Ngan Chết Hàng Loạt Sau Khi Ăn
Cho ngan ăn sau một ngày bỗng thấy hàng trăm con ngan trong trại lăn đùng ra chết. Xung quanh vấn đề này ông Lỗ Cao Chí, chủ trang trại ngan nghi vấn có thể do loại thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín.
Theo phản ánh của ông Lỗ Cao Chí (khu 11, thôn Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thì ngày 5/11 gia đình ông có nhập 40 bao thức ăn hỗn hợp dành cho vịt, ngan hiệu Herofeed 3002 của Cty CP Dinh dưỡng Việt Tín (trụ sở tại xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội). Trưa hôm đó, ông cho vịt ăn như mọi ngày, thì đến ngày mùng 6 phát hiện đàn ngan có hiện tượng giảm ăn, đi ỉa ra phân trắng, hai ngày thì ngan chết hàng loạt.
Chỉ tính riêng hai ngày mùng 7-8/11, tổng đàn ngan của gia đình anh đã chết lên đến gần 500 con. Theo ông Chí, trang trại của gia đình ông rộng trên 5.000m2, nuôi khoảng 2.700 con ngan trong bốn khu chuồng. Ba khu chuồng trại của gia đình ông được thiết kế dạng lồng sắt nằm sát trên mặt ao, chuồng trại thoáng mát hợp vệ sinh. Nước để cho vịt uống được ông dùng bằng hệ thống nước sạch bơm trực tiếp vào máng. Phân được thải trực tiếp xuống ao cho cá ăn nên chuồng trại luôn sạch sẽ, thoáng mát.
“Trước khi cho ăn đàn ngan của tôi vẫn bình thường khỏe mạnh. Tuy nhiên, sau khi cho đàn ngan ăn cám vào buổi trưa thì buổi tối đàn ngan có hiện tượng đi ỉa phân trắng, ăn kém. Sau đó bị chết hàng loạt. 4 đàn tôi cho ăn loại cám này đều chung biểu hiện như nhau”, ông Chí kể lại.
Đứng trước tình cảnh ngan chết hàng loạt, ông như ngồi trên đống lửa. Không biết vì nguyên do gì, ông đã mời ba bác sĩ thú y đến xem và mổ kiểm tra. Tuy nhiên, các bác sĩ thú y cũng không phát hiện ra được bệnh, mà chỉ nói đại khái như bị nấm mề, viêm phổi. Và nguyên nhân dẫn đến bị nấm mề và viêm phổi là do nguồn thức ăn và thức uống.
Dù là người có kinh nghiệm chăn nuôi thủy cầm, tuy nhiên “sự cố” đàn ngan của anh đột nhiên bị chết với số lượng lớn, trong khi bác sỹ thú y cũng không xác định rõ được bệnh đã khiến anh Chí rất hoang mang.. Được biết khu vực xã Liên Châu không có biểu hiện bùng phát dịch bệnh, vì vậy việc đàn ngan của anh bị chết được nghi ngờ là do nguồn thức ăn anh mới mua về của Cty cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín.
Anh Chi cho biết: Trước đây anh cũng đã dùng cám của Cty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín, sau khoảng một năm anh không dùng nữa. Ba tháng gần đây, anh dùng trở lại cũng không vấn đề gì, nhưng đến lô cám này, anh nghi nó là nguyên nhân dẫn đến ngan chết.
Điều mà anh Chí thấy khác thường là khi mang cám về, anh thấy bao cám có vẻ cũ và mực in trên bao bì bị phai màu rất nhiều thấm cả vào áo và tay mỗi lần vận chuyển. “Tôi đã gọi điện hỏi người đại diện của nhà phân phối thì họ nói bao bì không quan trọng, quan trọng là chất lượng cám bên trong vẫn đảm bảo”- anh Chí nói.
Trao đổi với PV, một cán bộ của Cty CP dinh dưỡng Việt Tín cho biết: Nói đàn ngan nhà anh Chí chết hàng loạt do thức ăn của công ty chúng tôi là không phải. Theo chúng tôi đó là do dịch bệnh gây nên. Sau khi nghe gia đình anh Chí thông báo sự việc, chúng tôi đã mang lô cám xuất cùng với đợt nhà anh Chí lấy đi kiểm nghiệm nhưng chất lượng vẫn hoàn toàn đảm bảo.
Người chăn nuôi thì cho rằng, nhiều khả năng ngan của họ chết là do thức ăn, trong khi nhà sản xuất thì bảo chất lượng đảm bảo, vậy thực hư thế nào? Được biết, sau khi sự việc xảy ra, gia đình anh Chí cũng đã báo cáo lên Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và Sở này đã cử người xuống hiện trường lấy mẫu cám để kiểm tra, phân tích. Hiện gia đình anh Chí đang còn giữ 14 bao rưỡi thức ăn gia súc dành cho ngan nhãn hiệu 3002 ghi trên bao bì, hỗn hợp dành cho vịt, ngan thịt từ 22 ngày tuổi đến khi xuất chuồng sản xuất ngày 5/11/2011. Được biết, việc đàn gia cầm của gia đình anh Chí chết hàng loạt đang khiến người dân chăn nuôi ở đây hoang mang, lo lắng. Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc và sớm có kết luận.
Có thể bạn quan tâm
Khi vụ lúa hè thu chính vụ ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thu hoạch rộ cũng bắt đầu "mùa" của nghề nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen "chìm nổi" với nghề.
Ngày 4-10, các chuyên gia của Đại học Nông nghiệp I và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã đến xã Quyết Thắng (Thanh Hà) lấy mẫu xét nghiệm giống lúa nếp lai bị một loại bệnh lạ gây thối thân lúa.
Nhắc đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “cù lao hành”. Nhưng đến Thạnh Hội vào thời điểm này cây hành dường như đã trở thành “thứ yếu” vì cây bạc hà mới là cây trồng chủ lực.
Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.
Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.