Nấm Ngoại Gây Hại Thị Trường
Thời gian gần đây, tại các chợ ở cả miền Bắc và miền Nam đều tràn ngập các loại nấm ăn. Chưa bao giờ người tiêu dùng được mua nấm với giá rẻ như hiện nay. Tuy nhiên, nấm ngoại đang tràn vào cạnh tranh với nấm sản xuất trong nước khiến độ an toàn khó kiểm soát hơn.
Không xuất xứ, không hạn sử dụng
Tại Hà Nội, khảo sát qua hàng loạt ngôi chợ lớn… mặt hàng nấm ăn được bày bán như rau dưới trời nắng chứ không bảo quản lạnh và nghiêm ngặt như trước kia. Mặc dù một số nấm được chứa trong túi ni lông nhưng trước đây thường có nhãn mác đầy đủ, ghi rõ nơi sản xuất, cơ sở kinh doanh…
Còn nay, các loại nấm được người tiêu dùng ưa chuộng như nấm sò, nấm mỡ… chỉ đóng bao mà không biết nguồn gốc như thế nào. Hỏi các chủ quầy, họ cũng lắc đầu nói: “Họ đưa từ đâu tới tôi không biết”. Giá rất rẻ và mỗi nơi mỗi giá, từ 11.000 đến 18.000 đồng/túi.
Điều đáng nói, theo quy định, nấm là mặt hàng nhạy cảm nên cần phải bảo quản đúng quy trình để an toàn cho người tiêu dùng. Theo đó, các cơ quan chức năng đều yêu cầu phải bảo quản nấm ở nhiệt độ từ 1 - 5oC nhưng tại chợ, các bao nấm chỉ buộc chun, đóng gói sơ sài và không ghi hạn sử dụng. Do bảo quản ở nhiệt độ thường nên có những túi nấm bốc hơi, ngả sang màu vàng, bên trong có mùi ẩm mốc.
Theo các chuyên gia về sinh học, nấm thông thường chỉ có thể bảo quản từ 5 - 7 ngày sau khi thu hoạch, tuy nhiên các loại nấm đang bán trên thị trường hiện nay dường như không ai kiểm soát về thời hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, nên tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe người tiêu dùng.
Theo PGS-TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nấm và sản phẩm sinh học, nếu bảo quản nấm không đúng cách, vi khuẩn xâm nhập sẽ khiến nấm mau hỏng, như vậy không đảm bảo về mặt an toàn thực phẩm.
Nấm nhập ngoại, thêm nỗi lo
Hiện tại Việt Nam cũng có nhiều công ty, hợp tác xã tham gia sản xuất nấm ăn quy mô lớn, song lượng cung ứng ra thị trường chỉ chiếm một phần nhỏ và chỉ là một số loại nấm phổ thông như nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ…
Trong khi các loại nấm cao cấp hơn như đùi gà, nấm kim châm, nấm thủy tiên dù điều kiện thời tiết Việt Nam cũng có thể sản xuất nhưng gần như không có đơn vị nào trồng. Phần lớn lượng nấm tiêu thụ trên thị trường hiện nay được nhập từ Trung Quốc qua nhiều con đường khác nhau, một số nhập từ Hàn Quốc.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi ngày Việt Nam phải nhập khẩu 14,8 tấn nấm cao cấp từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi đó số lượng sản phẩm này của các cơ sở trong nước chỉ từ 2-3 tấn/ngày. Đứng ở góc độ kinh tế, có thể thấy ngành nông nghiệp đã khá chậm trễ trong việc đưa ra quy hoạch phát triển ngành trồng nấm ăn và nấm dược liệu nên hiện nấm ngoại gần như chiếm lĩnh thị phần.
Vào tháng 11-2013, Bộ NN-PTNT mới có đề án phát triển trồng nấm đến năm 2020. Nhưng theo đề án này thì năm 2014, tổng lượng nấm tươi Việt Nam sản xuất ra chỉ khoảng 15.000 tấn và đến năm 2020 mới được 150.000 tấn nấm các loại, đáp ứng khoảng 20% nhu cầu thị trường. Và đề án cũng chỉ đưa vào một số loại nấm chủ lực như nấm mỡ, nấm sò, nấm mộc nhĩ…
Tuy nhiên, nếu cứ trông dựa vào nguồn nấm nhập ngoại như hiện nay thì có thể đe dọa tới sức khỏe người tiêu dùng. Bởi việc kiểm soát của các cơ quan chức năng còn bị bỏ ngỏ. Và rồi lại thêm vòng luẩn quẩn khi cứ thả nổi nhập khẩu nấm ngoại sẽ có thể làm hại những người trồng nấm trong nước.
* Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT)
"Thực tế việc kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nấm ăn lưu thông trên thị trường trong nước dường như đang bị bỏ ngỏ, gồm cả nấm nhập khẩu và nấm sản xuất trong nước."
Có thể bạn quan tâm
Ngoài 2 vụ lúa chính trong năm, 5 năm trở lại đây gia đình chị Nguyễn Thị Toàn, thôn Nghĩa Xá, xã Nghĩa Đạo, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình trồng nấm sạch.
Sử dụng phương pháp sạ hàng có nhiều ưu điểm như: giảm được lượng giống so với sạ lan khoảng 5 - 10 kg/công, sạ hàng dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, chi phí giảm, nhưng năng suất từ bằng đến cao hơn sạ lan. Ngoài ra, sạ hàng khi bị mưa dập thì tỷ lệ chết giống cũng ít hơn sạ lan.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác thủy sản trên biển hiện nay, nhất là tổn thất sau thu hoạch khá cao, từ 20-30% giá trị sản phẩm; các mô hình liên kết trong sản xuất hiện có của tỉnh do ngư dân tự nguyện hình thành nên tính liên kết thiếu bền vững.
Tại khu rẫy trồng ca cao xen chuối và dừa của gia đình ông Lê Công Hậu (thôn Xuân Phú 1, xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa), những cây ca cao còn thấp nhưng đã có trái. Gia đình ông Hậu là một trong số các hộ dân được đầu tư trồng thử nghiệm cây ca cao khi tham gia đề tài cấp tỉnh “Ứng dụng trồng cây ca cao tại Khánh Hòa (giai đoạn 1)” do Thạc sĩ Hoàng Vinh (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ) làm chủ nhiệm.
Vụ đông năm nay, nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trồng 106 ha dưa chuột bao tử xuất khẩu, tăng hơn 60 ha so với cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn dưa bao tử được trồng tập trung với diện tích từ 4 - 7 ha/vùng.