Nâng Chất Lượng Giống Cá Nước Ngọt
Không chỉ đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt ngày một phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh, sản xuất giống thủy sản nước ngọt tại Quảng Nam còn cung ứng cho thị trường trong nước, đặc biệt là xuất khẩu.
Tạo nguồn giống
Toàn tỉnh Quảng Nam có hơn 4.800ha ao nuôi cá nước ngọt, phân bố ở các lòng hồ, hồ thủy điện, ao đất và các vùng triều ven sông, mỗi năm nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh cho sản lượng hơn 6.000 tấn cá thương phẩm. Thời gian qua, nhờ sản xuất thâm canh, nhiều diện tích nuôi cá rô phi và diêu hồng cho năng suất vượt trội. Phục vụ nhu cầu nuôi cá tăng cao trong thời gian qua, các trung tâm, cơ sở sản xuất giống thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng sản xuất giống.
Nhờ tích cực chuyển giao kỹ thuật từ TP.Hồ Chí Minh, nỗ lực sản xuất thử nghiệm, Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam đã sản xuất thành công con giống một số loài thủy sản có giá trị cao như tôm càng xanh, cá thác lác cườm, đặc biệt là cá rô phi đơn tính và cá diêu hồng. Với việc sản xuất giống tại chỗ, có nguồn gốc rõ ràng, tỷ lệ hao hụt do vận chuyển thấp, cá khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, trung tâm đã cung cấp kịp thời cá giống cho người nuôi trên địa bàn tỉnh.
Anh Đoàn Nhơn (thôn Trà Lang, xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) là một trong nhiều hộ thử nghiệm thành công mô hình thâm canh nuôi cá diêu hồng trong lồng bè trên địa bàn tỉnh. Anh cho biết: “Thâm canh nuôi cá diêu hồng trong lồng bè đòi hỏi phải đầu tư hết sức khoa học. Tôi quyết định mua cá giống chất lượng của Trung tâm Giống thủy sản Quảng Nam với 75 nghìn con, khi thả nuôi cá phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt không đáng kể nên đem lại lợi nhuận cao trong 2 vụ nuôi vừa rồi”.
Những ngày qua, tại Trung tâm Chọn giống cá rô phi (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ), các kỹ sư đến từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) đang tích cực chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cá giống. Ông Nguyễn Công Dưỡng - Giám đốc trung tâm cho biết, từ năm 2006 đến nay, đơn vị đã cung cấp 35 - 50 triệu con cá giống rô phi và diêu hồng 21 ngày để các tỉnh, thành trong cả nước ương thành “cá hương” và chuẩn bị làm cá giống sinh sản.
Ngoài ra, mỗi năm trung tâm cung ứng 20 - 25 vạn cá bố mẹ cho nhiều địa phương. Bên cạnh đó, đơn vị đã xuất bán hơn 30.000 con cá giống rô phi và diêu hồng sang thị trường các nước châu Mỹ, chủ yếu là Colombia và Mexico. “Thời gian qua, việc phát triển con giống thủy sản nước ngọt còn nhiều hạn chế.
Để đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt, chúng tôi được Viện Nuôi trồng thủy sản I phân công nhiệm vụ sản xuất giống cá rô phi và diêu hồng, trước mắt là để phục vụ phát triển ở địa phương, sau đó là cung ứng giống cho miền Bắc và phục vụ xuất khẩu” - ông Dưỡng nói.
Đáp ứng nhu cầu
Theo ông Dưỡng, để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, Trung tâm Chọn giống cá rô phi đang thực hiện chương trình chọn giống cá rô phi sinh trưởng trong điều kiện không tối ưu và chương trình chọn giống tạo quần đàn siêu đực từ phương pháp lai xa khác dòng.
Mục đích của hai phương pháp này là để tạo ra những đàn cá giống chất lượng cao, có thể thích ứng với những điều kiện thời tiết khắc nghiệt hoặc biến động mạnh. “Chỉ cung ứng được 35 - 50 triệu con giống cá rô phi và cá diêu hồng cho khắp các vùng nuôi trên cả nước là quá thấp so với các đơn đặt hàng từ nhiều nơi gửi về chúng tôi. Nếu như trước đây, phải thuê mặt bằng sản xuất thì nay trung tâm đầu tư 64 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất.
Việc xây dựng 2 cơ sở chuyên chọn giống, lưu giữ đàn cá giống và cơ sở nhân giống, thử nghiệm và phát tán cá giống trên vùng diện tích 7ha sẽ giúp chúng tôi nâng cao sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày một lớn hơn. Khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động từ đầu năm 2014, chúng tôi sẽ cung cấp thêm mỗi năm 50 triệu con cá giống bố mẹ cho các địa phương sản xuất cá giống phục vụ nuôi cá thương phẩm” - ông Dưỡng nói.
Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam, mặc dù đã có nhiều chuyển biến và phát triển rộng khắp nhưng nuôi cá nước ngọt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Cụ thể là sản phẩm thương phẩm chỉ mới phục vụ tiêu thụ nội địa. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, chưa sử dụng được nguyên liệu của 2 đối tượng chính là cá rô phi và diêu hồng để chế biến xuất khẩu.
Bởi vậy, để tạo cú hích, điều kiện cần là tiến hành chặt chẽ việc kiểm tra, giám sát, kiểm dịch chất lượng giống thủy sản nước ngọt nhập về Quảng Nam; đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất giống có tầm đầu tư vào trung tâm cung ứng giống thủy sản Quảng Nam để nâng chất lượng hoạt động.
Ông Võ Văn Năm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng để kêu gọi đầu tư vào trung tâm cung ứng giống thủy sản, Quảng Nam cần phải có có cơ chế, chính sách phù hợp. Đối với công tác kiểm dịch, kiểm định chất lượng giống thủy sản, các đơn vị cần nhanh chóng chấn chỉnh, nâng cao năng lực kiểm dịch để đáp ứng nhu cầu.
“Có thể nói, việc sản xuất giống thủy sản nước ngọt ở tỉnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả. Từ những thành công bước đầu đã mở ra triển vọng mới cho định hướng đa dạng hóa sản phẩm. Việc áp dụng thêm những kiến thức khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống sẽ là động lực thúc đẩy nghề nuôi thủy sản nước ngọt, khai thông tiềm năng, đáp ứng thêm nhu cầu giống của người nuôi cả về số lượng và chất lượng” - ông Năm nói
Có thể bạn quan tâm
Hiện tại, giá ớt được thu mua với giá 40.000 đồng/kg. Cứ cách 2 ngày anh thu hoạch một lần, năng suất từ 40 - 50kg/công, vào những đợt thu hoạch rộ ớt sừng vàng châu Phi còn cho năng suất 150-180kg/công. Sau khi trừ hết chi phí, anh lời từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng/2 công ớt”.
Vừa qua, tại Khu du lịch Mỹ Trà, TP. Cao Lãnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn về ngành hàng xoài. Đại diện Viện Cây ăn quả Miền Nam, Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu long, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu II, các sở, ngành, doanh nghiệp, công ty, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cùng với gần 200 nông dân là nhà vườn các huyện Cao Lãnh, Lấp Vò và TP. Cao Lãnh tham dự diễn đàn.
Hiện tại, khoảng 20% diện tích bị rầy nâu gây hại trong số 900ha lúa hè - thu trà sớm (giai đoạn chín) đang được thu hoạch. Còn số diện tích lúa hè - thu chính vụ (giai đoạn ngậm sữa) bị rầy nâu gây hại cũng đã được người dân dùng nhiều biện pháp để diệt trừ.
Trong thời chiến, xã Hỏa Tiến là vùng đất anh hùng. Còn trong thời bình, Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây luôn vững vàng ý chí, cùng một niềm tin và quyết tâm trong “cuộc chiến” chống đói nghèo và công cuộc xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
“Đây thực sự là thiên đường nuôi tôm trên cát” - một bậc thầy trong lĩnh vực thủy sản ở Quảng Nam đã đúc rút điều này khi tận mắt chứng kiến “cơ ngơi” của chị Nguyễn Thị Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Sao Đại Dương (Thạch Trị - Thạch Hà). Bí quyết “vẽ” nên bức tranh hoàn mĩ ấy chính là tập thể những con người đang gắn bó máu thịt với từng hồ tôm, với niềm tin tuyệt đối vào tấm lòng và bản lĩnh của nữ giám đốc này.