Nâng cao hiệu quả khai thác cá ngừ đại dương
Quy trình chặt chẽ
Sáng sớm, cảng Hòn Rớ tấp nập tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Lê Quốc Dũng, thuyền viên trên tàu SG 93666 TS cho hay, đã hơn 10 năm gắn bó với nghề khai thác cá ngừ đại dương nhưng chưa bao giờ anh thấy chuyến biển ngắn và hiệu quả cao như chuyến này. “Tàu chúng tôi vươn khơi trong 9 ngày và chỉ câu trong 6 ngày đã được 25 con cá ngừ đại dương với trọng lượng trung bình khoảng 50kg/con. Cá được khai thác, bảo quản theo công nghệ hiện đại nên chất lượng cao hơn hẳn so với cá câu đèn mà trước nay ngư dân chúng ta thường làm”, anh Dũng chia sẻ.
Những con cá ngừ đại dương tươi rói được đưa ra khỏi khoang chứa, rửa bằng nước biển sạch mang về từ ngoài khơi; dưới hầm bảo quản, những con cá ngừ khác được bọc trong những chiếc túi chuyên dụng. Chứng kiến quy trình cá được đưa lên khỏi khoang, kiểm tra chất lượng, đưa lên xe về nhà máy một cách cẩn trọng, không một vết trầy xước... chúng tôi mới phần nào hiểu được những công đoạn nghiêm ngặt trong khai thác, bảo quản cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản mà Công ty Việt Nhật và các đối tác của công ty đang triển khai thí điểm trong suốt 8 chuyến biển vừa qua.
Theo ông Vũ Hoàng Quang - đại diện Công ty Việt Nhật, sản phẩm sau khai thác được bán cho đối tác là một công ty của Nhật Bản đóng tại TP. Cam Ranh. Sản phẩm được xuất khẩu sang Nhật nên đòi hỏi chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm rất cao. Chính vì thế các công đoạn khai thác, bảo quản phải thực hiện một cách cẩn trọng, đúng quy trình. Trong 8 chuyến biển thí điểm vừa qua, mọi hoạt động trên tàu đều được giám sát bằng camera; mỗi con cá câu được đều có mã số, hồ sơ quản lý riêng như câu được vào ngày nào trong chuyến biển, là con cá thứ bao nhiêu câu được trong ngày...
Sau đó, các chuyên gia sẽ phân tích, mổ xẻ từng công đoạn để làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cá và tiếp tục có những cải tiến. “Mục tiêu của chúng tôi là phải giảm chi phí đầu vào của mỗi chuyến biển, nâng cao chất lượng, sản lượng đánh bắt để từ đó nâng cao hiệu quả khai thác. Qua các chuyến khai thác thí điểm, các mục tiêu đạt được hết sức khả quan, số nhân công tham gia khai thác chỉ 5 người, thay vì 8 người như tàu cá vỏ gỗ. Với quy trình khai thác, bảo quản của hãng Yanmar (Nhật Bản), chất lượng cá cũng rất cao nên giá bán ít nhất cũng gấp 1,5 lần so với cá ngừ câu tay của ngư dân trên tàu vỏ gỗ”, ông Quang nói.
Cần nhân rộng mô hình
Được biết, trong 3 chuyến biển gần đây, Công ty Việt Nhật cùng đối tác đã ứng dụng nhiều công nghệ khai thác hiện đại. Trong đó, đáng chú ý là việc sử dụng thông tin, hình ảnh thu được từ vệ tinh để xác định ngư trường khai thác; sau đó mới chủ động đưa tàu đến khu vực khai thác. Theo chia sẻ của các thuyền viên, trong chuyến biển vừa qua, tàu của họ xuất phát chậm hơn tàu cá của ngư dân trong vùng 5 - 6 ngày. Trong khi các tàu cá đi theo kinh nghiệm, mùa này tập trung khai thác ở vùng biển DK1 và vùng biển phía Tây Nam thì tàu SG 93666 TS lại khai thác ở vùng biển Nam Trung Bộ, cách bờ chỉ hơn 40 hải lý. “Khi tàu chúng tôi gặp luồng cá, chỉ trong 6 ngày, với 5 người trên tàu, chúng tôi đã khai thác được 25 con cá. Khi ấy, xung quanh không có tàu nào của ngư dân trong vùng. Việc dự báo ngư trường chính xác là nhờ công ty đàm phán với đối tác của Mỹ để sử dụng thông tin, hình ảnh ngư trường thu được từ vệ tinh”, anh Lê Quốc Dũng cho hay.
Cách tàu cá SG 93666 TS không xa là tàu cá vỏ gỗ của ngư dân Lê Văn Định (Bình Định) cũng vừa cập cảng sau chuyến biển dài ngày. Anh Định cho hay: “Chuyến biển này tàu tôi đi gần 20 ngày nhưng do không gặp luồng cá nên chỉ khai thác được 9 con cá ngừ đại dương. Việc bảo quản chưa tốt nên giá bán chỉ được 95.000 đồng/kg, tính ra chuyến biển này anh em chúng tôi lỗ nặng”. Đánh giá về chất lượng cá ngừ đại dương của tàu SG 93666 TS, anh Định trầm trồ: “Tàu này cũng câu tay như tàu chúng tôi nhưng nhờ công nghệ khai thác, bảo quản hiện đại nên chất lượng cá về bờ cao hơn hẳn. Với chất lượng này, giá bán phải được 150.000 đồng/kg. Tôi phải học tập kinh nghiệm, ứng dụng các công nghệ này thì mới hy vọng có những chuyến biển có lãi”.
Trao đổi về kế hoạch phát triển đội tàu khai thác cá ngừ đại dương 180 chiếc tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, ông Quang cho biết, sau khi thí điểm, công ty sẽ cùng các đối tác rút kinh nghiệm, phân tích số liệu; sau đó sẽ làm việc cụ thể với lãnh đạo các địa phương, ngân hàng và ngư dân các tỉnh để nhân rộng mô hình này. “Chúng tôi không vội vàng mà trước mắt sẽ triển khai đội tàu khoảng 10 chiếc hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Chúng tôi cam kết sẽ chuyển giao các công nghệ này cho ngư dân”, ông Quang khẳng định.
Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: Từ việc ứng dụng công nghệ khai thác, bảo quản hiện đại, qua 8 chuyến biển thí điểm từ cuối năm 2014 đến nay, mô hình của Công ty Việt Nhật và đối tác là Công ty Yanmar (Nhật Bản) đã mang lại hiệu quả cao, nhất là chi phí đầu vào thấp, dự báo ngư trường tốt, chất lượng cá ngừ đại dương sau khai thác rất cao nên giá trị tăng lên gấp 1,5 lần so với cá ngừ câu tay của ngư dân trên tàu vỏ gỗ. Tới đây, khi công ty trình bày rõ hiệu quả của các chuyến khai thác thí điểm, chúng tôi sẽ có kế hoạch khuyến khích ngư dân nhân rộng mô hình.
Có thể bạn quan tâm
Gần một năm nay, dựa vào cái nắng khá gay gắt ở vùng đất Tây Ninh này, anh Trần Văn Quân (34 tuổi, ngụ ấp 1, xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) đã cải thiện được kinh tế gia đình bằng nghề nuôi dông - một loài bò sát chỉ có ở các tỉnh miền Trung đầy cát và nắng gió.
Trước tình trạng rau quả Việt Nam xuất sang Liên minh châu Âu (EU) vi phạm các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tăng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chỉ đạo Cục Bảo vệ thực vật gửi thông báo, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu tạm dừng làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với 5 mặt hàng rau quả xuất sang EU từ nay đến hết năm 2012.
Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ khác nhau là tên của đề tài khoa học do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội nghiên cứu thành công và được Sở Khoa học công nghệ chuyển giao đến các địa phương, hợp tác xã nông nghiệp của Hà Nội, để ứng dụng vào thực tiễn.
Gia đình chị Nguyễn Thị Thao (sinh năm 1973) ở thôn Chánh Hòa, xã Nam Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã mạnh dạn đi đầu, huy động nguồn vốn gần 200 triệu đồng từ gia đình và vay ngân hàng đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi nhím và đã thành công với mô hình này
Từ những năm 2000, khi người tiêu dùng Hà Nội còn "mù mờ" với khái niệm rau an toàn (RAT), nông dân phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai đã bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất này. Nghề trồng rau đã làm giàu cho hàng trăm hộ dân.