Nghề Nuôi Ốc Hương Một Vốn Bốn Lời Ở Vũng Tàu
Với đặc điểm dễ nuôi, ít tốn thức ăn,nhanh thu hoạch, nghề nuôi ốc hương ở phường 12 (TP.Vũng Tàu) đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân. Tuy nhiên, tiềm năng đang bị bỏ ngỏ, khi mà diện tích và số hộ nuôi trồng của địa phương vẫn chưa được mở rộng.
Từng nuôi tôm và trúng nhiều vụ lớn, nhưng do dịch bệnh và rủi ro cao, từ năm 2004 anh Nguyễn Ngọc Đảm (khu phố 5, phường 12) chuyển sang nuôi ốc hương. Vụ đầu tiên nuôi 30 ngàn con, lời hơn 10 triệu đồng. Nhận thấy đây là loài thủy sản có giá trị trên thị trường, lại dễ nuôi, nên anh Đảm tiếp tục duy trì nuôi. Đến nay, anh đã tăng số lượng nuôi lên 300 ngàn con. Vụ thu hoạch vừa rồi, anh thu được hơn 2,4 tấn, giá bán từ 200 - 240 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí anh còn lãi hơn 500 triệu đồng.
Theo anh Đảm, nuôi ốc hương, chỉ khoảng 4 tháng đã cho thu hoạch; thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp; tỷ lệ hao hụt con giống trong quá trình nuôi cũng thấp, khoảng 15%. Cứ 1 kg giống cho thu hoạch bình quân 1,2 tấn ốc thương phẩm. Bình quân mỗi tấn ốc hương trên thị trường bán với giá thấp nhất khoảng 200 triệu đồng, nếu thả nuôi 1 triệu con giống, trên diện tích 0,5ha, chăm sóc tốt và thời tiết thuận lợi có thể thu hoạch 7 - 8 tấn, người nuôi thu lãi cả tỷ đồng. “Nuôi ốc hương một vốn bốn lời” - anh Đảm khẳng định.
Khu vực bờ biển dọc phường 12 phù hợp với việc nuôi ốc hương, trong đó có một số vị trí đủ điều kiện để quy hoạch thành vùng nuôi ốc hương cho năng suất cao. Tuy nhiên, nghề nuôi ốc hương vẫn đang còn mới mẻ tại địa phương. Việc nhân rộng mô hình nuôi ốc hương thương phẩm tại địa bàn vẫn chưa được triển khai mạnh, số lượng nuôi và diện tích còn hạn chế, chỉ có anh Nguyễn Ngọc Đảm và một số hộ nuôi nhỏ lẻ. Anh Đảm cho biết, vấn đề con giống cũng là một khó khăn hiện nay, bởi nguồn giống tự nhiên đang cạn kiệt dần, người nuôi chủ yếu phải nhập giống từ miền Trung.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, phường 12 đã có chủ trương quy hoạch vùng nuôi thủy sản, đa dạng đối tượng nuôi nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, đưa nghề nuôi trồng thủy sản phát triển theo hướng bền vững. Trong đó, mở rộng diện tích để phát triển mạnh nghề nuôi ốc hương thương phẩm sẽ là một hướng đi phù hợp cho hoạt động nuôi trồng thủy sản tại địa phương trong thời gian tới. “Nghề nuôi ốc hương đang trở thành nghề mang lại kinh tế cao, bên cạnh nghề nuôi tôm nhiều rủi ro tiềm ẩn” - ông Nguyễn Hoàng Hồng nói.
Anh Nguyễn Ngọc Đảm cho biết: “Trong tương lai, nếu phong trào nuôi ốc hương phát triển mạnh, tôi sẽ tìm hiểu sản xuất ốc hương giống để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và khu vực”. Được biết, vừa qua anh Đảm đã ép thành công 40 triệu con nghêu giống.
Related news
Nghề trồng nấm rơm đang phát triển mạnh ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), tập trung ở các xã: Mỹ Long, Tân Hội, Tân Phú, Mỹ Hạnh Trung và Mỹ Hạnh Đông… Mỗi năm sản xuất hàng trăm tấn nấm phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khi hầu hết thanh niên trong thôn xã đi lao động ở nước ngoài thì anh Hồ Đức Ngọc (29 tuổi, ở thôn Nhân Bắc, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) ở nhà tìm hướng làm kinh tế.
Xác định cây chuối là cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp nên những năm gần đây diện tích trồng chuối ở xã Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) tăng lên rất nhanh. Cuối năm 2012, toàn xã trồng được 1.000 ha thì đến những tháng đầu năm 2013 nhân dân đã trồng mới thêm 62 ha, nâng tổng diện tích cây chuối trên địa bàn lên 1.062 ha.
Để giúp nông dân từng bước vươn lên làm giàu, đồng thời thay thế bằng những giống mướp đắng mới cho năng suất sản lượng cao, vụ hè thu năm 2012 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công ty giống cây trồng Mosanto - Việt Nam xây dựng thành công mô hình trồng cây mướp đắng lai F1 mới CN0244.
Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.