Nam Định Ứng Dụng Tiến Bộ Kỹ Thuật Và Cơ Giới Hóa Trong Chăn Nuôi
Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sở NN và PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương; Sở KH và CN, các đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tích cực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Thông qua chương trình khuyến nông và các đề tài, dự án khoa học công nghệ của tỉnh, đã có trên 3.000 lượt nông dân được tập huấn, tiếp cận với quy trình công nghệ mới trong chăn nuôi; hàng trăm mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật, công nghệ đang được khuyến cáo mở rộng trong sản xuất như: mô hình nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học; mô hình chăn nuôi bò lai Sind; mô hình nuôi gà thả vườn; mô hình chăn nuôi vịt, ngan cao sản; mô hình hầm bi-ô-ga trong xử lý môi trường cơ sở chăn nuôi…
Nhiều giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng được chuyển giao rộng rãi như: gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa; vịt siêu trứng, vịt Super M, ngan Pháp; giống lợn ngoại, lợn lai; bò lai Sind…
Ngành NN và PTNT cũng chuyển giao thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với lợn và bò cho người chăn nuôi; các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng theo phương thức công nghiệp, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt theo VietGAHP; quy trình cai sữa sớm cho lợn con; quy trình vỗ béo cho bò…
Một số trang trại chăn nuôi như: trang trại nuôi lợn thịt của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường), Vũ Trọng Nghĩa, xã Hải Lộc (Hải Hậu)…; trang trại nuôi gà đẻ, gà thịt của ông Trần Văn Điều, xã Đại An, ông Trần Văn Tấn, xã Hiển Khánh (Vụ Bản)… đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) vào sản xuất.
Việc đưa công nghệ chuồng kín điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi đã bảo đảm chủ động được nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngăn ngừa mầm bệnh xâm nhập. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn thịt sử dụng hệ thống máng ăn tự động cho lợn.
Ông Nguyễn Văn Dương, xã Trực Đạo (Trực Ninh) cho biết: Sử dụng máng ăn tự động giảm được công cho lợn ăn, lợn ăn theo nhu cầu, hạn chế được thức ăn rơi vãi nên chất lượng thức ăn đảm bảo tốt hơn, chuồng nuôi luôn sạch sẽ nên năng suất và hiệu quả kinh tế khá, ít xảy ra dịch bệnh. Hiện nay, hầu hết các trang trại, gia trại sử dụng thiết bị núm uống tự động cho lợn, gà uống theo nhu cầu, vừa tiết kiệm được nước, vừa tập cho vật nuôi có thói quen uống nước và vệ sinh một chỗ, đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt.
Trang trại nuôi gà đẻ trên chuồng sàn của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) sử dụng hệ thống cào phân bằng máy. Toàn bộ số gà đẻ được ông nuôi trên tầng, phân gà thải dưới sàn có hệ thống cào phân tự động đưa ra nơi thu gom, sau đó được đóng gói bán cho các hộ trồng cây cảnh đem lại hiệu quả kinh tế cao, hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Nhờ đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng cơ giới hóa ngành chăn nuôi của tỉnh từng bước phát triển từ tận dụng, nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hoá quy mô trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.
Hệ số quay vòng tăng từ 1,7 lên 2,5-3 lứa/năm đối với lợn thịt và từ 2,5 lên 4,5 lứa/năm đối với gà thịt; giảm chi phí thức ăn/kg tăng trọng từ 3-3,2kg xuống còn 2,3-2,5kg đối với lợn và từ 2,2-2,5kg xuống còn 1,9-2,1kg đối với gà; nâng khối lượng bò nuôi từ 150-180 kg/con lên 220-280 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ đạt từ 30-35% lên trên 40%...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do chăn nuôi quy mô nhỏ, phân tán trong nông hộ còn chiếm tỷ lệ cao. Đất dành cho sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn đất đang dùng cho sản xuất chăn nuôi hiện nay là đất thổ cư.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi hiện nay chủ yếu là nông dân, có thu nhập ở mức thấp. Để đầu tư xây dựng trang trại, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới tối thiểu cần khoảng 300 triệu đồng, nhưng việc vay vốn từ các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn, số hộ được vay không nhiều, số lượng vay ít, thời gian vay ngắn. Cơ sở vật chất phục vụ sản xuất chăn nuôi từ sản xuất giống đến sản xuất thức ăn còn thiếu và nhiều bất cập.
Năng lực chuyên môn, quản lý và tham mưu cho chính quyền các cấp chỉ đạo sản xuất của cán bộ kỹ thuật chuyên ngành chăn nuôi, thú y còn nhiều hạn chế, nhất là ở cấp xã. Tỉnh đã xác định mục tiêu phát triển chăn nuôi đồng bộ theo hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm công nghiệp tập trung; áp dụng công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; nâng cao hiệu quả, khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường đối với chăn nuôi nông hộ.
Để đạt được mục tiêu trên, hiện tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch cơ sở sản xuất giống, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp.
Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, CLB chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn.
Tiếp tục chỉ đạo sử dụng các giống gia súc, gia cầm có năng suất cao, chất lượng thịt tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng vào sản xuất. Khuyến khích người chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, thức ăn qua chế biến, phối trộn trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Áp dụng các quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng tiên tiến: quy trình cai sữa sớm cho lợn; quy trình vỗ béo bò; quy trình chăn nuôi an toàn, quy trình thực hành chăn nuôi tốt cho gia súc, gia cầm của Bộ NN và PTNT…
Sở NN và PTNT phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Trung ương; Sở KH và CN nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nhằm phục vụ chuyển dịch cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi. Tập trung đầu tư ứng dụng mạnh mẽ công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất, nhất là trong sản xuất giống.
Tiếp tục nghiên cứu chuyển giao công nghệ chăn nuôi phù hợp với các vùng sinh thái nhằm khai thác, phát huy các lợi thế, khắc phục những hạn chế của từng vùng; quy trình kỹ thuật về phòng, chống dịch bệnh và xử lý môi trường chăn nuôi; mô hình khu chăn nuôi tập trung; các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; mô hình chăn nuôi đảm bảo ATVSTP.
Thực hiện tốt công tác khuyến nông, gắn khuyến nông với thị trường, không chỉ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho sản xuất mà còn giúp người sản xuất phương pháp tiếp cận thị trường, kinh nghiệm quản lý sản xuất và kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, công tác quản lý hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV, thức ăn chăn nuôi) trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành quan tâm. Thị trường vật tư nông nghiệp tương đối ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân đã đi vào nền nếp.
Trái với tình hình thị trường ảm đạm hồi cuối năm ngoái, khoảng hơn một tháng nay, nhà vườn ở “vương quốc sầu riêng” của Tiền Giang, gồm các xã Long Trung, Tam Bình, Ngũ Hiệp (H.Cai Lậy)... rất vui mừng vì mùa sầu riêng nghịch vụ vừa trúng mùa, lại trúng đậm giá.
Cụ thể là các vùng nguyên liệu sản xuất giống jasmine; giống gạo trắng, chất lượng cao; giống đặc sản (như ST, nàng thơm chợ Đào... hiện chủ yếu tiêu thụ nội địa, không đủ hàng xuất khẩu); giống nếp, giống hạt tròn (nhu cầu các nước Đông Á và châu Âu rất cao) và giống chất lượng trung bình, thấp.
Với diện tích rừng tương đối lớn, Việt Nam có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG) có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều loài LSNG chưa được khai thác, bảo tồn hiệu quả, thậm chí có nguy cơ biến mất.
Tuy nhiên, sản xuất lúa, gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức như tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; thị trường cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt, đất sản xuất lúa bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và việc chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác…