Nâng Cao Giá Trị Sử Dụng Chỉ Dẫn Địa Lý Cà Phê Buôn Ma Thuột

Cà phê nhân chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên việc cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giá trị gia tăng cao.
Tỉnh Đăk Lăk đã có 10 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột trên tổng diện tích hơn 15.070ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 46.620 tấn cà phê nhân trở lên.
Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân cà phê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Theo Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, sản phẩm cà phê nhân chủ yếu phục vụ xuất khẩu nên việc cà phê nhân có chỉ dẫn địa lý đã mang lại giá trị kinh tế lớn, giá trị gia tăng cao… tác động tích cực đối với nền sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp cho người lao động, bảo vệ môi trường, cảnh quan, đa dạng sinh học.
Công ty TNHH Một thành viên xuất nhập khẩu 2/9 Đăk Lăk là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu các lô hàng cà phê nhân loại R1 mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đầu tiên sang thị trường Nhật Bản và được các nhà nhập khẩu, các nhà rang xay Nhật Bản thu mua với giá cao hơn so với các sản phẩm cà phê nhân cùng loại nhưng không có chỉ dẫn địa lý.
Trong thời gian qua, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã tập trung tạo ra mạng lưới liên kết giữa các nhà sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, nhà khoa học, nhà quản lý để tập huấn, hướng dẫn các hộ sản xuất cà phê theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn vùng đất đến khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để sản phẩm cà phê nhân đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, phù hợp với yêu cầu thị trường thế giới.
Đặc biệt, các đơn vị chức năng, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê đã hướng dẫn cho các hộ trong vùng dự án từ bỏ thói quen sản xuất cà phê theo kinh nghiệm truyền thống sang sản xuất cà phê theo quy trình để đạt chứng nhận UTZ Certified, 4C, Rainforest Alliance, Fairtrade…
Tỉnh Đăk Lăk cũng khuyến khích các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý gắn nhãn hiệu (logo) cà phê Buôn Ma Thuột lên bao bì, giấy tờ giao dịch để khách hàng nhận biết sản phẩm có chỉ dẫn địa lý và được hưởng các khoản tăng thêm do tạo được kênh thương mại sản phẩm mới đặc thù và quảng bá sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột có hiệu quả.
Hiện nay, tỉnh Đăk Lăk tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất cà phê mang chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đầu tư kinh phí hàng năm để xây dựng và phát triển, mở rộng vùng cà phê được cấp sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.
Tỉnh Đăk Lăk cũng đề nghị Bộ Công Thương tác động, tạo điều kiện từ Chương trình hợp tác đa biên của dự án EU-MUTRAP giai đoạn 3 để Đăk Lăk được sự hỗ trợ từ dự án nội dung bảo hộ chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột sớm vào thị trường EU…
Tỉnh Đăk Lăk hiện có trên 203.500ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 430.000 tấn cà phê nhân trở lên. Đây cũng là địa phương có nhiều diện tích, năng suất, sản lượng cà phê vối lớn nhất của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Vụ mùa năm nay, huyện Sơn Dương gieo cấy hơn 6.200 ha lúa. Ngay từ đầu vụ huyện đã tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động thực hiện làm đất đảm bảo nước tưới tiêu, cung ứng giống... đến nay hầu hết diện tích gieo cấy đang hồi xanh đẻ nhánh, phát triển tốt..

Rời làng nuôi tôm hùm Xuân Tự 1, 2, xã Vạn Hưng (Vạn Ninh, Khánh Hoà), tôi tìm đến phường Ninh Hà, thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà, vùng nuôi tôm thẻ chân trắng. Tại đây, rất dễ bắt gặp những giọt nước mắt người nuôi tôm.

Trồng dâu, nuôi tằm lâu nay vốn là nghề quen tay đối với nhiều nông dân ở Nghĩa Hành. Thế nhưng những năm gần đây, thay vì nuôi tằm kén như truyền thống, nhiều hộ đã chuyển sang nuôi tằm vôi – một hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Giờ đây con cá chình, cá bống tượng là đối tượng nuôi không còn xa lạ với nông dân Cà Mau. Nghề nuôi cá đang trên đà phát triển thịnh vượng thì trong vài tháng trở lại đây, con cá chình, cá bống tượng lại rớt giá, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Với 3 hộ ở xã Tri Hải - Ninh Hải - Ninh Thuận tham gia mô hình nuôi ốc hương thương phẩm, diện tích thả nuôi trên 1 ha, với 150 vạn con giống, trong đó Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III hỗ trợ 50 vạn con.