Ngành chăn nuôi phải xóa bàn làm lại
Ngành chăn nuôi bò VN sẽ gặp khó khăn do phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước thành viên có tên tuổi trong ngành chăn nuôi thế giới. Trong ảnh: thịt bò ngoại được bày bán tại một siêu thị ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM
Ông Cao Đức Phát, bộ trưởng Bộ NN&PTNT, thừa nhận khi tham gia TPP, ngành nông nghiệp VN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là ngành chăn nuôi VN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất do quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, chưa đạt yêu cầu an toàn thực phẩm...
Thủy sản hưởng lợi, chăn nuôi gặp khó
Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT), đơn vị được giao đàm phán lĩnh vực nông nghiệp - cho biết theo cam kết, ngay sau khi TPP có hiệu lực, với mặt hàng thịt heo, hiện đang có mức thuế 10 - 15%, sẽ được VN đưa về mức 0% theo lộ trình 10 - 13 năm với các loại thịt mảnh tươi, ướp lạnh. Sản phẩm thịt heo chế biến cũng sẽ phải đưa thuế về 0% sau 8 - 11 năm, tùy mặt hàng.
Với mặt hàng thịt gà nguyên con, tươi, ướp lạnh và phụ phẩm, hiện đang được VN áp thuế 10 - 25%, sẽ phải xóa bỏ thuế theo lộ trình 12 năm tới. Thịt gà chế biến xóa bỏ thuế sau 8 - 11 năm.
Theo bà Hạnh, ngành nông nghiệp VN cũng hưởng lợi nếu đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng bởi các nước thành viên TPP cũng sẽ mở cửa cho sản phẩm nông nghiệp VN. Chẳng hạn, Mỹ cam kết sẽ xóa bỏ thuế với 97,7% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.
Riêng mặt hàng đường, VN sẽ được dành hạn ngạch 1.500 tấn/năm. Nhật Bản cũng cam kết xóa bỏ thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực cho 78% kim ngạch xuất khẩu nông sản của VN.
Với các mặt hàng thủy sản, Mỹ cam kết xóa bỏ thuế ngay cho 92,6% kim ngạch xuất khẩu của VN. Nhật cam kết mức xóa bỏ ngay là 91%.
Canada gần như xóa bỏ 100% thuế cho tất cả mặt hàng nông, thủy sản, đồ gỗ từ VN. Tuy nhiên, mức cam kết đạt được với Mexico không nhiều, trong đó nông sản thuế chỉ đưa về 0% cho khoảng 37% kim ngạch xuất khẩu...
Đặc biệt, tám nước thành viên sẽ xóa bỏ ngay thuế cho gạo VN, Mexico và Chile sẽ xóa thuế cho gạo VN sau 8 - 10 năm. Riêng Nhật Bản không cam kết xóa thuế cho mặt hàng này của VN. Mặt hàng cà phê nguyên liệu cũng được 10 thành viên bỏ ngay thuế khi hiệp định có hiệu lực, trừ Mexico giữ lộ trình.
Tất cả thành viên đều xóa ngay thuế đối với hạt điều và rau quả nhiệt đới tươi nhập từ VN, các thành viên - trừ Nhật Bản - cũng xóa ngay thuế cho mặt hàng chè VN... Với mặt hàng thủy sản, theo bà Hạnh, các nước sẽ xóa thuế ngay cho VN, trừ một số mặt hàng sơ chế (cá tra, cá ngừ, tôm, thịt cua...) sẽ xóa thuế sau 2 - 3 năm.
Phải điều chỉnh chiến lược
Theo ông Cao Đức Phát, trong sáu nhóm ngành hàng nông nghiệp, chăn nuôi là ngành gặp khó khăn nhất sau khi VN tham gia TPP.
Với đặc trưng chăn nuôi nhỏ lẻ, việc cạnh tranh với thịt bò Úc và New Zealand - các quốc gia có rất nhiều thế mạnh về thịt bò và sản phẩm liên quan đến chăn nuôi bò, cũng như thịt heo và thịt gà của Mỹ và Canada - những cường quốc trong các lĩnh vực này - thật sự là thách thức rất lớn của ngành chăn nuôi VN.
“Chắc chắn chúng ta phải nghiên cứu, điều chỉnh chiến lược ngành chăn nuôi và một số lĩnh vực khác, trong đó cần có cơ chế, chính sách đặc biệt cho nông hộ nhỏ” - ông Phát nói, đồng thời cho biết ngành nông nghiệp sẽ sớm nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Tuy nhiên, ông Phát cảnh bảo rằng chỉ hai tháng nữa VN sẽ bắt đầu tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN. Và theo cam kết, đến năm 2018 sẽ chỉ còn vài chục sản phẩm từ khu vực này vào VN chịu thuế 5%, còn lại 0% nên bản thân các doanh nghiệp cũng phải tính toán các bài toán đầu tư, cạnh tranh.
Trong khi đó, chuyên gia chăn nuôi Lê Bá Lịch cho rằng bên cạnh những khó khăn, việc tham gia TPP cũng là cơ hội để ngành chăn nuôi VN điều chỉnh lại chiến lược phát triển phù hợp.
Theo ông Lịch, phần lớn người tiêu dùng VN - trừ một số đô thị và các khu công nghiệp - đều có thói quen sử dụng thịt nóng thay vì thịt đông lạnh. Hơn nữa, lộ trình giảm và xóa thuế là 10 - 13 năm tới, còn nhiều thời gian ngành chăn nuôi VN thay đổi để thích nghi và cạnh tranh.
“Đã đến lúc ngành chăn nuôi VN phải đổi mới chất lượng và hạ giá sản phẩm. Nếu hạ giá được 30% và nâng chất lượng, chăn nuôi VN sẽ cạnh tranh được” - ông Lịch nói.
Tuy nhiên, VN hiện có tới 11 triệu nông hộ cùng tham gia chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, do đó cần có chiến lược để tập hợp, tổ chức lại sản xuất để có thể tồn tại.
“Phải có cơ chế để hỗ trợ những doanh nghiệp lớn tham gia tổ chức lại sản xuất trong ngành chăn nuôi, thay vì để ngành chăn nuôi manh mún như thời gian qua” - ông Lịch đề nghị.
Có thể bạn quan tâm
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang phổ biến rộng rãi hai biện pháp kỹ thuật trong sản xuất lúa đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ khoa học kỹ thuật - “gieo sạ đồng loạt, né rầy” và “gieo mạ mùng”.
Những năm gần đây, trong khi nhãn da bò bị bệnh chổi rồng tấn công gây hại, khiến hầu hết các chủ vườn trồng nhãn da bò lao đao thì tại xã An Hiệp, Châu Thành (Đồng Tháp) một số nhà vườn đã làm giàu nhờ trồng giống nhãn Idor.
Thực hiện chương trình xúc tiến thương mại của ngành nông nghiệp trong năm 2013, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đang thực hiện dự án “Ứng dụng hệ thống chất lượng xây dựng vùng sản xuất nhãn xuồng cơm vàng” tại xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu) với tổng kinh phí gần 900 triệu đồng.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, người nuôi cá và các ngành chức năng đang bối rối khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố phán quyết cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ 1-8-2010 đến 31-7-2011. Theo đó, mức thuế tăng rất cao khiến cá tra Việt Nam khó có thể xuất khẩu được vào thị trường Mỹ.
Trong các biện pháp kỹ thuật thâm canh cây sắn (khoai mì), ngoài biện pháp giống thì phân bón - đặc biệt là các yếu tố dinh dưỡng trong phân bón có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo năng suất cao, cải thiện nâng cao độ phì nhiêu bền vững cho đất.