Ca Cao UTZ Lợi Đủ Đường

KHOÁI TRỒNG "CA CAO UTZ"
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Sơn, ngụ ấp Hòa Thành, Chợ Gạo, Tiền Giang là một trong số hàng trăm hộ trong xã tham gia trồng ca cao theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ Certified. Ông cho biết: Trước đây chỉ trồng có dừa thu nhập rất thấp. Nhưng khi tham gia chương trình trồng ca cao sạch, hữu cơ xen dừa thì cuộc sống gia đình khấm khá hẳn lên.
Với 1ha ca cao xen dừa, mỗi tháng ông Sơn thu được 4- 5 tạ trái tươi bán với giá 4.650 đ/kg, được bao tiêu sản phẩm 100%. Hiện giá thị trường chỉ 4.000 đ/kg, nhưng ca cao của ông trồng theo UTZ nên được thưởng thêm mỗi ký 650 đồng (cao hơn 16% giá thị trường).
Tương tự, nông dân Nguyễn Văn Phi, ngụ cùng ấp Hòa Thành khẳng định: “Trồng ca cao theo UTZ chẳng quá khó khăn, giá bán lại cao, môi trường sạch sẽ và tốt cho người dùng nên gia đình ủng hộ tham gia ngay từ năm 2005. Hiện 8.000 m2 ca cao trồng xen dừa của tôi chỉ sử dụng phân chuồng, phân xanh và không phun xịt bất cứ loại thuốc BVTV nào nên cứ thu hoạch là được bao tiêu hết, mỗi năm gia đình tăng thêm thu nhập vài chục triệu đồng so với độc canh cây dừa trước đây”.
Cùng với hai hộ nông dân trên, tại Chợ Gạo đã có hàng trăm gia đình khác đạt hiệu quả kinh tế cao từ trồng ca cao UTZ xen vườn dừa. HTX Ca cao Chợ Gạo là nơi tập hợp đông đảo các nông hộ trồng ca cao theo chuẩn quốc tế. Mới đây HTX được cấp Giấy chứng nhận SX ca cao UTZ Certified.
Cụ thể, trong tổng số 423 nông hộ trồng ca cao trong vùng dự án, đến nay đã có 255 hộ với 147 ha ca cao được công nhận SX theo tiêu chuẩn quốc tế UTZ. Để đạt được Giấy chứng nhận UTZ các nông hộ phải SX ca cao theo bộ nguyên tắc hữu cơ của UTZ Certified, trong đó áp dụng 72/174 tiêu chí bắt buộc phải thực hiện trong năm thứ nhất.
Các tiêu chí nhấn mạnh đến nghĩa vụ bảo vệ cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, giấy chứng nhận này chỉ có giá trị trong vòng 1 năm. Vì thế, để đảm bảo có thị trường tiêu thụ ổn định, vấn đề quản lý chất lượng mang tính lâu dài, bền vững sẽ phải được các địa phương quan tâm triển khai liên tục.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Định cho biết: “Do thấy được hiệu quả kinh tế của trồng ca cao sạch, chất lượng cao nên cả xã đều đồng lòng quyết tâm thực hiện nâng diện tích ca cao đạt chuẩn ra toàn xã. Chỉ tính trong khoảng hơn 1 năm qua, Hòa Định đã có thêm 100 ha ca cao xen dừa, nâng tổng diện tích lên 450 ha, trong đó có 150 ha được chứng nhận UTZ”.
Ông Nhàn cũng khẳng định, kể từ năm 2005, thời điểm xã Hòa Định tham gia trồng ca cao, đến nay mỗi ha ca cao xen dừa cho thu nhập tăng khoảng 30%. Đặc biệt, trái ca cao Chợ Gạo được đánh giá có chất lượng và mùi thơm rất đặc trưng nên được các DN thu mua bao tiêu với giá tốt. “Đây chính là điểm thuận lợi để nông dân phấn khởi tự nguyện đẩy mạnh mở rộng diện tích ca cao UTZ, đi đầu trong phát triển ca cao sạch, an toàn, bền vững trong cả nước”, ông Nhàn nói.
ĐẦU RA RỘNG MỞ
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, việc nông dân quan tâm phát triển ca cao sạch, hữu cơ, theo tiêu chuẩn quốc tế là do hiệu quả của chương trình UTZ. Trồng ca cao xen dừa không ảnh hưởng đến quỹ đất, đồng thời tăng năng suất cây dừa và tạo ra nguồn thu nhập lớn từ ca cao gấp khoảng 2 lần nếu chỉ trồng mỗi dừa.
Việc đẩy mạnh trồng ca cao đạt UTZ giúp nông dân có sản phẩm chất lượng, tăng thu nhập, thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt Cty Cargill đã cam kết thu mua 100% ca cao chứng nhận UTZ với giá cao. Cty Halba của Thụy Sĩ, Cty Ritter Sport cũng đã cử chuyên gia ca cao đến tìm hiểu diện tích trồng ca cao hữu cơ tại Việt Nam và cam kết sẽ thu mua với giá tốt với yêu cầu phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế…
Nhiều nông dân sau vài năm trồng ca cao đã khẳng định, loài cây này trước đây được coi là một cây trồng phụ xen trong các loại cây trồng khác nhằm tận dụng đất trồng và tăng thu nhập cho bà con. Nhưng với giá cả khá và thu nhập ổn định, lại dễ trồng, dễ chăm sóc, cây ca cao (đặc biệt là diện tích đạt UTZ) sẽ trở thành cây trồng chủ lực của bà con.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của người dân trồng ca cao hiện nay là dịch hại từ sóc hoang đang hoành hành dữ dội và nguy cơ mất kiểm soát nếu không có biện pháp hữu hiệu để phòng trừ. Ông Nguyễn Văn Nhàn, Chủ tịch UBND xã Hòa Định khẳng định: “Có tới 50% sản lượng ca cao của xã bị sóc hoang phá hại. Người dân cũng đã dùng đủ mọi cách để diệt trừ, đặt bẫy nhưng vẫn không hiệu quả. Chúng tôi coi sóc là loại dịch hại chính làm giảm hiệu quả từ vườn ca cao nhưng đến nay bên ngành BVTV vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nào để xử lý”.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Chợ Gạo:
"Vài năm trở lại đây, đàn sóc hoang dã tăng gấp 2- 3 lần. Trước đây cơ quan chức năng cho người dân dùng súng hơi để diệt thì hiệu quả rất rõ. Nhưng do dùng súng rất nguy hiểm nên chính quyền không cho sử dụng nữa.
Vì vậy đàn sóc tăng rất mạnh, khó kiểm soát. Hiện người dân vẫn sử dụng các biện pháp như bẫy chuột truyền thống, dùng bẫy thòng lọng hoặc treo chuông gió (bằng lon bia, nước ngọt)… để xua đuổi, hạn chế sự phá hoại của lũ sóc hoang."
Có thể bạn quan tâm

Vụ lạc năm nay, nông dân các địa phương ở Thừa Thiên Huế thu hoạch xong. Khác với mọi năm, lạc đã hái trái, phơi khô nhưng chỉ đóng vào bao cất chứ không bán.

Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt vừa cấp miễn phí 1.500 cây cam canh giống cho nông dân xã Tà Nung. Đây là hỗ trợ của ngành nông nghiệp cho nông dân nhằm chuyển đổi diện tích cà phê già cỗi kém năng suất sang canh tác loại cây trồng mới.

Chọn giống cá rô phi đơn tính đực, nuôi thả theo hướng GAP, mô hình thí điểm nằm trong khuôn khổ dự án phát triển nuôi cá theo quy trình bán thâm canh được thực hiện tại xã Trung Minh và Dân Chủ (thành phố Hòa Bình) không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế hộ mà còn mở rộng khuyến cáo ở địa bàn 11 huyện, thành phố trong tỉnh.

Chúng tôi về thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang (Khánh Hòa), một trong những nơi hiện nay đang nuôi nhiều cá bớp, bởi hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Theo ông Nguyễn Phước, phó chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Lương thì hiện nay toàn xã có hàng chục hộ dân nuôi cá bớp trên đầm Nha Phu. Người nuôi ít nhất cũng khoảng 500 con, nuôi nhiều khoảng 3.000 con.

Với tổng diện tích 2.450 ha (trồng mới 165 ha), sản lượng bình quân hàng năm trên 8.000 tấn, Chư Pưh được xem là “thủ phủ” hồ tiêu của tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên những năm trở lại đây cùng với việc người dân ào ạt trồng tiêu thì bệnh chết nhanh, chết chậm, tiêu điên trên cây tiêu diễn biến tương đối phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng.