Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rừng Gỗ Quý Tiền Tỷ Của Lâm Tặc Hoàn Lương

Rừng Gỗ Quý Tiền Tỷ Của Lâm Tặc Hoàn Lương
Ngày đăng: 23/07/2014

Từ một “lâm tặc”, anh Hồ Ngọc Quang (52 tuổi) ở thôn Tân An, xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) đã trở thành vua rừng khi sở hữu hơn 20ha keo và hàng ngàn cây gỗ quý như sao đen, xà cừ, dầu, lác hoa…

Nuôi chí làm giàu

Chúng tôi tìm đến thôn Tân An, nơi anh Hồ Ngọc Quang đặt “đại bản doanh” trồng rừng của mình. Từ nơi rừng sâu nước thẳm, anh Quang đã cải tạo thành những khu rừng gỗ quý xanh tốt có giá trị hàng tỷ đồng.

Là người đầu tiên đưa các loại cây gỗ quý về với vùng núi Tịnh Đông gần hai chục năm trước, trong ký ức anh Quang là cả những ngày gian khó và hạnh phúc khi rừng cây gỗ quý phát triển rất tốt.

Dưới mái hiên trong cơn mưa chiều nặng hạt, ngụm miếng nước trà, anh Quang kể những thăng trầm về cuộc đời và sự nghiệp của mình.

Là con trai đầu trong gia đình có 6 anh em, tuy kinh tế gia đình không khá giả là mấy, nhưng anh Quang vẫn được cha mẹ cho theo học lớp Trung cấp Kinh tế Quảng Ngãi với mong muốn thoát khỏi cuộc sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" ở cái nơi mà nhiều người bảo là “khỉ ho cò gáy” này.

Sau khi tốt nghiệp, anh Quang làm kế toán cho UBND xã Tịnh Đông được 2 năm. Thời đó, đồng lương quá thấp, chỉ vài chục nghìn đồng, lúc nhận lương chưa làm việc gì đã hết. Thế là anh bỏ việc và quyết định vào rừng làm “lâm tặc” như bao người dân khác ở đây.

Tân An nằm giáp ranh với xã Trà Tân (Trà Bồng) thời ấy rừng núi hoang vu, nên hầu hết công việc chính của người dân lúc bấy giờ là vào rừng chặt cây. Hàng ngày, họ rủ nhau “cơm đùm, cơm túm” vào rừng đốn gỗ vác về bán cho dân buôn gỗ. Một khúc gỗ đường kính 15-20cm, dài 2,5m cho thu nhập bằng hai phân vàng nên ai cũng ham. Để có số tiền này, dân làng phải lặn lội đường rừng hơn 10km.

Quanh năm suốt tháng đi tìm gỗ ở những cánh rừng xa xôi, đã hơn 30 tuổi mà anh vẫn chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Sau những gian nan vất vả, hiểm nguy, anh nhận ra rằng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nếu cứ đốn hạ thế này chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn cây để mà đốn. Năm 1995, anh quyết định bỏ nghề và mang theo những giống cây gỗ quý về trồng trong vườn nhà.

Của hồi môn cho con, cho cháu

Anh tự tay ươm giống từ hạt khô rơi rụng rồi trồng khắp nơi. Nhờ vậy mà hiện nay anh Quang sở hữu hàng ngàn cây sao đen, dầu, lác hoa, xà cừ với hơn 2/3 có tuổi đời từ 7 đến 20 năm tuổi.

Vườn cây gỗ quý

Anh được mệnh danh là vua rừng gỗ quý. Đó là chưa kể 20ha rừng keo trung bình mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Khi Nhà nước khuyến khích trồng rừng sản xuất, nhà nào cũng đua nhau trồng keo còn anh lại thích rừng gỗ quý hơn.

Anh Quang cười khà khà: “Họ bảo mình điên. Trồng keo nhanh khai thác chứ cái thứ này biết bao giờ mới có ăn mà mơ với mộng. Mình lại suy nghĩ khác, đến một lúc nào đó có của ăn của để, mới thấy giá trị của nó. Lúc đó ắt mọi người sẽ đổ xô đi trồng”.

Những lúc người trong làng bảo anh có “vấn đề”, càng thôi thúc anh nuôi ý chí làm giàu từ rừng gỗ quý. Hàng ngày, anh vẫn đều đặn vác cuốc leo đồi cần mẫn đào từng hố đất, ươm từng mầm xanh trên vùng đất khó. Anh Quang tận dụng tất cả những nơi nào có thể để trồng rừng. Một cây cũng trồng, hai cây cũng trồng.

Mỗi loại cây trồng, anh đều quy hoạch từng vùng riêng để thuận lợi cho việc chăm sóc và bảo vệ. Ở những nơi đất triền, dễ khai thác anh trồng keo, bạch đàn, nơi nào cao trồng rừng gỗ quý để đa dang sinh học, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Rừng gỗ quý của anh đã không phụ công người, không chỉ có một cây, hai cây mà có đến hàng nghìn cây trồng ở Hố Quế và Nông trường 25/3 đã cắm rễ vào lòng đất, vươn lên xanh tốt.

Giờ đây, nhìn vườn cây bạc tỷ của anh, ai cũng thừa nhận anh đã đi trước thời đại. Nói về giá trị số cây gỗ quý đang sở hữu, anh Quang lắc đầu: “Biết bao nhiêu mà đoán. Phải đến 50 năm mới khai thác được. Mình trồng chúng là xác định để cho con cho cháu”.

Nhìn vào những khu rừng ngút ngàn màu xanh, người đàn ông giàu tâm huyết với núi rừng bộc bạch: “Cái gì thực tế mới chứng minh được. Cần phải nghĩ đến cái lợi lâu dài. Phải yêu rừng thì mới gắn bó được lâu dài với rừng”.


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Chăm Sóc Rừng Trồng Tập Trung Chăm Sóc Rừng Trồng

25/8 là thời điểm toàn tỉnh kết thúc vụ trồng rừng 2013, diện tích trồng đến nay đạt 95% kế hoạch (11.800ha). Mặc dù không đạt 100% kế hoạch nhưng đây cũng là diện tích rừng trồng khá lớn góp phần quan trọng vào việc phát triển 300.000ha rừng phục vụ công nghiệp chế biến gỗ vào năm 2015.

29/08/2013
Nông Nghiệp Tả Tơi Vì Hạn, Bão Lũ Nông Nghiệp Tả Tơi Vì Hạn, Bão Lũ

Trong tương lai gần nhiệt độ sẽ tăng lên từ 0,3-0,7 độ, và sẽ tăng 4 độ C trong cuối thế kỷ 21. Lượng mưa sẽ có thay đổi theo xu thế nóng lên toàn cầu...

29/08/2013
Bàn Giải Pháp Phòng Ngừa Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính Trên Tôm Nuôi Bàn Giải Pháp Phòng Ngừa Bệnh Hoại Tử Gan Tụy Cấp Tính Trên Tôm Nuôi

Bến Tre hiện có tổng diện tích 43.556ha nuôi trồng thủy sản, bao gồm tôm biển 32.106ha. Trong đó, tôm thâm canh, bán thâm canh 5.500ha (tôm sú 1.250ha, tôm thẻ chân trắng 4.250ha); tôm nuôi thả giống vụ 2 có diện tích khoảng 1.911ha. Tuy nhiên, dịch bệnh xảy ra liên tục với tổng diện tích thiệt hại 1.322ha, chiếm 18% diện tích thả nuôi. Tôm chết có nhiều nguyên nhân nhưng hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính được xác định là nguyên nhân khá phổ biến cần đặc biệt quan tâm.

31/08/2013
Nuôi Cá Vẩu, “Một Lãi Một” Nuôi Cá Vẩu, “Một Lãi Một”

Gần đây, tôm sú và ốc hương trên địa bàn xã Vinh Hiền và Lộc Bình (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) thường xuyên xảy ra dịch bệnh, khiến bà con lâm vào cảnh nợ nần. Trước khó khăn đó, người dân đã "rẽ bước sang ngang" đầu tư nuôi cá lồng, trong đó cá vẩu là đối tượng nuôi được chú trọng.

31/08/2013
Hỗ Trợ Giống Ớt Ngọt Cho Nông Dân Hỗ Trợ Giống Ớt Ngọt Cho Nông Dân

Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp 64 ngàn cây giống ớt ngọt Hà Lan cho 20 hộ nông dân thuộc các xã Xuân Trường, Xuân Thọ, Trạm Hành và Tà Nung.

31/08/2013