Nắng hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp
Nông sản mất mùa
Vụ lạc này, nông dân xã Phú Long (Nho Quan - Ninh Bình) thu hoạch theo một cách khác so với mọi năm. Không chỉ nhổ lạc, dứt củ mà bà con phải làm thêm một động tác nữa là “nắn”, “lắc” bởi nhiều cụm lạc khá nhiều củ, thậm chí củ to nhưng trong củ lại không có nhân hoặc nhân lép. Bà Trần Thị Thuấn, thôn 5, xã Phú Long chia sẻ: “Vụ đông xuân này, gia đình trồng 5.000 m2 lạc nhưng do nắng hạn nên lạc dù có củ nhưng lại không có nhân, giờ vừa dứt củ vừa phải nắn như thế này để xem củ nào không có nhân thì bỏ ra. Để lẫn nhiều củ “óp”, thương lái sẽ chê không mua. Bà Thuấn cho biết thêm: “Nhà tôi còn may mắn vì trồng sớm trước Tết nên lạc còn có củ, nhiều nhà ở đây trồng sau chẳng có củ nào”.
Ngô là loại cây trồng có khả năng chịu hạn, phù hợp với những vùng đất không chủ động được nước. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết khí hậu khô hanh kéo dài, phần nào cũng ảnh hưởng đến năng suất của loại cây này. Chị Nguyễn Thị Huê, thôn 7, Kỳ Phú cho hay: Cây trồng ở đây phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên không có mưa là cây không lên nổi. Nhà tôi có 3.000 m2 ngô, từ lúc tra giống đến giờ hơn 3 tháng rồi cũng chỉ được 2 - 3 trận mưa nên cây chết gần nửa, số còn lại ra được bắp thì bắp cũng chả ra bắp, lưa thưa mỗi chỗ mỗi hạt, sản lượng chỉ còn khoảng 30% so với mọi năm, không đủ bù đắp tiền giống, vật tư cũng như công chăm sóc.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Nho Quan, toàn huyện có khoảng 500 ha ngô, 200 ha lạc, tập trung ở các xã vùng cao như Kỳ Phú, Phú Long, Cúc Phương đứng trước nguy cơ bị suy giảm năng suất, thậm chí mất trắng. Nguyên nhân là do nắng nóng kéo dài kèm theo gió Phơn hoạt động mạnh khiến diện tích ngô đang trong giai đoạn trổ cờ bị khô, không thụ phấn được, dẫn đến ngô không có hạt. Tương tự, với cây lạc, khô hạn đã khiến dinh dưỡng không vào củ được nên xảy ra hiện tượng củ lép. Hiện, nhiều cây trồng khác như mía, thanh long, dứa, sắn… cũng bị ảnh hưởng do nắng hạn.
Chủ động ứng phó
Tại vùng nguyên liệu dứa của Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao (thành phố Tam Điệp), để bảo vệ những quả dứa chuẩn bị đến kỳ cho thu hoạch không bị cháy nắng, thối hỏng, những người nông dân ở đây đã sáng tạo ra một cách đó là lấy dây buộc lá bao kín quả dứa lại. Anh Dương Văn Mừng, công nhân Công ty cho biết: 1 ha dứa phải cần đến 40 công để buộc quả, tương đương với 6 triệu đồng nhưng nếu không làm như vậy thì nắng sẽ thiêu cháy quả và chỉ cần 1 trận mưa xuống là thối hết.
Đối phó với hạn hán, nhiều nông dân ở xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cũng đang huy động sức người, sức của để xây bể chứa, khoan giếng tìm nguồn nước để sản xuất. Anh Nguyễn Văn Sơn, thôn 3, xã Đông Sơn cho biết: Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, để có nước tưới, đầu tháng 2 vừa qua, gia đình anh đã đào giếng sâu hơn 20 mét, đầu tư cả chục triệu đồng mua ống bi và máy bơm về tưới cho cây trồng, nhờ vậy mà gần 1,5 ha đất trồng trọt của gia đình phát triển tốt trở lại.
Còn tại Nho Quan, lãnh đạo huyện cho biết: Tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, chính quyền đã hướng dẫn bà con chủ động bán những diện tích ngô bị khô hạn giảm năng suất cho Công ty Thịt bò sữa Yên Phú làm thức ăn cho bò, qua đó thu được khoảng 70 - 80% giá trị.
Được biết, hiện tại, mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn huyện Nho Quan hầu hết đang ở mực nước chết, riêng hai hồ lớn là Yên Quang và Thường Sung vẫn đang có nước nhưng ở mực rất thấp. Để chủ động trong sản xuất vụ mùa tới đây, huyện cũng đã yêu cầu các địa phương ngoài việc tích cực nạo vét kênh mương phải tăng cường lắp đặt các trạm bơm dầu, trạm bơm dã chiến để tận dụng các nguồn nước phục vụ sản xuất… Bên cạnh đó, dựa vào tình hình thực tế để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý. Chỉ đạo cấy lấn sâu xuống các vùng trũng, vùng lúa cá, đồng thời lùi mùa vụ sang cấy ở trà mùa trung. Những diện tích không đảm bảo đủ nguồn nước tưới suốt vụ phải chuyển sang trồng hoa màu để đảm bảo gieo trồng hết diện tích và sản lượng lương thực đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm
Thời điểm này, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã xuống giống cho vụ thu đông, cũng đang vào mùa mưa, với nhiều trận mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa. Tiến sĩ Chu Văn Hách, Trưởng Bộ môn Phân bón và Kỹ thuật canh tác, Viện Lúa ĐBSCL lưu ý bà con một số giải pháp để có thể bảo vệ vụ mùa thu đông và chuẩn bị tốt cho vụ mùa đông xuân.
Ông Lê Văn Tám ở thôn 1 xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có vụ thu hoạch bội thu, khi 2.000 gốc ổi cho lứa quả đầu tiên sau gần 2 năm nỗ lực chăm bón. Cứ hai ngày một lượt, khách hàng từ dưới phố lên chọn quả hái khoảng 300 kg. Với giá 6.000 đồng/kg, mỗi lần xuất bán như vậy, ông có 1,8 triệu đồng.
Chi cục Thủy sản Đak Lak vừa phối hợp với UBND xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn tổ chức hội thảo đầu bờ mô hình nuôi thử nghiệm cá rô đầu vuông thương phẩm trong ao bằng thức ăn viên tổng hợp tại hộ ông Hà Đình Phùng, thôn 2.
Xã Xuân Tâm, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) là vùng đất trắng, bạc màu nên sản xuất nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở trang trại chăn nuôi, điển hình là ông Nguyễn Kính đã xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong thời gian gần đây, nhiều hộ dân nuôi nhím trên địa bàn xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) đang phải chịu cảnh “khủng hoảng thừa” vì không thể bán được nhím.