Nâng Cao Giá Trị Kinh Tế Cho Cây Tỏi Lý Sơn
Trước tình trạng thương hiệu của cây tỏi Lý Sơn đang bị một số đối tượng lợi dụng để trục lợi, mới đây UBND huyện Lý Sơn đã thông qua đề án phát triển cây tỏi và tiến hành mở gian hàng tỏi tại chợ trung tâm huyện.
Đây được xem là bước chạy đà để nâng cao giá trị kinh tế cho cây tỏi Lý Sơn, giúp người nông dân an tâm gắn bó với cây tỏi…
Nâng chất thương hiệu tỏi
Từ những năm 1960, cây tỏi Lý Sơn đã tạo ấn tượng tốt đối với người tiêu dùng. Ông Phạm Thoại Tuyền, một lão nông có nhiều năm kinh nghiệm trồng tỏi cho biết, thời đó người dân đảo chỉ cần chuyển vài tạ tỏi khô vào đất liền tiêu thụ là rủng rỉnh trong túi cả lượng vàng. Kể từ dạo ấy Lý Sơn đã trở thành “vương quốc tỏi”.
Đặc biệt là vào năm 2009, tỏi Lý Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) công nhận thương hiệu quốc gia. Từ đây, giá tỏi bắt đầu tăng cao, người dân vui mừng khôn xiết. Năm 2010, giá tỏi bán tại đảo từ 70.000-80.000 đồng/kg.
Nhận thấy giá tỏi Lý Sơn cao hơn nhiều so với tỏi các địa phương khác trong nước sản xuất, những năm gần đây một vài tư thương tự ý mang tỏi từ nơi khác (trong đó có tỏi huyện Ninh Hiển, tỉnh Khánh Hòa) về đảo trà trộn với tỏi Lý Sơn để bán cho du khách và chuyển ngược lại vào đất liền tiêu thụ với cái mác tỏi Lý Sơn. Với cách làm ăn gian dối đó đã đẩy giá tỏi Lý Sơn xuống 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi đó chi phí cho việc sản xuất tỏi mỗi năm một tăng cao, làm cho cuộc sống người trồng tỏi trên đảo Lý Sơn trở nên khó khăn hơn.
Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Lý Sơn và Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai thực hiện việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất hành, tỏi ở Lý Sơn theo hướng bền vững với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Đây là giải pháp căn bản để nâng cao năng suất, chất lượng hành, tỏi Lý Sơn, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng, giảm chi phí sản xuất, giảm tiêu hao tài nguyên.
Xây dựng gian hàng tỏi để chống tỏi “dỏm”
Ngoài việc tăng năng suất, chất lượng cho cây tỏi, UBND huyện Lý Sơn cũng thường xuyên phối hợp cùng Sở Công thương và Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc lưu thông tỏi từ các địa phương khác nhập vào tỉnh. Đồng thời, tuyên truyền trong nhân dân và chủ các phương tiện cam kết không vì mục đích lợi nhuận cá nhân mà trà trộn, vận chuyển tỏi từ địa phương khác về Lý Sơn để bán làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 9, HĐND huyện Lý Sơn cũng đã thông qua Nghị quyết về đề xuất xây dựng gian hàng tỏi Lý Sơn tại chợ trung tâm huyện để giúp người dân và du khách phân biệt được với các loại tỏi có xuất xứ từ các địa phương khác để mua đúng tỏi Lý Sơn và đúng giá. Đồng thời, chống được tình trạng giả nhãn hiệu tỏi Lý Sơn.
Anh Nguyễn Văn Thọ, xã An Hải, một nông dân trồng tỏi cho biết, nếu thành lập được gian hàng tại chợ trung tâm huyện thì sẽ mang lại nhiều cái hay và có lợi cho người trồng tỏi cũng như du khách. Gian hàng sẽ tạo được niềm tin và du khách sẽ được “phổ cập” kiến thức nhận biết tỏi Lý Sơn để tránh bị lừa mua nhầm tỏi “dỏm” ngay trên đất tỏi. "Tôi hy vọng gian hàng sẽ sớm đi vào hoạt động và giá tỏi được nâng lên như thời hoàng kim để người dân trồng tỏi chúng tôi có thu nhập cao hơn từ cây tỏi”, anh Thọ mong muốn.
Ông Trần Ngọc Nguyên-Chủ tịch UBND huyện cho hay, việc thương hiệu tỏi Lý Sơn bị “nhái” là một thực tế có thật và việc UBND huyện phối hợp cùng các cấp, ngành chống giả thương hiệu, nhãn hiệu tỏi Lý Sơn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực.
“Để chấm dứt tình trạng trên, hiện UBND huyện đã phê duyệt phương án vận động người dân và các chủ phương tiện tàu chở hàng hóa, tàu khách, tàu cá và tàu chở xăng dầu ký cam kết không vận chuyển hàng hóa là tỏi từ đất liền ra đảo, cũng như tố cáo lên các cấp, ngành khi phát hiện có trường hợp cố tình vận chuyển tỏi lên đảo giả tỏi Lý Sơn, để các cơ quan chức năng kịp thời nắm tình hình và có biện pháp xử lý”, ông Nguyên nói.
Ngoài ra, ông Nguyên cũng cho rằng, Hội sản xuất, kinh doanh và chế biến hành, tỏi Lý Sơn cần tăng cường kiểm soát việc kinh doanh của các hội viên, quản lý chặt chẽ việc chấp hành ghi nhãn mác, bao bì, chất lượng sản phẩm, xử lý nghiêm đối với trường hợp các hội viên cố tình vận chuyển tỏi nơi khác về trà trộn với tỏi Lý Sơn đưa vào bao bì, nhãn mác tung ra thị trường tiêu thụ, thu lợi bất chính thì may ra tỏi Lý Sơn mới giữ được thương hiệu và người dân trồng tỏi mới giàu lên được.
Có thể bạn quan tâm
Bằng đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Chung Thị Mỹ Phương (25 tuổi, ngụ xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) khởi nghiệp bằng mô hình nuôi lươn không bùn
Với trên 100 ha nuôi trùn quế, anh Nguyễn Công Vinh (36 tuổi, H.Châu Thành, Tiền Giang) có doanh thu hơn 3 tỉ đồng/tháng.
Sau gần 3 năm áp dụng thành công mô hình nuôi dúi, anh Nguyễn Văn Tàu (27 tuổi, ngụ TT.Trần Đề, H.Trần Đề, Sóc Trăng) có lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng.
Mạnh dạn áp dụng và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng trong bể bạt, ông Nguyễn Văn Biên (TP.Cần Thơ) thu lãi gần 100 triệu đồng mỗi năm.
Sau 7 năm tích lũy kinh nghiệm, cặp vợ chồng trẻ ở huyện biên giới Hương Sơn (Hà Tĩnh) bình quân mỗi năm thu trên dưới 300 triệu đồng từ nghề nuôi dúi.