hỗ trợ của các nguồn lực từ Nhà nước trong việc xây dựng các tuyến đê quai lấn biển, nghề nuôi trồng thuỷ sản ở Kim Sơn đang có xu hướng phát triển mạnh, góp phần đáng kể vào sự đổi thay của mảnh đất vốn nghèo khó này.

Được sự chấp thuận của UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Trà Vinh, ngày 08/8/2014, Hiệp hội Thủy sản tỉnh Trà Vinh đã tổ chức buổi Tổng kết chương trình Chuỗi cung ứng cá tra bền vững và trao giấy chứng nhận GlobalGAP cho Tổ hợp tác Nuôi cá tra bền vững tại hai huyện Tiểu Cần và Cầu Kè do ông Giãng Văn Bảy làm Tổ trưởng.

Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Sinh học thuộc Công ty cổ phần Ứng dụng Khoa học Kỹ thuật Việt Nam-Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE), đã phân lập và nhân nuôi thành công chủng nấm có trong Đông trùng hạ thảo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu (TACN& NL) của Việt Nam tháng 8/2014 đạt 320 triệu USD, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, 8 tháng đầu năm, ước đạt 2,243 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Cách nay 2 tuần, giá thuê máy gặt đập liên hợp (GĐLH) để thu hoạch lúa tại nhiều nơi chỉ ở mức 250.000-260.000 đồng/công (lúa không đổ ngã) thì nay tăng lên mức 280.000-300.000 đồng/công; còn đối với các diện tích lúa bị đổ ngã từ 30-70% muốn thuê máy GĐLH thu hoạch, nông dân phải chịu giá từ 350.000-400.000 đồng/công, thậm chí 500.000 đồng/công đối lúa bị đổ ngã hoàn toàn.