Ngành Điện Chạy Đuối Theo Thanh Long Chong Đèn
Phòng Quản lý Điện và năng lượng - Sở Công thương cho hay: Vừa qua, Công ty Điện lực Bình Thuận đã đề nghị Sở xác nhận điều kiện quá tải tại các trạm biến áp (TBA) và các phát tuyến trên địa bàn.
Trong đó có TBA 110kV Phan Thiết, Hàm Kiệm, Lương Sơn, Phan Rí hiện đang vận hành đầy tải, còn các phát tuyến chưa quá tải thì việc phát triển phụ tải cũng rất hạn chế… Vì thế tính đến thời điểm này, ngành điện địa phương hầu như không thể đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải cho diện tích thanh long chong đèn ra hoa trái vụ.
Thế nên trong phương án cung cấp điện vào mùa chong đèn 2013 - 2014 sắp tới, ngành điện vẫn tiếp tục thực hiện tiết giảm 50% phụ tải thanh long. Điều này không hẳn thuộc lỗi của ngành điện do không đáp ứng kịp thời mong muốn của phần lớn hộ trồng thanh long - sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ở Bình Thuận. Bởi theo quy hoạch đến năm 2015, toàn tỉnh đạt tổng diện tích là 15.000 ha (trong đó có 13.000 ha chong đèn) nhưng tính đến nay đã vượt quá 19.000 ha.
Kéo theo đó nhu cầu điện dành chong đèn thanh long cũng liên tục tăng với tốc độ rất cao, tính riêng giai đoạn từ năm 2007 - 2012 tăng trung bình gần 50%/năm. Tuy vậy ngành điện cũng thừa nhận, mong muốn lập TBA chong đèn thanh long của người dân là nhu cầu chính đáng, cần xem xét giải quyết trong khả năng đáp ứng của ngành…
Để giải quyết tình trạng quá tải lưới điện 110kV, trong năm qua ngành đã đưa vào vận hành và nâng công suất đối với một số TBA trên các tuyến trọng điểm. Đồng thời thực hiện nâng công suất trạm 220/110kV Phan Thiết- Thuận Nam từ 250MVA lên 375MVA, đầu tư nâng tiết diện nhiều tuyến 22kV để khai thác đồng bộ với các dự án 110kV.
Dù vậy công suất tăng thêm của các dự án lưới điện 110kV và 22kV cũng chỉ đáp ứng phụ tải hiện hữu đang bị cắt tiết giảm, khả năng đáp ứng phát triển phụ tải mới là không đáng kể.
Tính toán của ngành chức năng cho thấy, nếu trung bình mỗi ha thanh long có 1 TBA 50KVA, nếu muốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu chong đèn (tạm tính cho 13.000 ha) thì đến năm 2015 công suất lắp đặt phải đạt khoảng 650MVA. Xuất phát từ tình hình thực tế, do vậy UBND tỉnh đã đề nghị ngành điện tiếp tục tích cực triển khai đầu tư các công trình điện giai đoạn 2013 - 2015.
Theo đó sẽ tập trung xây mới các TBA 110/22kV Ma Lâm 63MVA, Tân Thành 63MVA và các đường dây đấu nối, ngoài ra còn nâng công suất trạm Lương Sơn từ 25MVA lên 63MVA, trạm Hàm Kiệm từ 63MVA lên gấp đôi công suất…
Trước kiến nghị của địa phương, Tổng công ty Điện lực Miền Nam cũng cho biết sẽ cố gắng đầu tư đáp ứng nhu cầu điện dành cho chong đèn thanh long. Tuy nhiên việc đầu tư cùng lúc nhiều công trình điện với tổng kinh phí khá lớn là khó tránh khỏi khó khăn, nên có thể “chạy đuối” theo tốc độ phát triển diện tích vùng chuyên canh.
Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho người dân cũng như đảm bảo an toàn hệ thống điện thì phía khách hàng mua điện cần thể hiện sự hợp tác. Trong đó nhất thiết người trồng thanh long trên địa bàn tỉnh phải dần thay ít nhất 50% bóng đèn sợi đốt bằng loại đèn Compact 20W tiết kiệm điện.
Thêm nữa khi vào mùa chong đèn, các hộ buộc thực hiện nghiêm thời gian chong đèn theo đúng quy định, chỉ bắt đầu từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau. Được vậy cũng là góp phần giảm áp lực cho ngành điện, từng bước khắc phục tình trạng thiếu điện ở các vùng chuyên canh khi vào cao điểm chong đèn thanh long.
Có thể bạn quan tâm
Theo kế hoạch của Sở NN- PTNT Ninh Thuận vụ HT 2008, tòan tỉnh gieo trồng 20.207ha cây trồng các loại. Để vụ hè thu thắng lợi trong điều kiện nguồn nước eo hẹp là vấn đề cấp bách đặt ra đối với ngành chức năng. Ông Phạm Văn Hường, GĐ Cty KTCTTL Ninh Thuận cho biết
Bộ NN-PTNT và Bộ Y tế, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (ASAID), đã tổ chức Hội thảo quốc tế về kỹ thuật và chính sách phòng chống cúm gia cầm độc lực cao (H5N1 HPAI).
Bộ NN&PTNT đang kiến nghị đưa thêm bệnh đạo ôn ở cây lúa vào trong danh mục các bệnh được bảo hiểm và làm rõ hơn một số chính sách về bảo hiểm nông nghiệp (BHNN).
Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex) đã được chấp thuận đầu tư dự án nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao tại Cần Giờ (TP.HCM).
Hiện nay, một số hộ nông dân cũng như doanh nghiệp tham gia GAP đang muốn trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống, bởi một lý do khá đơn giản: Sản phẩm GAP chưa được thị trường thừa nhận.