Vua Ngao Sơn Hải
Từ hai bàn tay trắng, với quyết tâm và bản lĩnh, anh Thái Bá Khang ở xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã thành công với mô hình nuôi ngao Bến Tre trên bãi biển quê nhà, thu nhập mỗi năm hơn chục tỷ đồng.
Người dân xứ Quỳnh thường nhắc đến anh với cái tên đầy mến phục là “vua ngao Sơn Hải”.
Gần 20 năm ngụp lặn trong sóng biển nhưng đói nghèo vẫn luôn đeo đẳng, trong đầu Khang lúc nào cũng suy nghĩ làm cách gì để thoát nghèo. Xem ti vi thấy mô hình nuôi ngao trên bãi biển cho thu nhập cao, Khang quyết tâm theo học.
“Đã ngồi lên lưng hổ phải phi”
Năm 2001, anh tham gia đấu thầu 3ha vùng bãi bồi hoang hóa ven biển Sơn Hải và bắt tay vào cải tạo để nuôi ngao. Anh kể, ngày đó tiền không có một xu, anh phải vay mượn ngân hàng hơn 200 triệu đồng rồi thuê người đóng cọc, giăng lưới, ngăn bờ bằng bao cát rồi mua 12 tấn ngao giống ở Bến Tre về thả nuôi.
Nhưng tai hại thay, khi chuẩn bị thả xuống bãi biển thì thấy ngao giống chết mất hơn 80%. Khang bàng hoàng không tin đó là sự thực, anh ngồi lỳ trên cát, tay nắm lấy xác ngao thờ thẫn như người mất hồn, chẳng thiết gì ăn uống. Anh vò đầu mãi vẫn không tìm ra nguyên nhân, cuối cùng anh phải mời kỹ sư về trợ giúp.
Khi đó, anh mới vỡ lẽ ngao giống đưa về bảo quản không đúng quy trình kỹ thuật nên bị “bảo ôn” mà chết. “Tất cả mọi hy vọng của tôi đều đặt hết vào số ngao giống đó. Ngao chết, tôi bỗng chốc trắng tay nên hụt hẫng, hoang mang, buồn chán lắm. Nhưng tôi nghĩ, không được phép gục ngã, đã ngồi lên lưng hổ là phải phi thôi”- Khang tâm sự.
Nghĩ vậy anh mua tiếp đợt ngao giống mới. Đợt này không còn ai hỗ trợ, chỉ còn người vợ kề cận hiểu nỗi lòng chồng. Chị luôn động viên khích lệ chồng, chạy ngược chạy xuôi để nhờ vay tiền, rồi bán đất, bán nhà để có vốn mua ngao. Lần này, anh thuê chuyên gia kèm đưa ngao giống về. Do được bảo vệ trong các thiết bị đảm bảo nhiệt độ quy định nên tỷ lệ ngao sống đạt trên 90%. Và giống ngao du nhập từ Bến Tre này đã phát triển tốt trên bờ biển Sơn Hải.
Trở thành vua ngao
Vụ thu hoạch đầu tiên, Khang lãi hơn 1 tỷ đồng. Tự tin, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích ở các bãi bồi xã Sơn Hải và xã Quỳnh Thọ lên đến 30ha để nuôi ngao thương phẩm. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên bãi ngao phát triển ổn định, đạt năng suất bình quân 30 tấn/ha.
Giá ngao thương phẩm có năm tới 24.000 đồng/kg. Riêng năm 2013, doanh thu từ ngao của anh đạt trên 12 tỷ đồng. Anh Khang phấn khởi cho hay: “Không chỉ bán trong nước, ngao Sơn Hải còn xuất khẩu ra nước ngoài. Thị trường ngao chủ yếu là các nước châu Âu và Trung Quốc”.
Riêng năm 2013, doanh thu từ ngao của anh Khang trên 12 tỷ đồng. “Vương quốc” ngao của anh tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động và trên 100 lao động thời vụ.
Chia sẻ về bí quyết nuôi ngao thương phẩm thành công, anh Khang cho biết: Nuôi ngao phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống cần phải vệ sinh bãi; chọn giống ngao có địa chỉ tin cậy; bãi thả ngao bằng phẳng, có nền đất cát hoặc cát pha bùn, thuỷ triều lên xuống thường xuyên, chọn bãi triều cao, sóng gió êm; tránh thả ngao vào những tháng mưa như tháng 9-10.
Anh khuyến cáo: “Ngao rất mẫn cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ, nguồn nước bị ô nhiễm. Khi gặp điều kiện bất lợi, ngao có thể trồi lên mặt đáy và di chuyển đi nơi khác. Vì vậy, cần theo dõi và có biện pháp xử lý kịp thời...”.
Không những nuôi ngao thương phẩm hiệu quả cao, anh còn kết hợp với các chuyên gia thủy sản, sản xuất ngao giống sinh sản thành công từ chuyển giao công nghệ của Đài Loan với tổng vốn đầu tư trên 7 tỷ đồng.
“Năm 2013, tôi đã sản xuất hàng tỷ con ngao giống, cung ứng giống cho toàn bộ khu vực Bắc miền Trung. Tôi đang sưu tầm và nhân rộng giống ngao bản địa ở địa bàn tỉnh Nghệ An. Giống ngao này có ưu điểm khỏe, chất lượng, thích nghi với môi trường của vùng biển địa phương” - anh tiết lộ.
Có thể bạn quan tâm
Theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.000ha lúa Hè thu sớm đang trong giai đoạn trổ đều, một số diện tích lúa đã đỏ đuôi (chủ yếu là giống IR 50404), tập trung ở huyện Châu Thành A (1.754ha), Vị Thủy (799ha) và TP.Vị Thanh (39ha). Dự kiến, cuối tháng 5 này, bà con sẽ bắt đầu thu hoạch.
Sau cơn bão số 10 kinh hoàng hồi năm ngoái, những rừng cao su bạt ngàn của thị trấn Nông trường Việt Trung (Quảng Bình) đã bị tàn phá, cuộc sống người dân từ đó đến nay vô cùng khó khăn. Nhưng có lẽ “ông trời” không lấy đi của ai tất cả, trong những ngày cuối tháng 4 này, người nông dân nơi đây lại vui mừng, phấn khởi bởi một mùa dưa hấu được mùa, được giá.
Mặt dù giá nhãn tăng cao trở lại, nhưng trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện chỉ có khoảng 150/330ha nhãn đang cho trái, tập trung ở các xã ven quốc lộ 30, nên lượng nhãn cung cấp ra thị trường vẫn không nhiều.
Tổ hợp tác (THT) sản xuất bưởi da xanh Phú Thành (xã Quới Sơn - Châu Thành - Bến Tre) là một trong những tổ đầu tiên trong huyện được cấp chứng nhận VietGAp với 18 hộ, diện tích 8,5ha.
Hàm Hiệp được coi là “cái nôi” thanh long của huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Người dân nơi đây hàng năm không chỉ tăng về diện tích thanh long, mà còn tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm bằng chương trình VietGAP.