Nâm Nđir, Đồng Bào Dao Nỗ Lực Vươn Lên Làm Giàu
Theo thống kê, hiện toàn xã Nâm N’đir (Krông Nô) có 1.590 hộ dân, với trên 7.000 khẩu, trong đó người Dao chiếm hơn một nửa. Với bản chất cần cù, lại chịu khó học hỏi nên nhiều hộ gia đình sớm ổn định sản xuất, đời sống ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm.
Điển hình như gia đình chị Bàn Thị Lý ở thôn Quảng Hà, hễ cứ có lớp tập huấn, hội thảo nào do địa phương tổ chức, vợ chồng chị đều tích cực tham gia để tìm hiểu về cách trồng trọt và chăn nuôi cho năng suất cao.
Hiện nay, cùng với 1 ha cà phê và 8 sào ruộng trồng lúa, gia đình chị còn thuê thêm đất để trồng thêm các loại cây ngắn ngày khác. Nhờ đó, từ chỗ là một hộ nghèo của thôn, đến nay, gia đình chị đã có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Chị Lý tâm sự: “Ngày mới vào, gia đình tôi rất khó khăn, có khi còn không đủ ăn. Nhưng qua vài năm, khi đã biết cách trồng các loại cây cho năng suất, thu nhập cao, gia đình đã dần tích góp được để làm nhà, mua xe máy, sắm sửa đồ đạc và chăm lo cho hai con được ăn học đầy đủ. Vợ chồng tôi dự định sẽ mua thêm các loại máy cày, máy bơm, máy xay xát để phục vụ sản xuất ngày càng tốt hơn”.
Còn ông Đặng Văn Đông cũng ở thôn Quảng Hà đã đến tận các hộ dân trồng khoai lang ở Tuy Đức để tìm hiểu cách chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch rồi mang giống khoai về trồng. Từ chỗ trồng thử thấy hiệu quả, dần dần ông mở rộng diện tích và giới thiệu, chỉ dẫn cho các hộ dân khác trong thôn cùng trồng theo. Nhờ đó, đến nay, cây khoai lang đã được xem là cây ngắn ngày chủ yếu ở địa phương.
Ông Đông tâm sự: “Đất đai ở đây tương đối màu mỡ nên rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vì diện tích đất có hạn nên tôi và bà con luôn tìm các loại cây phù hợp, cho năng suất cao nhất theo từng mùa vụ để trồng. Bằng việc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện tại, với 2 ha khoai lang, 1ha lúa nước hai vụ và một ít diện tích cây trồng khác, mỗi năm, gia đình có thu nhập khoảng 300 triệu đồng”.
Theo ông Nguyễn Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir thì nhiều năm trước đây, đời sống của hầu hết các hộ dân, nhất là đồng bào Dao gặp rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, hiện nay, các hộ đồng bào Dao có “của ăn của để”, vươn lên làm giàu như các gia đình nói trên ngày càng nhiều, tạo động lực cho nhiều hộ khác noi theo để vững tin trên con đường phát triển kinh tế.
Để giúp bà con từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, địa phương đã tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để giới thiệu về các loại giống cây trồng, vật nuôi mới, kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả. Hệ thống kênh mương được chú trọng đầu tư xây dựng và sửa chữa thường xuyên, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nước tưới.
Các vùng đất hoang dần được cải tạo, giúp bà con mở rộng thêm diện tích sản xuất. Hàng năm, các tổ chức đoàn thể cũng thường đứng ra tín chấp với ngân hàng để giúp bà con được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, đầu tư cho sản xuất.
Nhờ đó, hiện nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 25 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 9,9%; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo trong người Dao đã giảm xuống chỉ còn 5,3%. Đời sống kinh tế dần được cải thiện, nên người dân luôn tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai có làng thanh niên lập nghiệp gồm 100 hộ sinh sống với diện tích đất nông nghiệp gần 550 ha
Dễ trồng, đầu tư thấp, hiệu quả kinh tế rất cao. Đó là đánh giá về hiệu quả trồng cây măng tây xanh của người dân phường Văn Hải, TP Phan Rang- Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Quốc đảo Philippines từ lâu đã nổi tiếng là nơi cung cấp dừa và các sản phẩm từ dừa lớn nhất thế giới. Một phần ba dân số của Philippines sống phụ thuộc vào ngành công nghiệp dừa. Nhóm phóng viên VTC16 đã đến tìm hiểu về ngành công nghiệp đã đem lại kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la Mỹ mỗi năm cho đất nước này.
Điểm khác nhau giữa mô hình 3 giảm, 3 tăng với các ruộng sản xuất đại trà là: sử dụng giống nguyên chủng PC6 (lúa chất lượng cao) với lượng giống 50 - 60 kg/ha, kết hợp công cụ sạ hàng để giảm lượng giống gieo sạ, điều tiết mật độ cây thích hợp và giảm công lao động, sử dụng phân bón vi sinh để thay thế 50% lượng phân đạm và lân, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho lúa trong thời gian 40 ngày sau sạ
Từ bỏ công việc buôn bán, Học đăng ký thầu 5ha đất trũng thuộc khu Đầm Sung với thời gian 10 năm để thực hiện kế hoạch làm giàu.