Nâng cao hiệu quả sản xuất cà phê cho Tây Nguyên
Trước thực trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả xảy ra liên tục nhiều năm ở vùng Tây Nguyên, sau một thời gian dài khảo sát và xây dựng mô hình thí điểm, Tập đoàn Nestlé đã phối hợp Cơ quan Hợp tác phát triển Thụy Sĩ (SDC) và Viện Quản lý nước quốc tế (IWMI) cùng một số đơn vị khác triển khai Dự án Sử dụng nước tưới hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành sản xuất cà-phê tại Việt Nam.
Dự án có tổng kinh phí 2 triệu euro (do tập đoàn Nestlé và SDC tài trợ), mục tiêu nhằm hỗ trợ quản lý nước hiệu quả cho 50.000 nông dân trồng cà phê ở năm tỉnh Tây Nguyên (Đắc Lắc, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng), góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước do thiên tai, biến đổi khí hậu và kỹ thuật canh tác, tưới tiêu kém hiệu quả.
Dự án được triển khai từ nay đến năm 2019, gồm các hoạt động: Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước cho nông dân thông qua nghiên cứu nguồn nước và nhu cầu về nước, đặc biệt xác định các điểm nóng về thiếu nước; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm về khí tượng giúp nông dân tối ưu hóa việc quản lý vườn cây; hỗ trợ đào tạo 50 nghìn nông dân theo bộ tiêu chí Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và tưới tiêu hiệu quả; đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng chính sách quản lý nước và đề xuất các giải pháp nhân rộng mô hình.
Theo kế hoạch, trong năm 2015, Dự án sẽ tập huấn cho cho 30 tập huấn viên, 2.000 nông dân và thiết lập sáu mô hình thí điểm về sản xuất cà-phê bền vững áp dụng quản lý nước tưới hợp lý cho mỗi tỉnh trong vùng Dự án.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới. Lĩnh vực này hiện đang thu hút 2,6 triệu người làm việc. Phần lớn diện tích trồng cà phê tập trung trên Tây Nguyên, nơi ngành nông nghiệp nói chung tiêu thụ đến 96% lượng nước cung cấp cho toàn khu vực.
Ước tính trung bình nông dân sử dụng khoảng hơn 60% lượng nước cần để tưới cây trong mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4. Theo các chuyên gia, nông dân trồng cà phê dùng trung bình 700 - 1.000 lít nước để bơm tưới cho cây, trong khi lượng nước cần để cho ra sản lượng cà phê tương đương chỉ từ 300 đến 400 lít.
Bên cạnh dự án nước, dự án NESCAFÉ Plan tiếp tục được triển khai tại các tỉnh Tây Nguyên góp phần thúc đẩy việc tái canh cà phê thông qua việc hỗ trợ cây giống cà phê sạch bệnh và tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê.
Áp dụng những kỹ thuật canh tác tiến bộ, nông dân Tây Nguyên không chỉ đạt được hiệu quả kinh tế cao từ cây cà phê mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn nước.
Related news

Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch phòng chống đói, rét cho đàn trâu, bò; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với các hội đoàn thể và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật và kinh nghiệm phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho trâu, bò đến tận người chăn nuôi. Thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết để người chăn nuôi chủ động hơn.

Họ đã từng háo hức làm bằng được nông sản sạch theo các quy trình GlobalGAP (chuẩn toàn cầu), VietGAP (chuẩn Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận. Sau 1 năm chứng nhận hết hạn, tính toán lại số tiền bỏ ra làm GAP cao hơn nhiều so với tiền lời, nông dân lặng lẽ rút lui.

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Gia Lai sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Nhằm góp phần bảo vệ môi trường nông thôn và nâng cao nhận thức người dân, thời gian qua một số địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều điểm thu gom rác thải, vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Tuy mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình này đã góp phần làm giảm lượng rác thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng.

Thời điểm này, bà con nông dân các thôn Thanh Thủy, Đồng Giành, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đang bước vào cuối vụ thu hoạch hoa nhài. Năm nay, thời tiết mưa nhiều, năng suất hoa nhài giảm nhưng được giá nên bà con rất phấn khởi.