Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nam Định tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi

Nam Định tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi
Ngày đăng: 12/05/2015

Để chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp, UBND tỉnh đã định hướng, khuyến khích thực hiện phương thức chăn nuôi an toàn sinh học bền vững theo quy mô trang trại, gia trại tập trung, xa khu dân cư; đối tượng con nuôi chủ lực là lợn và gia cầm. Nhờ đó chăn nuôi lợn theo quy mô trang trại, gia trại được tập trung phát triển ở các huyện Hải Hậu, Ý Yên, Xuân Trường, Giao Thủy; chăn nuôi gia cầm là thế mạnh của các huyện Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Nam Trực, Giao Thủy…

Ngoài ra, nhiều hộ chăn nuôi ở các huyện Xuân Trường, Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản còn tận dụng các khu đất hoang hóa ven sông, các tuyến đê lớn để nuôi trâu, bò. Các gia trại, trang trại thường nuôi số lượng lớn từ vài chục con đến hàng nghìn con lợn. Các trang trại, gia trại nuôi gà cũng duy trì số lượng từ 2 nghìn đến hàng chục nghìn con. Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Văn Toán, xã Xuân Thượng (Xuân Trường) nuôi 150 lợn nái, 5 lợn đực giống và trên 1.000 lợn thịt; trang trại của ông Trần Hồng Kỳ, xã Minh Tân (Vụ Bản) nuôi 25 nghìn con gà đẻ trứng; trang trại ông Trần Văn Công, xã Hải Xuân (Hải Hậu) nuôi 21 nghìn con gà; trang trại ông Trần Văn Đạt, xã Tân Khánh (Vụ Bản) nuôi 120 con lợn thịt, 3.000 con gà, vịt thịt...

Hiện nay, toàn tỉnh có 325 trang trại chăn nuôi cơ bản đạt tiêu chí theo quy định của Bộ NN và PTNT và hàng trăm trang trại tổng hợp, trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô lớn. Nhiều trang trại đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất như: công nghệ chuồng kín, máng uống tự động, máng ăn bán tự động; xử lý chất thải chăn nuôi bằng hầm khí sinh học (Biogas) và đệm lót sinh học. Cùng với việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng, các trang trại đã thực hiện đồng bộ các biện pháp chăn nuôi an toàn và quản lý tốt dịch bệnh nên hiệu quả cao hơn hẳn chăn nuôi nông hộ. Một số trang trại hợp tác, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp có vốn lớn, trình độ công nghệ hiện đại.

Từ các trang trại ban đầu, một số hộ nông dân, chủ trang trại đã nỗ lực vượt khó, nâng cao trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý, tích lũy vốn để mở rộng quy mô, nâng cấp trang trại. Trong đó có một số chủ đầu tư đã nâng cấp quy mô trang trại, phát triển thành doanh nghiệp, tạo nên những mô hình tiêu biểu để các hộ chăn nuôi học tập kinh nghiệm. Điển hình như ông Nguyễn Văn Toán ở Xuân Thượng, Xuân Trường từ một trang trại chăn nuôi đã phát triển thành Cty TNHH Phú Lộc; ông Vũ Trọng Nghĩa ở Hải Lộc, Hải Hậu từ một trang trại nuôi gia công cho tập đoàn CP của Thái Lan sau khi tích lũy vốn, kiến thức đã phát triển thêm 3 trang trại và nay đã thành lập Cty CP Đầu tư và Thương mại Biển Đông.

Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi của tỉnh đã góp phần tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và chế biến xuất khẩu, là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của các địa phương. Nhiều tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới được áp dụng thành công và nhân rộng trong sản xuất, góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của một bộ phận nông dân; đồng thời đã hình thành một lực lượng lao động mới năng động hơn trong nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, kinh tế trang trại chăn nuôi phát triển không đồng đều giữa các địa phương.

Hiệu quả sản xuất, kinh doanh ở nhiều trang trại chưa cao. Phần lớn các chủ trang trại còn thiếu vốn trong sản xuất, kinh doanh; trình độ quản lý, trình độ chuyên môn của nhiều chủ trang trại còn hạn chế. Công tác quản lý chất thải chăn nuôi, quản lý chất lượng nông sản theo chuỗi chưa được thực hiện. Mặc dù chăn nuôi của tỉnh phát triển theo xu hướng kinh tế trang trại, gia trại, tuy nhiên tỷ lệ chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, phân tán còn cao, trong thời gian tới sự phát triển càng hạn chế do thiếu sự liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp gắn với giết mổ, chế biến tập trung, hiện nay, tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương thực hiện tốt các quy hoạch về cơ sở sản xuất giống và vùng chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp. Tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và thực hiện tốt công tác khuyến nông chăn nuôi. Chỉ đạo các hộ chăn nuôi áp dụng biện pháp chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường và VSATTP. Tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển công nghiệp chế biến…

Đặc biệt, để tạo bước đột phá trong phát triển chăn nuôi, tỉnh tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi thành lập các HTX chăn nuôi, doanh nghiệp chăn nuôi, hiệp hội chăn nuôi trang trại, CLB chăn nuôi để phổ biến kinh nghiệm, thông tin giá cả thị trường, tiến bộ kỹ thuật mới và ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò đầu tàu, định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách sản phẩm; HTX, tổ hợp tác là đầu mối đại diện của nông dân tham gia các liên kết với doanh nghiệp.

Đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, tỉnh bạn và xuất khẩu sang các nước, trong đó tập trung đầu tư sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tạo các chuỗi từ chuồng nuôi đến bàn ăn. Khuyến khích hình thức chăn nuôi gia công hoặc chăn nuôi theo hợp đồng giữa các chủ trang trại có điều kiện về vốn, tiêu thụ sản phẩm liên kết với các gia trại, trang trại nhỏ hơn. Liên kết với các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… thông qua việc xây dựng cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, các trang trại của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn giao dịch.


Có thể bạn quan tâm

Sẽ Thương Mại Hóa Cây Trồng Biến Đổi Gen Vào Cuối Năm 2015 Sẽ Thương Mại Hóa Cây Trồng Biến Đổi Gen Vào Cuối Năm 2015

Thông tin trên được ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp đưa ra tại hội thảo “Triển vọng toàn cầu cây trồng biến đổi gen năm 2014” do Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA) tổ chức vào chiều 3/2.

07/02/2015
Nigieria Có Thể Trở Thành Nước Cung Ứng Điều Thô Lớn Nhất Cho Việt Nam Nigieria Có Thể Trở Thành Nước Cung Ứng Điều Thô Lớn Nhất Cho Việt Nam

Tuy nhiên, hợp tác thương mại giữa 2 bên vẫn có một số trở ngại: hạt điều Nigieria có chất lượng còn khiêm tốn so với một số nước châu Phi khác như Ghana, Tanzania…; thanh toán giữa người mua và người bán còn khó khăn; chưa có cơ chế hợp tác để giải quyết các tranh chấp thương mại một cách công bằng và hiệu quả.

07/02/2015
3 Ngư Dân Đầu Tiên Ở Tỉnh Bình Định Ký Hợp Đồng Đóng Tàu Cá Vỏ Thép 3 Ngư Dân Đầu Tiên Ở Tỉnh Bình Định Ký Hợp Đồng Đóng Tàu Cá Vỏ Thép

Theo hợp đồng đã ký kết, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh chịu trách nhiệm đóng 3 tàu cá bằng vỏ thép cho 3 ngư dân, mỗi tàu dài 25 m, rộng 7,2m với công suất máy chính 880 CV nhãn hiệu Doosan của Hàn Quốc, tổng trị giá 14,835 tỉ đồng. Trong vòng 120 ngày, Cty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh sẽ hoàn thành và bàn giao tàu cá cho ngư dân.

07/02/2015
Công Nhân Cty Cao Su Dầu Tiếng Thu Nhập 6,5 Triệu Đồng/tháng Công Nhân Cty Cao Su Dầu Tiếng Thu Nhập 6,5 Triệu Đồng/tháng

Cty cũng đã giải quyết chế độ chính sách, chăm lo đời sống công nhân chu đáo: Nộp BHXH, BHYT, BHTN trên 147 tỷ đồng; giải quyết gần 59 tỷ đồng tiền ăn giữa ca; chi trả chế độ chính sách lao động nữ 1,65 tỷ đồng; nâng bậc lương cho 798 người; phòng hộ lao động 11,37 tỷ đồng; bồi dưỡng độc hại gần 37 tỷ đồng.

07/02/2015
Tiếp Tục Phát Huy Thế Mạnh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao Tiếp Tục Phát Huy Thế Mạnh Nông Nghiệp Công Nghệ Cao

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Lâm Đồng là tỉnh đạt khá trong xây dựng NTM. Đáng lưu ý, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh đặc biệt về NNCNC, có thể nói là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về NNCNC hiện nay.

07/02/2015