Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nâng Giá Trị Sản Xuất Bền Vững Ngành Nuôi Trồng Thủy Sản

Nâng Giá Trị Sản Xuất Bền Vững Ngành Nuôi Trồng Thủy Sản
Ngày đăng: 17/11/2014

Vừa qua, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) tổ chức chương trình "Đối thoại bàn tròn về nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL".

Cuộc đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, triển khai và trao đổi các giải pháp giữa các bên liên quan, góp phần nâng giá trị sản xuất phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL.

* Thách thức

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết: ĐBSCL là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản, hằng năm cung cấp trên 52% sản lượng thủy sản của cả nước. Năm 2014, vùng ĐBSCL có diện tích nuôi thủy sản gần 800.000 ha, sản lượng đạt trên 2,4 triệu tấn, trong đó có 1,2 triệu tấn cá tra, 400.000 tấn tôm phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu đạt trên 5 tỉ USD.

Dù có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi thủy sản, nhưng nhìn tổng thể sản xuất, chế biến thủy sản ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, như: thiếu hạ tầng kỹ thuật, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Hiện nay, thực trạng nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL là tự phát, tràn lan ngoài quy hoạch.

Trong đó, mô hình nuôi tôm và cá tra sau một thời gian cho hiệu quả kinh tế cao nên nông dân ồ ạt nuôi không theo khuyến cáo của ngành chức năng…

Bên cạnh đó, phần lớn nông dân nuôi trồng thủy sản ở vùng ĐBSCL có quy mô nhỏ, khả năng nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư ít; sự biến động về môi trường nuôi, dịch bệnh dễ xảy ra nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết: "ĐBSCL có nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc phát triển lĩnh vực này tại vùng ĐBSCL đang gặp không ít khó khăn. Sự quan tâm đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản cho vùng còn thấp, thiếu liên kết giữa các bên liên quan.

Công tác quản lý môi trường và dịch bệnh còn nhiều hạn chế, bảo quản và tiêu thụ thủy sản còn nhiều khó khăn; chịu tác động biến đổi khí hậu, như: nước biển dâng , lũ lụt xảy ra với tầng suất lớn"…

Theo ông Hứa Trần Hoàng, nông dân chuyên nuôi tôm ở xã Nam Thới A, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, đa phần nông dân thiếu kiến thức về kỹ thuật, thiếu nguồn giống chất lượng và vốn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Do đó, rất cần sự hỗ trợ của ngành chức năng từ việc tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi, cung cấp nguồn giống sạch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần tăng cường hiệu quả từ nuôi trồng thủy sản.

* Tăng cường hợp tác

Ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: ĐBSCL có nhiều thế mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản và có những đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội cho vùng. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản vẫn còn nhiều thách thức, rất cần sự phối hợp, tổ chức đối thoại nhằm tạo ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sự hợp tác, liên kết giữa các bên liên quan. Trên cơ sở đó, làm rõ các thách thức, phân tích hiện trạng, nhu cầu và định hướng, cơ chế phát triển việc nuôi trồng thủy sản bền vững tại vùng ĐBSCL.

Theo các diễn giả tham gia cuộc đối thoại bàn tròn nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL, để giải quyết những khó khăn, góp phần nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất nuôi trồng thủy sản cần có những giải pháp đồng bộ. Cần tăng cường sự quản lý nhà nước trong kiểm soát dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trong toàn chuỗi; liên kết dọc trong chuỗi sản xuất từ giống-nuôi-chế biến xuất khẩu.

Thúc đẩy sự tham gia các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, hộ nuôi, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, các viện nghiên cứu, trường đại học.

Ngoài ra, cần nghiên cứu và hợp tác chuyển giao công nghệ phát triển giống các loài nuôi chủ lực và thức ăn chăn nuôi nhằm duy trì thế mạnh và giảm giá thành sản xuất; cải thiện các chính sách về tài chính tín dụng, kiểm soát chất lượng, thuế, hải quan.

Cần có cơ chế trao đổi và chia sẻ thông tin, sự cam kết và chương trình hành động của các bên liên quan để ngành nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, cho biết: Để phát triển thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương về tác động của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, cần nâng cao kỹ năng cũng như kiến thức cho người nuôi về quản lý ao nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu. Song song đó, liên kết cộng đồng trong chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giám sát dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Xây dựng các mô hình nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các đối tượng nuôi, áp dụng các mô hình nuôi GAP, BMP…

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành thủy sản khu vực ĐBSCL là thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể của ngành; quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông dân còn thiếu chặt chẽ.

Sự liên kết giữa Nhà nước-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông-ngân hàng vẫn còn mang tính chất hình thức đã ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của vùng. Vì vậy, phát triển bền vững ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, giữa các địa phương với nhau.

Trước hết, phải tìm ra giải pháp và bước đi thích hợp để thiết lập liên kết theo chiều sâu nhằm thúc đẩy ngành thủy sản trong vùng phát triển nhanh. Song song đó, cần tập hợp cộng đồng doanh nghiệp thành hệ thống và xây dựng thương hiệu mạnh của quốc gia.

Đặc biệt, đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội phân phối ở thị nước ngoài để nắm thông tin thị trường nhanh, tránh tình trạng cạnh tranh. Đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhất để quản trị rủi ro, dịch bệnh… Xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển chung cho vùng, có cơ chế và phương pháp lôi kéo các ngân hàng tham gia vào mối liên kết chiến lược giữa các ngân hàng-doanh nghiệp-nông dân.

Ngoài ra, cần tăng khả năng cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm, hình thành chuỗi giá trị gia tăng hàng thủy sản và tăng thu nhập cho các chủ thể, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa thủy sản.

Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=157177


Có thể bạn quan tâm

Thu Lợi Cao Từ Chanh Đào Thu Lợi Cao Từ Chanh Đào

Qua đọc sách báo và đến thăm một số trang trại trong huyện, anh thấy chanh đào cho lợi nhuận cao nên lựa chọn cây trồng này. Năm 2010, anh trồng 100 cây. Một năm sau, vườn chanh cho thu hoạch, sản lượng quả đạt 2 tấn. Với giá 30 nghìn đồng/kg, gia đình thu lãi 40 triệu đồng.

23/06/2014
Hoài Niệm Mùa Lúa Rẫy Hoài Niệm Mùa Lúa Rẫy

Những ngày này trên các triền đồi thoai thoải của vùng đất Kon Pne (huyện Kbang- Gia Lai), những đám lúa rẫy đã vàng ươm. Mùa thu hoạch lúa rẫy về cũng là mùa lễ hội nên cả thung lũng Kon Pne đang được ướp bằng hương lúa mới và hương rượu cần ngọt thơm…

29/05/2014
VietGAP Hướng Phát Triển Tất Yếu Của Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ VietGAP Hướng Phát Triển Tất Yếu Của Nghề Nuôi Tôm Nước Lợ

Nuôi tôm ở nước ta được xem là một nghề phát triển nhanh, song một số nơi còn mang tính tự phát trong khi hàng loạt các vấn đề phục vụ sản xuất chưa đáp ứng kịp đã dẫn đến tôm nuôi thường xuyên bị bệnh; vì thế để thu được kết quả tốt thì người nuôi phải sử dụng thuốc kháng sinh phòng trị bệnh cho tôm.

23/06/2014
Gà Đồi Yên Thế Tăng Giá Gà Đồi Yên Thế Tăng Giá

UBND huyện Yên Thế đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường tập huấn, tuyên truyền vận động nông dân áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn. Tiếp tục đẩy nhanh đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi gà đồi theo hướng VietGAP tại ba xã: Đồng Tâm, Tam Tiến và Tiến Thắng để nâng cao chất lượng sản phẩm.

29/05/2014
Thanh Long Và Dưa Hấu Rớt Giá Thanh Long Và Dưa Hấu Rớt Giá

Trong tháng 6, nhiều loại trái cây trong nước nói chung và Tiền Giang nói riêng đồng loạt rớt giá, một phần là do vào mùa thuận, sản lượng tăng; một phần do lượng trái cây được xuất bán sang Trung Quốc giảm so với trước kia.

23/06/2014