Xã Trung Thành, Tín Hiệu Tích Cực Từ Mô Hình Nhân Giống Lạc L14

Đến xã Trung Thành (Vị Xuyên) những ngày này, trên hầu khắp các cánh đồng, màu xanh của lạc Xuân xen những ruộng ngô trở thành hình ảnh đầy ấn tượng. Vụ Xuân năm nay, toàn xã thực hiện gieo cấy 93 ha lúa, 140 ha ngô, 62,3 ha rau, đậu các loại nhưng có đến 227 ha lạc.
Điều đó cho thấy, lạc trở thành cây trồng chính trong vụ Xuân, được người dân trên địa bàn xã đặt niềm tin thắng lợi vào vụ thu hoạch. Kết quả trên được nhân lên từ một tiền đề vững chắc, đó là sự thành công của mô hình: Sản xuất, nhân giống lạc L14 tại xã Trung Thành – vụ Xuân năm 2013 của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên.
Từ những năm 1970 đến nay, cây lạc đã dần khẳng định vị trí quan trọng của mình so với một số cây trồng chính trong vụ Xuân như: Lúa, ngô, rau, đậu trên hầu khắp các cánh đồng của xã Trung Thành.
Với cơ cấu giống chủ yếu là lạc đỏ địa phương và “manh nha” giống lạc L14 cách đây một vài năm, cây lạc tỏ rõ sự thích nghi đặc biệt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giúp nhiều gia đình tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng và phát triển, giống lạc đỏ thường mắc bệnh thối rễ, làm giảm năng suất cây trồng, khiến nhiều nông hộ thất thu. Trước thực tế trên, giống lạc L14 từ mô hình: Sản xuất, nhân giống lạc của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên đã “xuống đồng” thay cho giống lạc đỏ, vụ Xuân – khi nhiều diện tích không đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới tiêu để trồng lúa vụ 2.
Đến thôn Đồng, màu xanh ngút mắt của những cánh đồng lạc trở thành niềm hy vọng được mùa cho bao nông hộ. Nếu năm 2013, cả thôn chỉ có 4,5 ha lạc thì nay đã tăng 6,5 ha, nâng tổng diện tích lạc của cả thôn lên 11 ha (trong đó, lạc L14 chiếm 9 ha, còn lại là giống lạc đỏ địa phương).
Anh Vương Văn Đương, cán bộ khuyến nông thôn Đồng cho biết: Những năm trước, trên nhiều diện tích lạc Xuân như hiện nay đều trồng lúa nhưng ít cho thu hoạch bởi sâu, bệnh và đặc biệt là nạn ốc bươu vàng phá hoại lúa. Hoặc những diện tích đó được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng lạc đỏ thì đây chính là thời điểm lạc bị thối rễ.
Nhưng năm nay, khi trồng giống lạc L14, chúng vẫn sinh trưởng và phát triển bình thường. Không những vậy, nếu trồng lúa trong một vụ có thể phun thuốc trừ sâu, bệnh hại từ 4-5 lượt nhưng với lạc, có thể chỉ phun 1-2 lượt để trừ bệnh nấm cho cây trồng mà công đầu tư, chăm sóc cũng ít tốn kém hơn so với lúa.
“Đặc biệt, điều khiến chúng tôi tin tưởng vào sự thành công khi chuyển đổi từ trồng lúa, trồng lạc đỏ sang trồng lạc L14 trên đất lúa là có cơ sở khi năm trước, thôn Cuôm kế bên – nơi thực hiện trồng thí điểm 10ha lạc từ mô hình Sản xuất, nhân giống lạc L14 đã mang lại những kết quả khả quan”, anh Đương nhấn mạnh.
Vì qua đánh giá của Trạm Khuyến nông Vị Xuyên cho thấy: Giống lạc L14 có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận như chịu hạn, chịu rét, chống chịu sâu, bệnh tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của huyện Vị Xuyên nói chung và địa bàn xã Trung Thành nói riêng.
Mô hình trên đã cho năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Bên cạnh đó, chỉ với chi phí đầu tư 38 triệu đồng cho 1ha, người dân đã thu lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha. Không những vậy, cùng thời điểm trên, một số hộ trồng đại trà giống lạc L14 cũng cho năng suất đạt trên 30 tạ/ha.
Trưởng trạm Khuyến nông Vị Xuyên, Cao Thị Thêm cho biết: Mục tiêu của mô hình Sản xuất, nhân giống lạc chính là vận động nhân dân sản xuất và nhân rộng giống lạc L14, thúc đẩy quá trình sản xuất lạc thành vùng hàng hoá tập trung.
Đồng thời, giúp nông dân biết áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đến nay, người dân đã nhân rộng giống lạc L14 – sau khi kết thúc mô hình để trồng đại trà và cây lạc sinh trưởng, phát triển tốt. Đây thực sự là một tín hiệu vui...
Hy vọng, màu xanh ngút mắt của lạc trên hầu khắp các cánh đồng của xã Trung Thành sẽ mang lại mùa lạc no ấm cho bao nông hộ vào vụ thu hoạch tới, để Trung Thành tiến chắc trên lộ trình xây dựng Nông thôn mới.
Có thể bạn quan tâm

Sở Nông nghiệp và PTNT đã có thông báo về việc cấm nghề giã cào Banh Lông hoạt động khai thác hải sản trên toàn vùng biển Bình Thuận.

Những ngày gần đây, giá cá tra nguyên liệu tại An Giang tăng trở lại nhưng người nuôi vẫn lỗ. Cá tra loại 1 được các công ty mua từ 20.500 – 20.800 đồng/kg (tháng 5 chỉ ở mức 19.500 đồng/kg). Ông Cao Lương Tri, người nuôi cá ở TP. Long Xuyên, cho biết, tuy giá tăng từ 1.000 – 1.300 đồng/kg nhưng người nuôi vẫn lỗ, bởi giá thành nuôi đến 22.000 đồng/kg.

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), 6 tháng đầu năm nay, sản lượng thủy sản toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 15,5 nghìn tấn, tăng gần 1,6 nghìn tấn so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Yên Dũng, Việt Yên và Lạng Giang.

Lâu nay, khi nhắc đến tình trạng trộm cắp nông sản, người ta thường nghĩ đến các loại cây trồng như cà phê, tiêu... Thời gian gần đây, kẻ gian còn lợi dụng sơ hở của bà con nông dân để hái trộm bơ, kể cả khi trái đang còn non...

Thành phố Đà Lạt vừa khởi động Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận hồng ăn trái Đà Lạt”, nhằm bảo đảm việc kiểm soát chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao giá trị kinh tế của loại trái cây đặc sản này của Việt Nam.