Ngành mía đường có nguy cơ vỡ trận
“Ngộp thở” vì đường Thái Lan
Hiện nay, theo cam kết mở cửa thị trường mặt hàng đường nói chung, ngành mía đường trong nước vẫn đang được Nhà nước bảo hộ ở mức cao. Công cụ bảo hộ chủ yếu thực hiện bằng các hàng rào thuế quan và cơ chế quản lý NK. Tuy nhiên, thời gian tới khi kinh tế đất nước hội nhập sâu, bên cạnh những cơ hội mở ra, ngành mía đường Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với khá nhiều thách thức.
Từ năm 1995 đến nay, năng suất mía tăng từ 47,6 tấn/ha lên 65,3 tấn/ha (1,8%/năm). Trong 3 năm gần đây, năng suất mía tăng 0,7%/năm (từ gần 63 tấn/ha năm 2012 lên 65,3 tấn/ha năm 2014). Năng suất mía nước ta hiện bằng 90% năng suất mía bình quân của thế giới với trữ lượng đường khoảng 10,4 CCS. Năng suất đường của Việt Nam còn thấp, chỉ đạt gần 5 tấn/ha, trong khi đó thế giới đạt khoảng 6,8 tấn/ha.
Phát biểu tại Hội nghị “Biện pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam” do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng 18-5, bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục XNK (Bộ Công Thương) đánh giá: Thách thức lớn nhất với ngành đường là từ năm 2018, Việt Nam phải xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch thuế quan đường từ ASEAN. Khi đó, việc NK đường của Việt Nam từ các nước thành viên ASEAN sẽ không bị hạn chế về số lượng và thuế suất thuế NK chỉ còn 5%. Đường NK Thái Lan sẽ cạnh tranh và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đường sản xuất trong nước. “Có thể nói, đây là sân chơi đòi hỏi ngành đường phải có sự chuẩn bị bài bản và quyết tâm lớn để nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm nhằm cạnh tranh vững vàng hơn”, bà Diệu Hà nhấn mạnh.
Liên quan tới vấn đề này, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh cho rằng, nếu Nhà nước không có những quy hoạch và tính toán cụ thể, đến năm 2018, ngành đường Việt Nam sẽ đánh mất thị trường trong nước vào tay các DN nước ngoài, đặc biệt là đối thủ Thái Lan.
Ông Dương tính toán, hiện nay Thái Lan không chỉ có lợi thế so với Việt Nam về chi phí sản xuất mà còn vươn xa nắm bắt cả những kênh phân phối đường ngay tại Việt Nam. “Về thị trường kinh doanh, thị trường đường 25% cho tiêu dùng trực tiếp, còn lại là khách hàng công nghiệp. Ở kênh bán lẻ, chi phí phân phối siêu thị đang khá lớn, chiếm tới 10-20%, trong khi các DN sản xuất, kinh doanh mía đường lợi nhuận tốt mới đạt 10%. Điều đó làm cho giá đường tới tay người tiêu dùng cao.
Với kênh phân phối thông qua các nhà tạp hóa, một số nhà phối lớn nhất trên thị trường hiện nay như Hương Thủy, Phú Thái đã được DN Nhật Bản và Thái Lan sở hữu hết. Các DN nước ngoài đã tiến hành mua kênh phân phối để dọn đường cho sản phẩm tiến sâu hơn vào thị trường Việt Nam. Như vậy, vô hình trung, các nhà máy đường đẩy mạnh sản xuất cũng chỉ là làm thuê, gia công cho DN nước ngoài. Trong tương lai, khi đường Thái Lan ồ ạt NK vào Việt Nam, DN không cạnh tranh nổi, người dân Việt Nam cũng không được hưởng lợi dùng đường giá rẻ bởi DN Thái đã nắm nhà phân phối. Do đó, Nhà nước cần có những can thiệp kịp thời, phù hợp để cân đối vấn đề phân phối sản phẩm này”, ông Dương nhấn mạnh.
Đột phá giống, tăng cơ giới hóa
Xung quanh bài toán, lối thoát nào cho ngành mía đường Việt Nam, đa phần đại biểu tham dự hội nghị đều cho rằng, mấu chốt là phải tiến tới tăng chất lượng, hạ giá bán sản phẩm, trong đó đột phá về giống đóng vai trò quan trọng.
“Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ để đầu tư mía giống bài bản. Ở Thái Lan có 5 trung tâm lai tạo giống của Nhà nước và 7 trung tâm lai tạo làm công tác khảo nghiệm của DN. Mỗi năm, chúng tôi cũng bỏ chi phí khoảng 10 tỷ đồng để nghiên cứu nhưng chưa lai tạo được giống tốt mà chủ yếu NK giống. Quy hoạch của Chính phủ cần phân chia nhiệm vụ rõ ràng, Nhà nước chịu trách nhiệm lai tạo giống, DN tham gia phần khảo nghiệm… Để có thể lai tạo giống tốt, ít nhất cũng phải đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/năm. DN sẵn sàng phối hợp với cơ quan Nhà nước để triển khai tốt công tác này, nhất là trong khâu khảo nghiệm giống”, ông Dương khẳng định.
Ông Dương cũng đề xuất, cần có quy định “cứng” như chỉ khuyến khích phát triển các nhà máy chế biến có công suất trên 5.000 tấn mía/ngày. Về NK, cơ quan Nhà nước chỉ nên cho NK đường thô thay vì NK đường trắng như hiện tại.
Đồng tình với quan điểm trên, theo ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh, ngoài chú trọng vấn đề cải tạo giống, đẩy mạnh cơ giới hóa cũng là việc cấp bách cần làm. Hiện nay, cơ giới hóa trong chăm sóc, thu hoạch mía còn khá yếu kém, không thể giúp tăng năng suất. “Muốn cơ giới hóa phải có cánh đồng lớn, trong bối cảnh diện tích trồng mía khá manh mún như hiện nay, đề nghị Bộ NN&PTNT đẩy mạnh chính sách dồn điền đổi thửa với các bước tính cụ thể, phù hợp. Bên cạnh đó, quan hệ giữa nông dân trồng mía với nhà máy chế biến cũng phải thay đổi theo hướng quan tâm hơn tới lợi ích của người nông dân, chia sẻ công bằng lợi nhuận thay vì nhà máy chỉ tập trung lo cho quyền lợi của mình như hiện tại”, ông Hợp nói.
Đáp lại những băn khoăn, kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: Thẳng thắn nhìn nhận, ngành mía đường còn nhiều tồn tại và vấn đề ngày càng trở nên bức thiết hơn trước yêu cầu hội nhập kinh tế. Để giải quyết “bài toán” tăng sức cạnh tranh cho ngành, giải pháp đầu tiên chính là phải chấn chỉnh năng suất cũng như chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá bán trong khi vẫn đảm bảo thu nhập cho người nông dân. Các biện pháp cụ thể mà Bộ NN&PTN hướng tới là tạo sự đột phá về giống, thay đổi cách thâm canh, áp dụng tưới, cơ giới hóa và tổ chức lại sản xuất.
“Bộ NN&PTNT hiện đã có Viện Nghiên cứu Mía đường, thời gian tới Bộ sẽ chấn chỉnh để Viện hoạt động hiệu quả hơn, nhất là trong vấn đề tạo ra những giống mía chất lượng, năng suất. Tuy nhiên, nếu chỉ trông vào hoạt động của Viện sẽ khá chậm bởi hiện nay chỉ 1,8% mía của Việt Nam được trồng bằng giống của Viện làm ra. Do đó, các DN thấy ở đâu có giống mía tốt, hiệu quả có thể chủ động đề xuất, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT tiến hành NK về, khảo nghiệm và phổ biến trồng rộng rãi trong dân”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng giao Cục Trồng trọt rà soát, triển khai sớm chương trình về giống mía liên kết giữa Nhà nước và DN; Tổng cục Thủy lợi rà soát, hướng dẫn cho nông dân quy trình tưới mía khoa học, phù hợp. Đối với Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ trưởng yêu cầu tổng kết, hướng dẫn cho nông dân trồng mía quy trình cơ giới hóa đồng bộ; đồng thời, trước ngày 30-6 phải tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp xem vướng mắc ở đâu, đã triển khai như thế nào để làm tiếp cho hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Vụ nuôi tôm năm 2015, mặc dù nắng nóng kéo dài, dịch bệnh xuất hiện rải rác ở đầu vụ, song nhờ thả giống đúng lịch thời vụ và tăng cường ứng dụng các tiến bộ KHKT, nuôi tôm thân thiện với môi trường, nên năng suất, sản lượng tôm và các loại thủy sản nuôi ở Tuy Phước tăng khá.
Ông Nguyễn Minh Nhân, Phó Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 6, cho biết: Tràn Piano - đập dâng Văn Phong thuộc Hợp phần khu tưới Văn Phong - Dự án hồ chứa nước Định Bình vừa được Bộ NN&PTNT tặng giải thưởng “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ 2.2015.
Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện An Lão, từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn huyện đã đóng góp 133 ngày công, hiến 1.274m2 đất, 400 gốc mì, 46 cây ăn quả và 1.025 cây lấy gỗ để làm đường, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng.
Ông Phan Thanh Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản cho biết, ông Hitoshi Kato Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật- Việt tại Sakai vừa tặng Bình Định 15 con cá Koi (cá chép Nhật Bản), mỗi con nặng 100 gam để nuôi làm giống.
Ông Nguyễn Văn Trượng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký với Sở NN&PTNT thực hiện 216 cánh đồng mẫu lớn (CĐML) sản xuất lúa và các loại cây trồng cạn, diện tích trên 8.993 ha với 54.481 nông hộ tham gia.