Nắng Hạn Gay Gắt Nông Dân Điêu Đứng
Miền Trung, Tây Nguyên đang bước vào đợt nắng gay gắt và khô hạn kéo dài. Thiếu nước, chân ruộng khô nứt nẻ. Lúa gieo sạ đến kỳ làm đòng, trổ bông nhưng vẫn cứ trơ trơ. Hàng ngàn hécta mía, cà phê khô héo; nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra bất cứ lúc nào…
Phá lúa cho bò ăn
Nhìn ruộng lúa đang dần ngả vàng vì nắng hạn, ông Đoàn Tấn Ninh (thôn 2, xã Bình Hòa, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cho biết, gần một tháng nay, trời không mưa, nên người dân cứ hai ngày lại phải bơm nước vào ruộng một lần để cứu lúa. Bình quân mỗi đợt bơm nước, mỗi hộ nông dân phải bỏ ra từ 15.000 - 20.000 đồng tiền chi phí xăng dầu/sào. Nhiều hộ, từ đầu mùa hạn đến giờ, đã phải bỏ ra hơn 1 triệu đồng để dẫn nước từ các ao xa về đồng ruộng.
Tốn kém không ít, nhưng vì không muốn bao nhiêu công sức đổ vào đồng ruộng giờ lại mất trắng, nên bà con nông dân vẫn tiếp tục đổ tiền vào máy bơm nhằm tranh thủ từng chút nước tưới còn sót lại tại các ao. Thời điểm hiện tại, toàn huyện Bình Sơn có 252ha lúa đông xuân bị mất trắng hoàn toàn do khô hạn. Nhiều hộ dân ở xã Bình Phú còn phải cắt lúa về cho bò ăn và chấp nhận lỗ mất từ 700.000 - 900.000 đồng/sào.
Tình trạng thiếu hụt nước tưới, nhiễm mặn vùng hạ du các con sông chính tại Quảng Nam cũng đã xuất hiện. Tại hồ chứa nước Thạch Bàn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) mực nước chết đã xuống mức 17m, thấp hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 1,5m và thấp hơn mực nước chết của năm 2002.
Với mực nước này, hồ Thạch Bàn sẽ thiếu tương ứng 1,6 triệu m3 nước. Tìm về với cánh đồng rộng hơn 100ha của xã Điện Ngọc (Điện Bàn, Quảng Nam), trong những ngày bà con nông dân đứng ngồi không yên bởi đã gần 10 ngày nay cả cánh đồng không có một giọt nước khi trạm bơm Tứ Câu đã ngừng hoạt động vì nhiễm mặn nặng.
Trong ánh nắng gay gắt như thiêu đốt da thịt, vợ chồng anh Trần Anh Tuấn, người trồng cà phê ở thôn Hải Nguyên, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) vẫn nhẫn nại gánh từng thùng nước tưới cho rẫy cà phê rộng lớn, trong đó có nhiều cây đã bị úa, lá vàng rụng vương vãi. Biết việc làm của mình như “muối bỏ biển”, nhưng vợ chồng anh vẫn cố vì không đành lòng nhìn công sức, tài sản của mình “đội nón ra đi”. Trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, vợ chồng, con cái của anh liên tục túc trực ngoài rẫy, tìm nguồn nước tưới cho vườn cà phê đang thời kỳ ra hoa.
Đối với bà con nông dân ở thị xã An Khê - cửa ngõ phía đông của tỉnh Gia Lai, tình hình cũng không khá hơn là mấy. Mọi năm, ở thời điểm này, thị xã An Khê đã hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành gieo trồng vụ đông xuân 2013 - 2014. Vậy mà vụ này, thị xã mới chỉ gieo trồng được trên 2.700ha cây trồng các loại (chỉ đạt khoảng 69% kế hoạch). Nguyên nhân tiến độ gieo trồng không đạt kế hoạch, không phải là do thiếu giống, thiếu đất… mà là do thiếu mưa.
Nắng nóng kéo dài, mực nước tại các ao hồ, sông suối trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã xuống rất thấp, làm công tác chống hạn gặp nhiều khó khăn. Tính đến thời điểm này, việc khô hạn đã làm mất trắng gần 700ha cây trồng (chủ yếu là lúa, bắp) tại 8 huyện trên địa bàn tỉnh, trong đó thiệt hại nặng nhất ở các huyện M’Đrắk, Krông Bông và Krông Ana. Ước tính thiệt hại do khô hạn gây ra đã lên tới hơn 40 tỷ đồng. Ngoài ra, gần 1.500ha cây trồng tại 8 huyện trong tỉnh cũng đang đứng trước nguy cơ mất trắng.
Chống hạn cứu lúa
Dự báo được tình hình hạn hán năm 2014 sẽ diễn ra gay gắt trên diện rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mùa màng, từ cuối năm 2013, UBND các tỉnh đã phân bổ kinh phí cho ngành nông nghiệp chủ động đối phó. Tại Quảng Ngãi, 7,1 tỷ đồng đã chi cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi và các huyện để thực hiện công tác này. Các giải pháp được triển khai cũng vẫn là nạo vét kênh mương, lắp thêm các trạm bơm, đắp đập ngăn mặn và cả khả năng phải chuyển đổi cây trồng cạn cho phù hợp với thời tiết.
Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: Từ đầu vụ hè thu năm 2013, trước tình trạng mặn xâm nhập sâu với nồng độ cao, từ số tiền 1,7 tỷ đồng do UBND tỉnh cấp, ngành nông nghiệp huyện huy động người dân tiến hành đắp đập ngăn mặn, giữ ngọt trên nhánh sông Vĩnh Điện.
Nhờ công trình này mà hàng chục trạm bơm điện ở huyện Điện Bàn và các địa phương lân cận hoạt động rất hiệu quả, đảm bảo phục vụ nước tưới cho gần 3.000ha lúa từ đầu đến cuối vụ. Tuy nhiên, do trong tháng 10 và 11-2013, lũ lớn xuất hiện nhiều đợt đã cuốn trôi toàn bộ tuyến đập này. Nay để cứu diện tích lúa và hoa màu, ngành nông nghiệp của tỉnh và huyện lại tiếp tục đắp lại con đập này. Dự kiến đến ngày 20.3.2014 sẽ hoàn thành.
Không chỉ phục vụ nước tưới cho hàng ngàn hécta lúa mà quan trọng hơn, đập tạm này còn giúp cho Nhà máy nước Vĩnh Điện hoạt động ổn định trở lại sau hơn 1 tháng “đắp chiếu” khiến hàng ngàn hộ dân ở thị trấn Vĩnh Điện và các vùng lân cận chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt.
Để cứu lúa đông xuân, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành thủy lợi tăng cường điều tiết dẫn nước trên hệ thống kênh tưới, thực hiện các biện pháp tưới tiết kiệm trong điều kiện nguồn nước bị thiếu hụt. Hiện tại đã có nhiều trạm bơm lưu động được ngành thủy lợi Quảng Nam lắp đặt dọc sông Thu Bồn để kịp thời bổ sung nước cho những chân ruộng xa kênh.
Các phương án chống xâm nhập mặn cũng đã được tiến hành khẩn trương. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã gửi công văn yêu cầu các hồ thủy điện chấp hành việc xả nước theo yêu cầu sản xuất và tẩy mặn để cấp nước sinh hoạt cho vùng hạ du.
Theo cảnh báo của Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT), hiện nay có 37 tỉnh có nguy cơ cháy rừng cao, trong đó có 8 tỉnh nằm trong cấp cực kỳ nguy hiểm. Các tỉnh nằm trong “báo động đỏ” là Bình Phước, Đồng Nai, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Sơn La và Tây Ninh.
Theo thông báo của Cục Kiểm lâm, nếu cháy rừng xảy ra tại những nơi được xác định nằm trong cấp cực kỳ nguy hiểm thì hầu hết các kiểu rừng đều dễ bắt lửa, với tốc độ lan tràn rất nhanh.
Có thể bạn quan tâm
Ông Đoàn Quốc Lượm một ngư dân tại cửa biển Sông Đốc cho biết: Sau khoảng 20 ngày khai thác, chiếc tàu lưới kéo của gia đình thu hoạch được hàng chục tấn cá các loại. Do giá cá biển đang ở mức cao, nên sau khi trừ chi phí và chia cho ngư phủ, ông Lượm còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Được mùa cá, nhưng các phương tiện làm nghề câu mực tại thị trấn Sông Đốc lại có một chuyến biển thất thu, chỉ từ huề đến lỗ vốn.
Riêng với tôm nuôi công nghiệp, sau khi đã thu hoạch, các doanh nghiệp đang cải tạo để thả nuôi đợt tiếp theo. Năm 2014, ngành nông nghiệp Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 52.000 tấn tôm nuôi, tăng 10.000 tấn so với năm trước.
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã triển khai mô hình trình diễn “Ương giống tôm thẻ chân trắng” tại hộ ông Phạm Văn Trí ở ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc – khu vực có diện tích nôi tôm công nghiệp lớn nhất toàn tỉnh hiện nay (trên 150 ha).
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã và các hộ nuôi trồng thủy sản thì việc tôm cá xuất hiện chết rải rác thời gian gần đây là do các nhà máy, xí nghiệp từ đầu nguồn sông Yên xả thải xuống sông khiến tôm cá nhiễm bệnh rồi chết. Ngoài ra, do nhiệt độ những ngày qua giảm đột ngột, kèm theo những cơn mưa giông, đã gây sốc cho tôm nuôi.
Mặc dù là mô hình nuôi mới, bà con nông dân chưa có nhiều kinh nghiệm, song được sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông Thành phố và Trạm Khuyến nông các huyện, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển hướng sang phương thức nuôi mới.