Ngành Chăn Nuôi Lại Lao Đao
Trên thị trường giá thực phẩm tiếp tục giảm, trong khi giá "đầu vào" vẫn tăng, khiến cho các hộ chăn nuôi lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn hơn bao giờ hết.
Hiện giá lợn hơi đang giảm mạnh; ở phía Nam có giá 35.000 - 36.000 đồng/kg, miền Bắc là 43.000 - 44.000 đồng/kg, giảm khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng 2. Giá lợn hơi giảm, khiến giá thịt thương phẩm cũng giảm 5.000 - 10.000 đồng/kg; thịt ba chỉ có giá 80.000 - 85.000 đồng/kg, thịt thăn giá 90.000 - 93.000 đồng/kg… Anh Nguyễn Văn Lâm, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Cấn Hữu (Quốc Oai) cho biết, mọi năm, vào thời điểm này lượng tiêu thụ vẫn rất mạnh, nhưng năm nay giá thịt gia súc, gia cầm giảm, khiến nhiều hộ chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải giảm số lượng nuôi.
Trong thời gian tới, thời tiết nắng ấm, giá sẽ tiếp tục giảm, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ hợp lý cho người chăn nuôi, thì năm 2013 chắc chắn còn khó khăn hơn năm trước. Giá bán tại các hộ nuôi trong dân còn giảm thê thảm hơn. Anh Phạm Văn Sang, ở huyện Thanh Oai cho hay, gia đình anh nuôi 6 con lợn, cách đây một tuần chỉ bán được có 32.000 - 33.000 đồng/kg. Với mức giá như thế này, người chăn nuôi đang bị lỗ nặng, vì giá đầu vào như thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm khoảng 20.000 - 25.000 đồng/bao.
Không chỉ có các hộ chăn nuôi méo mặt mà các thương lái cũng trong hoàn cảnh tương tự. Anh Lê Thanh Chiến, chủ hộ buôn bán gia cầm ở chợ Hà Vỹ (Thường Tín) bộc bạch: "Giá gia cầm giảm rất mạnh; gà công nghiệp chỉ bán được 32.000 - 35.000 đồng/kg, vịt 55.000 đồng/kg; gà ta 100.000 - 110.000 đồng/kg, giảm khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg so với tháng trước. Do giá quá thấp không chỉ có người chăn nuôi thất bát mà các thương lái cũng không lãi nhiều. Không những thế, thời gian gần đây sức tiêu thụ chậm; trước đây mỗi ngày cửa hàng bán được 500 kg gà, giờ mỗi ngày chỉ bán được khoảng 200 kg".
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, thời điểm này, nhiều trang trại nuôi lợn trên địa bàn cả nước, nhất là các tỉnh phía Nam đang bị lỗ nặng, vì giá liên tục sụt giảm, khiến người chăn nuôi lao đao. Theo dự báo, giá thịt lợn khó tăng lên trong thời gian tới, vì nhu cầu tiêu thụ trong nước đang giảm và ảnh hưởng từ thông tin dịch tai xanh, long móng lở mồm. Ngoài ra, giá trứng gia cầm sau một thời gian sốt cao nay đã giảm trở lại, trong khi mọi chi phí đầu vào vẫn tiếp tục tăng.
Để cứu ngành chăn nuôi thoát khỏi cơn bĩ cực và phát triển ổn định, Nhà nước cần phải quản lý tốt thị trường, tránh tình trạng "đục nước béo cò" của một số doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài; khi giá xuống thấp họ tiếp tục giảm giá bán tại trại và khi nông dân không có vốn đầu tư, họ quay lại bán thịt gia súc, gia cầm, trứng với giá cao nhằm trục lợi. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ khi có dịch bệnh xảy ra hoặc thị trường biến động theo chiều hướng bất lợi. Hiện Chính phủ đã ban hành chính sách cho các hộ chăn nuôi vay vốn ưu đãi với lãi suất 11%/năm, nhưng thực tế họ chưa được tiếp cận nhiều, các ngành chức năng cần chỉ đạo hệ thống ngân hàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người chăn nuôi vay để duy trì sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Đăng Vang cũng đề nghị Nhà nước cần kiểm soát chặt giá thức ăn chăn nuôi, xử lý những trường hợp tăng giá đầu vào bất hợp lý. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải biết cách tự cứu mình, tìm hướng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến thực phẩm để tránh những rủi ro khi giá giảm. Nhà nước cần có chính sách bình ổn giá "đầu ra", có giá sàn cho các loại thịt gia súc, gia cầm, trứng giống như giá sàn mua gạo hiện nay. Khi giá thực phẩm xuống thấp dưới giá thành sản xuất, Nhà nước có thể yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh chế biến thực phẩm thu mua số lượng lớn với giá ổn định, giúp người nông dân không bị lỗ triền miên, hạn chế hiện tượng "treo chuồng" như thời gian qua...
Có thể bạn quan tâm
Cá rô loại 1 trước đây 80.000 đồng/kg thì nay giá 100.000 đồng/kg. Cá lóc loại 1 giá cũ là 80.000 đồng thì nay lên 110.000 đồng/kg.
Lẽ ra, khi được nâng cấp, sửa chữa, nạo vét, hồ chứa nước An Vang sẽ mở rộng diện tích tưới, thế nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chuyện tréo ngoe này đã diễn ra tại tổ 3 (thôn An Lâm, xã Thăng Phước, huyện Hiệp Đức) từ tháng 7.2012 đến nay.
Trước thực trạng tôm thẻ chân trắng (TTCT) đang thắng thế tôm sú vì được mùa, được giá thì việc vụ nuôi tới người dân chuyển sang nuôi TTCT là xu thế tất yếu. Để hiểu hơn về vấn đề này, TSVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Tùng (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản.
Nắng nóng kéo dài trên diện rộng khiến nhiều cánh đồng lúa non bị khô hạn nghiêm trọng, không ít diện tích lúa bị cháy rụi…
Tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đang diễn ra tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm rầm rộ. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, thị trấn Long Phú là một trong 3 địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú với diện tích trên 200ha…