Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Cá Tầm - Cá Hồi Trên Vằng Hên

Nuôi Cá Tầm - Cá Hồi Trên Vằng Hên
Ngày đăng: 13/08/2011

Có rất nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có rất nhiều người can ngăn khi biết ông Hoàng Văn Khiêm, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn ôm vài tỷ đồng lên mở trang trại nuôi cá tầm - cá hồi nơi rừng sâu heo hút. 
Từ một người làm nhiều nghề như: Đi xuất khẩu lao động, sửa chữa và buôn bán xe máy, làm doanh nghiệp xây dựng… nay ông Khiêm bỗng trở thành “người nông dân thực thụ”.

Đầu tư trên mây

Sau hành trình gần 70 cây số từ thị xã Bắc Kạn, chúng tôi đến khu vực Vằng Hên, xã Bằng Phúc của huyện Chợ Đồn. Nơi đây có đỉnh Pù Đồn với độ cao trên một nghìn mét so với mặt nước biển. Trên đỉnh núi thường xuyên có dòng nước mát lạnh chảy xuống chân núi quanh năm. Nơi “sơn thuỷ hữu tình” này đã tạo ra một vùng đất khá trù phú. Nghe người dân bản địa kể, nơi đây trước kia là chốn “rừng thiêng, nước độc”. Trước kia, người dân về vùng đất này sinh sống thường bị cảm lạnh, nhiều người cho rằng ở đây có ma. Một số người gan lì vẫn cố bám trụ sinh sống, họ chặt hết những cây to với quan niệm để xua đuổi tà ma. Còn những người nhát thì bỏ đi nơi khác sinh sống. 
Trái lại với lời đồn thổi ấy, ông Khiêm thì cho rằng: Chẳng qua vùng đất này lạnh hơn so với vùng đất khác, người nào không thích nghi được thì sinh bệnh. Chính vùng đất “ma” này là một môi trường lý tưởng để ông Khiêm thực hiện ý tưởng thành lập trang trại nuôi cá tầm, cá hồi.

Ý tưởng ấy được manh nha từ khi ông còn làm doanh nghiệp vào đây thi công con mương dẫn nước vào cánh đồng Bằng Phúc. Ông Khiêm kể, lúc bấy giờ nhìn nơi này mông lung lắm. Khi ông quyết định đầu tư vào đây, nhiều người nhận định ông bỏ tiền ra để “ đầu tư trên mây”. Tài sản đổ vào thì lớn, nhưng nếu không thành công thì dễ trắng tay. Vợ ông là bà Triệu Thị Cảnh cũng khuyên ông không nên đổ tiền của vào nơi “khỉ ho cò gáy này”. Nhưng ông chỉ cười thản nhiên rồi bảo, nếu không muốn làm ăn mạo hiểm thì chỉ có cách đi gửi tiền vào ngân hàng, vừa nhàn hằng tháng lại có thêm lãi suất.

Thế rồi ông mang tiền tỷ vào cải tạo đất, lập trang trại, xây bể, xây mương, làm ống dẫn nước, thiết lập hệ thống bảo vệ và thuê cán bộ kỹ thuật, tuyển dụng người làm. Sau khi đã chuẩn bị mọi điều kiện, mẻ cá giống lần đầu tiên được chuyển về 4.000 con, bao gồm 3.800 con cá tầm và 200 con cá hồi vào tháng 7 năm 2010. 
Lứa cá đầu tiên này phát triển khá tốt. Cá hồi sau một năm đa phần đạt được 1,5 kg/ con, cá tầm đạt 2 kg/ con. Từ tháng 10 - 12/2010 ông nhập thêm 8.000 con cá tầm về nuôi. Giờ trang trại của ông đã có trên 30 bể cá, tính sơ cũng có khoảng 7 tấn cá hồi và tầm (khoảng 5 tạ cá đã đến kỳ xuất). Với giá bán hiện nay Cá tầm 400.000 đồng / kg; cá hồi 350.000 đồng/ kg.

Ăn cùng cá, ngủ cùng cá

Để có trang trại cá tầm, cá hồi vào dạng quy mô bậc nhất của tỉnh hiện nay, đối với ông Khiêm là cả một quá trình chăm chút “lao tâm, khổ tứ”. Ông Khiêm tâm sự: Trước khi bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình, ông đã bỏ rất nhiều thời gian đến thăm các trang trại ở vùng Đông và Tây Bắc. Ông cho rằng, những vùng đất này có cùng điều kiện thời tiết, khí hậu khá tương đồng với thời tiết ở vùng Vằng Hên. Ông đã nhiều lần đến thăm trang trại của ông Trần Yên, Nguyễn Cảnh ở Lai Châu. Ông còn tìm đến các Trung tâm nghiên cứu Thủy sản ở Sa-Pa; thăm trang trại cá giống của ông Thìn ở Chi cục Thủy sản Lao Cai… 
Đi nhiều nơi, ông đã học hỏi được nhiều điều về nuôi và chăm sóc cá tầm và hồi nhưng vẫn không tránh khỏi đôi lần thất bại. Ông Khiêm cho biết: Ở mẻ cá đầu tiên khi mang về nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt. Sang mẻ cá thứ hai, sau khi nuôi một thời gian cá đã chết hàng loạt (một lúc chết trên 1.000 con). Xót của, nhiều đêm ông ngồi thức trắng bên bờ ao để nghiên cứu về đặc tính của cá. Ban ngày, bất kể nắng hay mưa, khi cá có hiện tượng lạ ông lại ngồi cả buổi để theo dõi bể cá. 
Thế rồi, ông đã đúc rút ra một điều: Muốn nuôi được cá hồi, cá tầm người nuôi phải say mê chúng và hiểu về chúng. Chính lần thất bại đầu tiên, ông đã hiểu ra nguyên căn của nó đó là: Cá tầm thường ăn vào ban đêm, khi ông thắp bóng điện gần mặt nước, cá đã đến tập trung nhiều ở một vùng nước, do chật, thiếu ô xy cục bộ, cá đã chết hàng loạt. Cũng từ việc quan sát kỹ, ông đã hiểu được đặc tính của con cá hồi là ngủ vào ban đêm và ăn vào ban ngày. Theo ông Khiêm, nuôi cá tầm, cá hồi không những phải tỷ mỷ mà còn phải khá công phu. Thức ăn của cá hồi, cá tầm ông vẫn phải mua từ các nước Pháp, Hà Lan. Giá thành các loại thức ăn cho cá từng lứa tuổi cũng có khác nhau, từ 50.000 đến 100.000 đồng/kg. Mỗi ngày đêm phải cho cá ăn 4 lần với thời gian cách đều nhau. Tóm lại, muốn nuôi hai loài cá quý này phải có niềm say mê thực sự.

Cá tầm, cá hồi tiêu thụ tốt tại thị trường trong và ngoài tỉnh

Khi hỏi về địa chỉ tiêu thụ cho những con cá tầm, cá hồi, ông Khiêm cho biết: Hiện giờ hàng chưa có nhiều, trang trại cá tầm, cá hồi của ông chỉ đủ cung cấp cho những khách quen biết đến trang trại. Họ đến, được nhân viên chế biến cá tươi ăn ngay tại chỗ, ai thích thì mua thêm về; một số thì bán ra thị trấn Bằng Lũng. Nhưng ông khẳng định, sẽ không lo về đầu ra vì ông đã liên kết với những trang trại nuôi cá tầm, cá hồi cỡ lớn ở tỉnh Lào Cai, Lai Châu để xuất cá. Khi có hàng nhiều chỉ cần gọi điện là các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội sẽ lên lấy hết.

Điều trăn trở đối với ông Khiêm bây giờ là thiếu vốn để mở rộng trang trại. Với ý tưởng mở thêm nhà nghỉ, nhà hàng để khi khách du lịch đến Hồ Ba Bể sẽ qua để thưởng thức cá tươi do ông làm ra và nghỉ ngơi ở đây. Thời gian qua ông đã “gõ cửa” các ngân hàng để vay thêm vốn, nhưng tiếp cận với đồng vốn vay ưu đãi trong thời điểm này quả là khó! Mới đây tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, ông đã được lãnh đạo huyện Na Rì mời vào khảo sát tại suối của xã Ân Tình. Nơi đây đã từng nuôi cá tầm thành công, nhưng ông còn lưỡng lự. 
Ông chia sẻ: Chăm cá giống như chăm con mọn, nếu đi lâu ngày đàn cá ở nhà thiếu người có kinh nghiệm chăm sóc sẽ dễ xảy ra sự cố. Mày mò vừa nuôi cá vừa đúc rút thêm kinh nghiệm, ông đang muốn nuôi thêm các loài cá bản địa như cá chầy, cá bống sông. Đây là các loại dễ thích nghi với nguồn nước, không phải mất tiền mua con giống. Vì đến mùa đẻ của cá chỉ cần mang ra suối vợt cá con về nuôi... Ông mong sao trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều trang trại nuôi cá, được cán bộ thuỷ sản quan tâm, hướng dẫn quy trình nuôi cá để ông học hỏi thêm kinh nghiệm./.


Có thể bạn quan tâm

Thoát nghèo từ nghề nuôi ong sữa Thoát nghèo từ nghề nuôi ong sữa

Cùng với các mô hình như dệt, móc len, nuôi tằm, vài năm trở lại đây, nghề nuôi ong sữa đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ của xã Bình Thạnh (Đức Trọng - Lâm Đồng).

30/05/2015
Tăng sức cạnh tranh gà thả vườn Tăng sức cạnh tranh gà thả vườn

Ở VN, người dùng thịt gà có "gu" khác nước ngoài. Thịt chín phải có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt, mịn và hơi dai.

30/05/2015
Bạc đầu vì nghêu! Bạc đầu vì nghêu!

Ở vùng biển Gò Công, các sân nghêu như mỏ "vàng trắng" mang lại cho người dân vùng biển cuộc sống sung túc. Song, những năm gần đây, người nuôi nghêu lại lo lắng mỗi khi vào mùa thu hoạch; nhiều người mất ăn, mất ngủ vì nghêu.

30/05/2015
Thời tiết bất lợi gây thiệt hại cho tôm nuôi Thời tiết bất lợi gây thiệt hại cho tôm nuôi

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu, do thời tiết trong tháng 5 có những diễn biến bất lợi, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ và độ mặn cao, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, gây thiệt hại cho tôm nuôi.

30/05/2015
Nuôi trồng thủy sản khó khăn vì nguồn nước bị ngọt hóa Nuôi trồng thủy sản khó khăn vì nguồn nước bị ngọt hóa

Không như những năm trước, vụ nuôi thủy sản năm nay bà con ngư dân trên địa bàn huyện Quảng Điền đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình trạng nước lợ phục vụ nuôi trồng thủy sản bị ngọt hóa. Gần 644 ha tôm nuôi sau hai tháng chăm sóc không những không phát triển mà ngày càng còi cọc dần.

30/05/2015