Hưng Thạnh 200 Năm & Ước Vọng Hưng Thịnh
Quá trình hàng trăm năm khai hoang, định cư và phát triển vùng đất Hưng Thạnh, cha ông ta, những người Việt di dân đã dũng cảm đấu tranh chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt với khát vọng gầy dựng vùng này trở nên trù phú, xanh tươi và hưng thịnh.
Đây là điểm nhấn của bản hùng ca dành cho những người tiên phong trên vùng đất mới. Bởi, ngoài tinh thần lao động cần cù, họ còn có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm; truyền thống đó càng kết tinh, hun đúc và quật khởi hơn từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
MỘT THỜI BOM ĐẠN
Cùng với các căn cứ khác của Tỉnh ủy thời kháng chiến, căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho ở phía Bắc tỉnh, mà trung tâm là xã Hưng Thạnh, giữ một vai trò quan trọng trong những năm đầu đấu tranh chống Mỹ - ngụy ở tỉnh Mỹ Tho. Nó là một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, một nhân tố không thể thiếu, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở tỉnh Mỹ Tho.
Với một địa hình rậm rạp, hiểm trở kết nối với Đồng Tháp Mười (ĐTM), xã Hưng Thạnh có một vị trí chiến lược khá quan trọng. Đây là địa bàn có vị trí quan trọng về mặt quân sự và chính trị; vừa là nơi án ngữ, ngăn chặn các đợt tấn công của địch vào ĐTM, đồng thời cũng là nơi tập kết lực lượng để ta tiến đánh các vùng địch tạm chiếm trong hệ Cổ Chi và lộ 4 (nay là Quốc lộ 1).
Vì thế, để kịp thời lãnh, chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng trong giai đoạn mới, đầu năm 1960, Tỉnh ủy Mỹ Tho quyết định chuyển một phần cơ quan từ căn cứ Long Hưng (Châu Thành) phía Nam lộ 4 đến căn cứ Hưng Thạnh (nay thuộc huyện Tân Phước) ở phía Bắc lộ 4.
Nằm ở phía Bắc lộ 4 là cửa ngõ đi vào căn cứ cách mạng ĐTM, nơi tiếp giáp các khu căn cứ và các vùng cơ sở cách mạng từ các hướng trong tỉnh. Mặt khác, nơi đây nằm trong lòng cách mạng của nhân dân vùng ven ĐTM, được sự hậu thuẫn to lớn của nhân dân các xã xung quanh như: Tân Hòa Tây, Phú Mỹ, Tân Hòa Thành và Mỹ Phước nên việc hoạt động rất thuận lợi.
Theo TS. Lê Văn Tý, trong thời gian hoạt động tại căn cứ Hưng Thạnh, một mặt Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho đã chỉ đạo tổ chức thành công nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban An ninh tỉnh; đồng thời chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nghị quyết, chỉ thị của tỉnh ban hành.
Mặt khác, trong công tác chỉ đạo chiến đấu, cơ quan Tỉnh ủy đã từng bước chuyển hướng phong trào đấu tranh trong tỉnh phát triển đi lên từ giải phóng từng vùng, chiến thắng từng cụm cứ điểm của địch, tiến lên giải phóng toàn vùng, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - ngụy ở tỉnh Mỹ Tho.
Tại căn cứ Hưng Thạnh, ta đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, nhất là ở hệ Cổ Chi, góp phần làm chuyển biến cục diện chiến trường trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho. Tại khu căn cứ này, Đảng bộ tỉnh huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, vận động được quần chúng thực hiện tốt các nội dung cốt lõi của Đảng “lấy dân làm gốc”.
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân trong vùng căn cứ ĐTM đã tham gia tích cực trong mọi hoạt động phòng, chống quân thù. Đặc biệt, nhân dân xã Hưng Thạnh có nhiều đóng góp to lớn cả về nhân lực cũng như vật lực để phục vụ cho cách mạng, phục vụ kháng chiến.
VÙNG CĂN CỨ CHUYỂN MÌNH
Chúng tôi về Hưng Thạnh trong những ngày người dân của vùng đất mới Tân Phước hân hoan chờ đón sự kiện kỷ niệm 20 năm ngày thành lập huyện. Tỉnh lộ 865, con đường huyết mạch cặp kinh Nguyễn Văn Tiếp nối Hưng Thạnh về trung tâm huyện và đến Phú Mỹ nay đã láng nhựa. Những cây cầu già nua hơn 30 năm qua, nay đã được đầu tư mới với tải trọng cao. Nhà cửa dân cư 2 bên đường đều khang trang, thể hiện sự chuyển mình đi lên của vùng căn cứ cũ.
Bí thư Đảng ủy xã Võ Văn Tiến nhớ lại, sau ngày thống nhất, như bao vùng quê khác, xóm làng Hưng Thạnh xơ xác vì bom cày đạn xới, hố pháo, hố bom ở khắp nơi, khó khăn trăm bề. Khi đó Hưng Thạnh được mệnh danh là xã nghèo, nhà cửa của người dân rất thô sơ, tạm bợ; đất hoang thì nhiều nhưng trồng lúa không được do nhiễm phèn nặng.
Nhiều hộ gia đình thiếu ăn trong thời gian dài vì sản xuất bấp bênh. Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, diện mạo xã vùng căn cứ cũ đã đổi thay, khởi sắc từng ngày; trường học các cấp, trạm y tế đều khang trang; những cánh đồng hoang, rừng tràm, bàng xưa kia đã được thay bằng màu xanh bạt ngàn của khóm xen lẫn với những ngôi nhà ngói đỏ.
Toàn xã hiện có 86 xà lan trọng tải từ 250 tấn trở lên, 60 ghe tàu có trọng tải từ 5 tấn trở lên, tạo thu nhập cao cho người dân; thu ngân sách xã từ 100 triệu đồng năm 1994 đã tăng lên 3,5 tỷ đồng năm 2013. Hưng Thạnh đang phấn đấu để trở nên “hưng thịnh”.
Hưng Thạnh là xã vùng ven ĐTM được hình thành hơn 200 năm. Đi tiên phong trong việc khẩn hoang, lập ấp là những người nông dân áo vải, chân đất, đầu trần với những họ tộc lâu đời như: Nguyễn, Trương, Hồ, Võ, Lê, Trần… gốc xứ Quảng vào đây từ thời chúa Nguyễn.
Theo sách “Địa lý lịch sử vùng ĐTM” của nhà nghiên cứu Ngô Đình Đầu, vào năm 1808, thời Gia Long - Nguyễn Ánh, làng Hưng Thạnh được chính thức ghi vào sổ bộ của triều Nguyễn với đơn vị hành chính cấp cơ sở, gọi là Tân Hưng thôn thuộc tổng Kiến Thuận, huyện Kiến Hưng, Phủ Kiến An, Trấn Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Nam kỳ, làng Hưng Thạnh thuộc Tổng Hưng Nhơn, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường.
Đến ngày 24-10-1925 thực dân Pháp sáp nhập 2 làng Hưng Thạnh và Mỹ Phước thành làng Hưng Thạnh Mỹ thuộc tổng Hưng Nhơn, quận Bến Tranh. Cho đến năm 1946, do địa bàn quá rộng, để dễ kiểm soát, thực dân Pháp chia lại thành 2 xã Hưng Thạnh và Mỹ Phước.
Ngày 12-9-1962, chính quyền Sài Gòn lại sáp nhập 2 xã này thành xã Hưng Thạnh Mỹ thuộc Quận Long Định, sau đổi thành quận Sầm Giang thuộc tỉnh Định Tường. Về phía ta, từ năm 1930 đến 1968, xã Hưng Thạnh thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho; từ năm 1968 đến 1975 thuộc huyện Châu Thành Bắc; từ năm 1975 đến 1994 thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang và từ năm 1994 đến nay thuộc huyện Tân Phước.
Ngoài việc tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, Đảng bộ và chính quyền xã đã xây dựng chợ tạm và đang kêu gọi đầu tư xây dựng khu chợ trung tâm làm nơi giao lưu, cung ứng hàng hóa cho người dân, là điểm thu gom hàng nông sản cho nông dân.
Với cách làm đó, Hưng Thạnh đã tìm được hướng thoát nghèo và từng bước xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Hiện tại, xã có hơn 30% hộ dân kinh tế khá, nhiều hộ sắm được ô tô vận tải để làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa; nhiều người có vốn đứng ra làm đại lý thu mua hàng nông sản, cung cấp cho thị trường khắp nơi.
Sau 20 năm kiên trì khai hoang, cải tạo đất, Hưng Thạnh nay đã thành vùng chuyên canh khóm tập trung với 2.563 ha, 70 ha lúa với 3 vụ /năm, 160 ha khoai, rau màu các loại và 50 ha tràm.
Nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả được hình thành như trồng thanh long, chanh không hạt. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo kéo giảm từ 40% năm 1994 xuống còn 12,3% theo chuẩn mới. Hiện tại, xã có 20 ô đê bao khép kín bảo vệ an toàn cho 100% diện tích khóm trong mùa mưa lũ.
Đi trên con đường liên xã, liên ấp bon bon, chạy qua những cánh đồng khóm bạt ngàn xanh tốt, chúng tôi liên tưởng đến vùng ĐTM hoang vu khắc nghiệt ngày nào, nhớ đến một vùng quê bị tàn phá bởi bom cày, đạn xới qua 2 cuộc chiến tranh và thấy tự hào với những gì tiền nhân đã làm cho mảnh đất này.
Trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, người dân Hưng Thạnh đã đóng góp xương máu của mình, ghi những mốc son sáng chói; thì trong công cuộc xây dựng lại đất nước hôm nay, Hưng Thạnh cũng đang góp một phần xứng đáng của mình làm thay đổi cho cả vùng đất khó, xứng đáng là cái nôi cách mạng trong những năm đấu tranh giải phóng dân tộc.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 7-11, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty Syngenta Việt Nam hợp tác để đưa ra phương pháp xử lý tuyến trùng cho cây cà phê tái canh.
Trung tâm Giống Nông nghiệp đang triển khai thực hiện Đề tài nuôi vỗ đàn cá tra được cải tạo di truyền thành cá tra bố mẹ, nhằm giúp các hộ sản xuất giống cá tra trong tỉnh Bến Tre có đàn cá bố mẹ được chọn lọc di truyền, cho ra những thế hệ con giống có tỷ lệ thịt phi lê cao và tăng trưởng nhanh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.