Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Gà Ri Đạt Hiệu Quả Cao Và Không Ô Nhiễm Môi Trường

Mô Hình Nuôi Gà Ri Đạt Hiệu Quả Cao Và Không Ô Nhiễm Môi Trường
Ngày đăng: 21/09/2013

Đó là mô hình nuôi gà ri trên nền “Đệm lót sinh thái” của chị Đoàn Thị Kim Uyên, ở ấp Phú Lợi B (Phú Kiết, Chợ Gạo - Tiền Giang) đã áp dụng có hiệu quả kinh tế cao trong những năm qua, đặc biệt tránh được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường chung quanh, điều mà từ lâu nay hộ chăn nuôi nào cũng mong muốn.

Theo anh Trần Văn Hòa, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn Chợ Gạo luôn là thế mạnh trong phát triển kinh tế gia đình ở vùng này, đàn gia cầm hiện nay khoảng 1,8 triệu con, chủ yếu gà công nghiệp, vịt và gà tàu thả vườn...

Thế nhưng vấn đề xử lý về môi trường vẫn là chuyện rất khó khăn và phức tạp, đặc biệt là ở các trang trại chăn nuôi và hộ chăn nuôi gần khu dân cư. Gia đình chị Kim Uyên là một trong những hộ tiên phong của huyện mạnh dạn sử dụng “Đệm lót sinh thái” (đệm lót sinh học) trong chăn nuôi gà, khử được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường; đồng thời cho thu nhập cao.

Đến trại nuôi gà ri của chị Kim Uyên ở khu vực chung quanh nhà, diện tích khoảng 4.000m2 với đàn gà ri hiện nay trên 5.000 con trong 4 dãy chuồng lồng, chưa kể đàn gà con giống 2.000 con đang ương. Ở đây chị Kim Uyên nuôi gà ri theo quy trình khép kín vừa đáp ứng nhu cầu gà giống cho các hộ chăn nuôi, vừa xuất gà thịt ra thị trường, nhất là ở TP. Hồ Chí Minh. Do vậy, khách hàng đến đây mua từ trứng gà thương phẩm, gà con giống đến gà thịt thương phẩm… trại gà của gia đình chị đều đáp ứng cả.

Chị Kim Uyên cho biết, sau nhiều năm với nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại gia đình, nhiều lúc cũng khó khăn, vất vả do dịch bệnh và giá cả thị trường thường xuyên biến động ảnh hưởng đến người chăn nuôi, nhưng gia đình chị vẫn kiên trì bám trụ với nghề chăn nuôi, từng bước khắc phục để vượt qua.

Bởi lẽ, vùng đất ở đây trồng cây ăn trái hàng năm cho thu nhập không được bao nhiêu, hơn nữa đất đai của gia đình lại ít cho nên gia đình chị quyết chí với nghề đã chọn và tìm hiểu trên sách vở, trên các phương tiện thông tin đại chúng về những ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi để áp dụng cho gia đình.

Cuối cùng, chị quyết định nuôi gà ri, sử dụng “Đệm lót sinh thái” với chế phẩm Balasa- NO1 rải trên nền mụn cưa dày 1,5 tấc, thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất và ngành Khuyến nông huyện. Kết quả thực tế trong những năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, khử được mùi hôi thối và không ô nhiễm môi trường, đàn gà luôn phát triển tốt.

Kinh nghiệm thực tế ở trại nuôi gà ri của chị Uyên cho thấy, với phương pháp này, phân gà bị phân hủy hết nên mùi hôi thối, khí độc trong chuồng cũng không còn, từ đó cải thiện được môi trường sống cho vật nuôi và người lao động, tạo cơ hội phát triển chăn nuôi cho những hộ ở khu dân cư.

Vấn đề quan trọng là không phải thay đổi đệm lót trong suốt quá trình chăn nuôi, do đó giảm tối đa nhân công dọn chuồng và vật liệu làm đệm lót; giảm tối đa tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy; tăng cường chất lượng đàn gà và chất lượng sản phẩm.

Úm gà trên nền đệm lót sẽ cho gà khỏe mạnh, đồng đều, ít bệnh và tăng trưởng tốt. Gà nuôi trên nền đệm lót không bị thối bàn chân, không bị què chân, lông tơi mượt và sạch, thịt chắc, giảm tồn dư kháng sinh. Do vốn đầu tư giảm nhiều so với cách nuôi trước đây nên người chăn nuôi có lãi nhiều.

Theo tính toán ở trại chăn nuôi của chị Kim Uyên, đàn gà ri đang phát triển, sau khi trừ tất cả chi phí, bình quân 1.000 con lãi khoảng 300.000 đồng/ngày. Điều chúng tôi rất tâm đắc, với đàn gà trên 5.000 con, nhưng chỉ một mình chị đảm đang chăm sóc, cho ăn uống… cho đến thu hoạch và xuất ra thị trường.

Được biết, chồng chị là cán bộ nhà nước, hàng ngày phải đi làm, đứa con gái duy nhất cũng đang học đại học năm thứ 2, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.


Có thể bạn quan tâm

Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Phù Hợp Với Xu Hướng Hiện Nay Nhân Rộng Mô Hình Sản Xuất Rau An Toàn Phù Hợp Với Xu Hướng Hiện Nay

Được biết, trong thời gian trở lại đây, sản xuất rau an toàn (RAT) không chỉ tạo ra sản phẩm sạch, tạo uy tín cho người tiêu dùng mà góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Thực tiễn thành công của một số mô hình sản xuất RAT đã cho thấy việc nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình này là cần thiết.

12/02/2014
Trồng Khổ Qua Đón Tết Trồng Khổ Qua Đón Tết

Khổ qua là một loại rau xanh có thể tác dụng trị bệnh, lại chế biến được khá nhiều món ăn ngon. Theo y học cổ truyền, trái khổ qua có vị đắng-ngọt, tính bình; ăn khổ qua dễ tiêu hóa, có tác dụng tốt đối với người bị bệnh tiểu đường.

12/02/2014
Xây Dựng Thương Hiệu “Gạo Sạch Cát Tiên” Xây Dựng Thương Hiệu “Gạo Sạch Cát Tiên”

Nói đến nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, người ta thường nghĩ đến cà phê, trà, dâu tằm… Thế nhưng, “Lúa gạo Cát Tiên” là sản phẩm nông nghiệp thứ năm của tỉnh Lâm Đồng được cấp giấy chứng nhận thương hiệu.

12/02/2014
Khai Hội Tịch Điền, Tôn Vinh Nghề Nông Khai Hội Tịch Điền, Tôn Vinh Nghề Nông

Lễ hội Tịch điền vào mỗi mùa xuân dưới chân núi Đọi (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) có ý nghĩa nhắc chúng ta nhìn nhận đầy đủ hơn đến sự phát triển nông nghiệp bền vững của nông nghiệp trong thời đại ngày nay.

12/02/2014
Lúa Được Mùa, Trúng Giá, Nông Dân Phấn Khởi Lúa Được Mùa, Trúng Giá, Nông Dân Phấn Khởi

Ngày 6/2, nhiều nông dân tỉnh Sóc Trăng ra đồng thu hoạch lúa Đông xuân chính vụ. Nhờ thời tiết thuận lợi, lúa cho năng suất cao và bán được giá nên nông dân rất phấn khởi.

12/02/2014