Qua vụ tôm xuân hè 2015
Tại vùng nuôi tôm tập trung của xã Hải Lý, không khí lao động rất khẩn trương, người người hối hả chuyền tay nhau bê những rổ tôm đầy ắp. Xen kẽ cạnh đó, nhiều ao nuôi tôm đã thu hoạch, đang trong giai đoạn cải tạo, cạn trơ phơi đáy chờ nuôi vụ 2. Anh Bùi Trọng Chinh, xóm Lê Lợi cho biết: Hầu hết các hộ nuôi tôm ở đây không chần chừ như những năm trước mà ao nuôi đủ ngày, đủ tháng là thu hoạch ngay. Nếu để lại còn tốn thêm chi phí mà tôm cũng không phát triển được nhiều, lại thêm nỗi lo dịch bệnh.
Vụ này, gia đình anh Chinh thả 1 triệu con giống trong 10 ao nuôi với tổng diện tích trên 2ha. Sau hơn 3 tháng chăm sóc, gia đình anh bắt đầu thu hoạch, năng suất dự kiến đạt trên 10 tấn/ha. Vụ xuân hè năm 2015, toàn tỉnh nuôi thả 592ha tôm thẻ chân trắng. Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, vụ nuôi năm nay, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao làm độ mặn ao nuôi tăng nên tôm phát triển chậm hơn; tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên tôm đã giảm hẳn so với mọi năm. Có được kết quả trên, rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, Sở NN và PTNT tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân thả giống mật độ thưa hơn so với mọi năm (chỉ từ 60-80 con/m2); thả thăm dò, thả rải vụ đã giảm áp lực về con giống, thức ăn và vật tư đầu vào...
Phòng NTTS, Thanh tra Sở NN và PTNT phối hợp cùng các đơn vị trong ngành, Phòng NN và PTNT các huyện tăng cường chỉ đạo, quản lý chặt chẽ các vùng nuôi và chất lượng các loại vật tư phục vụ NTTS. Chi cục Thú y thực hiện tốt công tác quan trắc, phát hiện cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh, mức độ ô nhiễm môi trường các vùng nuôi, đề ra các biện pháp xử lý kịp thời. Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong NTTS. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh phối hợp cùng các đơn vị, địa phương tăng cường tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp các hộ nuôi tôm chủ động các biện pháp phòng trừ dịch bệnh… Đặc biệt, ngay từ đầu vụ nuôi, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội thảo trao đổi kinh nghiệm nuôi tôm thẻ chân trắng cho các hộ nuôi tham gia.
Thông qua buổi hội thảo, các hộ nuôi tôm được trao đổi kinh nghiệm sản xuất thực tế với các nhà khoa học, nhà quản lý, chủ trang trại nuôi tôm có nhiều kinh nghiệm, từ đó rút ra biện pháp, kỹ thuật nuôi và phòng bệnh trên tôm nuôi nhằm phát triển bền vững cho nghề nuôi tôm thẻ chân trắng năm 2015 và những năm tiếp theo. Qua đó, trình độ kỹ thuật của người nuôi được nâng cao rõ rệt. Ở vụ nuôi năm nay, hầu hết các hộ nông dân đã thực hiện nghiêm túc các bước trong quy trình nuôi. Công tác cải tạo ao đầm, xử lý nước trước khi đưa vào nuôi được chú trọng. Phần lớn các cơ sở nuôi đều đầu tư đầy đủ hệ thống công trình phụ trợ như ao chứa, ao lắng, hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống nhà kho, nhà làm việc.
Công tác chăm sóc, quản lý ao nuôi và sức khỏe của tôm cũng được các hộ nuôi chú trọng. Trên địa bàn tỉnh, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học cho tôm được cung ứng bởi các hãng có uy tín; hầu hết các hộ nuôi thực hiện nghiêm túc quy trình nuôi đã được hướng dẫn bởi cơ quan quản lý và kỹ thuật viên của các Cty cung ứng vật tư thủy sản. Do vậy, tình hình dịch bệnh trên tôm của tỉnh cơ bản được kiểm soát. Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, một số ao nuôi tôm thẻ chân trắng với mật độ cao có hiện tượng bị sốc môi trường, tôm yếu, bỏ ăn; tuy nhiên, Sở NN và PTNT đã phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển tăng cường bám sát địa bàn, hướng dẫn người nuôi các biện pháp chăm sóc, khắc phục sau mưa bão nên đã giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.
Trong suốt vụ nuôi, các huyện đã cử cán bộ phụ trách thủy sản tăng cường giám sát, nắm bắt tình hình các vùng nuôi; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi thực hiện tốt việc chăm sóc, vệ sinh, quản lý môi trường ao, đầm nuôi tôm đảm bảo sự sinh trưởng và nâng cao sức đề kháng cho tôm; hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường và dịch bệnh trước tình hình thời tiết diễn biến hết sức phức tạp trong thời gian qua. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, hiện nay, các địa phương đã thu hoạch được 171ha, đạt gần 30% tổng diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng của tỉnh; năng suất ước đạt 8,2 tấn/ha.
Tuy nhiên, theo các hộ nuôi tôm, tại thời điểm xuất bán, giá tôm thẻ chân trắng thấp hơn so với mọi năm từ 10-20%; cụ thể tôm loại 100-120 con/kg giá từ 100-120 nghìn đồng/kg; loại 50 con/kg giá 180-200 nghìn đồng/kg, bên cạnh đó chi phí nuôi tôm như: điện, nước, thức ăn, con giống, chế phẩm sinh học... tăng cao hơn nên mặc dù được mùa tôm nhưng lợi nhuận thu về từ tôm thẻ chân trắng cũng không cao hơn so với mọi năm. Hiện nay, nghề nuôi tôm thẻ chân trắng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại một số vùng nuôi, mặc dù môi trường nuôi đã sử dụng lâu năm song việc cải tạo ao nuôi không được các hộ nuôi chú ý; việc xử lý môi trường ao nuôi còn tùy tiện, không đúng quy trình, nước thải không được xử lý mà xả thải trực tiếp ra môi trường. Nhiều nơi, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong nuôi tôm thẻ chân trắng, nhất là ở những vùng chuyển đổi từ làm muối sang nuôi tôm thẻ chân trắng.
Hệ thống thủy lợi cho nuôi tôm phải sử dụng chung với hệ thống thủy lợi phục vụ làm muối nên chưa có hệ thống sông tưới, sông tiêu riêng biệt. Nhiều cơ sở nuôi chưa đáp ứng các điều kiện về quy hoạch, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nuôi tôm thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo nhận định của Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, trong thời gian tới, thời tiết tiếp tục diễn biến bất thường, nền nhiệt toàn vùng dự báo ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, cao nhất lên tới 36-39oC sẽ ảnh hưởng lớn đến NTTS, đặc biệt đối với tôm.
Để vụ nuôi tôm xuân hè đạt kết quả tốt, Sở NN và PTNT đề nghị các huyện chỉ đạo các cơ sở nuôi tranh thủ thu hoạch đối với những ao tôm đủ kích cỡ thương phẩm hoặc những ao tôm quá chậm lớn (cá biệt đã có hộ nuôi tôm gần 4 tháng chỉ đạt 200 con/kg). Đối với những ao tôm đã thu hoạch, cần chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ nuôi tôm tiếp theo với những ao đủ điều kiện. Với những ao nuôi vụ 1 bị bệnh hoặc không đủ điều kiện nuôi vụ 2, cần khuyến cáo bà con chuyển sang nuôi một số đối tượng khác như: cá đối mục, cá rô phi, cá sủ đất... là những đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng cải tạo môi trường ao nuôi.
Sau vụ tôm xuân hè, các hộ nuôi tiếp tục chuẩn bị các điều kiện, cải tạo ao đầm nuôi gối tiếp vụ hè thu nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu sản lượng NTTS các loại đạt trên 70,5 nghìn tấn của toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian vừa qua, đàn bò của nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bị bệnh lở mồm long móng (LMLM). Trong khi cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tìm mọi cách để khống chế dịch bệnh thì thương lái đã tìm đến các vùng đồng bào dân tộc thiểu số để mua bò với giá rẻ. Điều này gây thiệt đơn thiệt kép, không chỉ thiệt hại về kinh tế cho người dân mà còn khiến dịch bệnh lây lan.
Huyện Tuy An (Phú Yên) là địa phương có đàn bò nhiều nhất tỉnh, trong đó 71,5% là bò lai. Chăn nuôi bò đang mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người dân.
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đặc biệt trong mùa hè tình hình thời tiết nắng nóng, hạn hán đã xảy ra nhiều nơi, nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất ngày càng cạn kiệt, một số diện tích đất sản xuất lúa phải bỏ hoang, có diện tích sau khi gieo sạ một thời gian bị thiếu nước phải cắt làm thức ăn cho trâu bò, có diện tích bị cháy khô, số diện tích còn lại cho năng suất thấp, không hiệu quả trong sản xuất…
Nông dân xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân, An Giang) đã trồng giống mía Cuba đạt lợi nhuận cao. Nông dân Lê Văn Ựng, người trồng mía lâu năm, cho biết: “Tôi đang thu hoạch 5 công mía Cuba, với giá 5.000 đồng/cây, trừ tất cả chi phí, lời 75 triệu đồng. Trồng mía chỉ cực công lúc chăm sóc thôi, còn khi thu hoạch thì thương lái tự bẻ”.
Có giá trị kinh tế cao, giàu vitamin, là thứ trái cây được nhiều người ưa thích, quýt hồng Lai Vung được bình chọn trong top 5 “siêu trái Việt Nam”.