Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nan Giải Khống Chế Dịch Bệnh Tôm

Nan Giải Khống Chế Dịch Bệnh Tôm
Ngày đăng: 11/09/2014

Con tôm là một trong những đối tượng nuôi chủ lực của ngành thủy sản, với diện tích và sản lượng lớn nhất. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, dịch bệnh trên tôm đã khiến nhiều người nuôi điêu đứng. Nguyên nhân đã được công bố, nhưng khả năng khống chế đến đâu lại vẫn bỏ ngỏ.

Mờ mịt nguyên nhân

Tại hội nghị sơ kết nuôi tôm nước lợ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm do Tổng cục Thủy sản tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng ngân sách cho công tác phòng chống dịch bệnh trong ngành thủy sản quá ít là một nguyên nhân chính khiến việc khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn.

Tỉnh Sóc Trăng là địa phương trọng điểm nuôi tôm cả nước, với hơn 50.000 ha, nhưng kinh phí chỉ được gần 280 triệu đồng; 42 tỉnh, thành phố không có kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản; 8 tỉnh, thành phố có kế hoạch phòng chống dịch bệnh nhưng không được bố trí kinh phí.

Tuy nhiên, một số lại khẳng định, ngân sách hạn hẹp chỉ là một phần, bởi dịch bệnh bùng phát mạnh còn do thời tiết, sự thành khẩn và hợp tác của các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cùng người nuôi.

Nhưng nhiều ý kiến đồng tình nhất vẫn là tại… thời tiết. Theo nhận định chung, những tháng đầu năm 2014, thời tiết biến động và không thuận lợi, đầu năm nắng nóng bất thường ở các tỉnh ĐBSCL, do đó dịch bệnh tôm xảy ra và bùng phát ở nhiều vùng. Chủ yếu vẫn là các bệnh đốm trắng, đầu vàng, hoại tử gan tụy, đốm đen, đỏ thân...

Lòng vòng trách nhiệm

Dù đã được cảnh báo và tăng cường kiểm soát nhưng dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập. Trách nhiệm này phải quy vào đâu?

Trước tiên tại người nuôi? Tổng cục Thủy sản cho rằng hầu hết các tỉnh đều có quy hoạch nuôi trồng thủy sản nhưng thực tế nhiều nơi người dân đã tự ý chuyển đổi diện tích nông nghiệp sang nuôi trồng thủy sản, do đầu tư chưa thỏa đáng về hạ tầng (điện, hệ thống cấp thoát nước) nên thường gây ô nhiễm môi trường. Mặt khác, việc tuân thủ kỹ thuật trong nuôi và ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân còn hạn chế… đã và đang làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Nhưng một nhận định chung được nhiều người đồng tình, đó là do quy trình công nghệ nuôi tôm mỗi vùng một kiểu. Cùng đó, việc các sản phẩm chế phẩm sinh học, xử lý cải tạo môi trường được sử dụng tràn lan; thức ăn, giống kém chất lượng chưa được loại bỏ khiến dịch bệnh không thể kiểm soát mà còn bùng phát nhanh hơn. Chưa kể, không mấy người nuôi chủ động đưa tôm giống đi xét nghiệm trước khi thả nuôi…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu cơ quan quản lý nhà nước mạnh tay hơn nữa thì mọi chuyện sẽ khác. Trước tiên, về vấn đề con giống, yếu tố quan trọng là phải làm tốt khâu kiểm dịch, nhưng việc này hiện nay còn nhiều bất cập.

Lực lượng chuyên ngành chưa “phủ” tới từng địa phương đồng nghĩa với khả năng con giống chưa kiểm dịch đã bán ra thị trường rất lớn. Mặt khác, đối với giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ thì hiện nay cơ sở chỉ đăng ký kinh doanh, bởi không có quy định đăng ký chất lượng.

Giải pháp

Tại Thái Lan, khi xảy ra dịch, người ta đã xử lý rất triệt để, từ khâu khoanh vùng dịch, vệ sinh ao nuôi đến kiểm soát chất lượng tôm giống và tôm bố mẹ, nên đã hạn chế được tình trạng dịch bệnh tôm nuôi lây lan. Nhưng ở nước ta, các khâu này thực hiện còn lỏng lẻo.

Sau nhiều cuộc hội thảo, nhiều ý kiến đồng tình rằng phải có sự phối hợp và gắn kết chặt chẽ giữa các “nhà”, nhưng trước tiên các cấp ngành chức năng phải mạnh tay hơn nữa. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý vật tư đầu vào như thuốc, hóa chất, sản phẩm sinh học, nhất là với các sản phẩm lâu nay vẫn sử dụng.

Bởi theo ý kiến đại biểu đến từ tỉnh Ninh Thuận trong hội thảo sơ kết tôm vừa qua thì lâu nay việc tiêu độc khử trùng thường dùng Chlorine, nhưng đây là phương án lợi bất cập hại, vì sát khuẩn nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường vùng nuôi, làm trơ nền đất và độc với thủy sản.

Còn theo Cục Thú y, cùng với việc kiểm dịch con giống, cần có chương trình quản lý và giám sát dịch bệnh từng vùng nuôi, nhằm kịp thời phát hiện dịch bệnh, nhất là việc cảnh báo người nuôi về xu hướng bệnh có thể phát sinh ở từng thời điểm để phát hiện và phòng trị sớm nhất. Hơn nữa, phải có chế tài xử lý thật nghiêm minh với những trường hợp người nuôi “phá” luật.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn, cho rằng cốt yếu là kiểm soát chất lượng đầu vào như con giống, các sản phẩm sử dụng trong quá trình nuôi. Người nuôi cũng cần thay đổi thói quen nuôi trồng, tuyệt đối không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời dành diện tích nuôi nhất định để xử lý nguồn nước...


Có thể bạn quan tâm

Giống Ngô GS8 Lãi Gần 30 Triệu/ha Giống Ngô GS8 Lãi Gần 30 Triệu/ha

Vụ xuân 2012, Cty CP Đại Thành (Bắc Ninh) trồng khảo nghiệm giống ngô GS8 tại một số địa phương thuộc tỉnh Nghệ An. Kết quả cho thấy ngô GS8 năng suất, chất lượng cao hơn so với các giống ngô khác.

23/04/2012
Cả Làng Làm Trang Trại Cả Làng Làm Trang Trại

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phấn đấu đến hết năm 2011, Bình Dương, một trong sáu xã được chọn thí điểm, sẽ đạt các tiêu chí công nhận nông thôn mới. Trong thành công chung này, Hội Làm vườn (HLV) đã có những đóng góp quan trọng

15/08/2011
Người Phụ Nữ Mông Vươn Lên Làm Giàu Người Phụ Nữ Mông Vươn Lên Làm Giàu

Nhắc đến chị Vàng Thị Cở có lẽ không ai ở xã Bản Phố không biết đến. Cách đây hơn chục năm về trước, người nghèo nhất bản là chị, và nay người ta biết đến chị với tinh thần vượt khó, chiến đấu với cái nghèo để giành lấy cuộc sống ấm no cho gia đình mình bằng bàn tay, khối óc và sự chân chính của một người nông dân tiêu biểu

03/12/2011
Trồng Lan Ý Trồng Lan Ý

Lan ý dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, nhanh cho thu hoạch, đầu tư thấp, giá bán bình dân, dễ tiêu thụ.

25/04/2012
Nuôi Cá Tra Cần Tính Toán Kỹ Nuôi Cá Tra Cần Tính Toán Kỹ

Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã đưa ra mức giá sàn đối với cá tra nguyên liệu là 26.000 đồng/kg (loại cá 800g/con) và 24.000 đồng/kg (đối với cá quá lứa) nhưng các doanh nghiệp (DN) chỉ thu mua cầm chừng với giá thấp, khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn

17/08/2011