Nấm, Bọ Tấn Công Ca Cao, Dừa

Tại Bến Tre, hàng loạt vườn ca cao xen dừa đang bị nấm Phytophthora palmivora và bọ xít muỗi tấn công làm hư trái, chết cây. Nấm bệnh còn lan sang cả vườn dừa gây rụng trái non hàng loạt.
Ông Nguyễn Đức Tín, ấp Thạnh Hữu, Tam Phước, huyện Châu Thành cho biết: Nông dân trồng ca cao rất sợ nấm Phytophthora palmivora, bọ xít muỗi nhưng tránh không khỏi. Nấm Phytophthora palmivora xuất hiện mọi nơi, mọi bộ phận (lá, thân, hoa) qua mọi giai đoạn trong quá trình sinh trưởng từ vườn ươm giống cho đến khi thu hoạch trái. Bệnh phát triển mạnh vào mùa mưa, môi trường ẩm độ cao. Bệnh phát tán từ 2 nguồn chính là đất và trái bệnh.
Nấm Phytophthora palmivora nhiễm trên lá gây cháy lá, trên thân thì làm cây bị loét thân, trên quả làm trái thối. Nếu phát hiện sớm, phun thuốc sẽ trị được, còn phát hiện trễ rất khó trị, để nấm bệnh phát tán đến gốc chỉ còn cách đốn bỏ trồng cây mới. Hai năm nay nấm bệnh xuất hiện ngày càng nhiều đã làm cho cây ca cao giảm năng suất từ 10 – 30%.
Còn đối với bọ xít muỗi chúng rất ưa đọt non cây ca cao. Cây ra đọt bị bọ xít muỗi chích vào là cả đọt bị khô, năng suất giảm. Bọ xít muỗi chích hút trái còn nhỏ làm trái hư và khô như đá. Tuy nhiên, đối với con bọ xít muỗi cũng dễ trị, nhà vườn chỉ cần nuôi kiến vàng thật nhiều trong vườn ca cao là phòng được loại bọ quỷ ác này.
Ông Tín, chủ của 600 cây cao cao, cũng là người thu mua trái chín của bà con nên rất thạo việc nhà vườn có quan tâm chăm sóc vườn hay không. Ông Tín nói: Trong số 10 người trồng ca cao thì chỉ có khoảng 3 người quan tâm chăm sóc kỹ, 4 người có chăm sóc còn lại là bỏ phế. Và gần như trong số 7 mảnh vườn của hai nhóm sau là nơi nuôi dưỡng bệnh nấm và bọ xít. Trong khi, trồng ca cao muốn cây đạt năng suất và hiệu quả cao đòi hỏi nhà vườn phải đặc biệt quan tâm chăm sóc, tỉa cành tạo tán, phòng ngừa dịch bệnh liên tục.
Mảnh vườn 1 ha trồng 600 gốc ca cao của ông Tín đang hái ra tiền mỗi ngày. Ông Tín tính: Bình quân 1 cây ca cao xen trong vườn dừa mỗi năm thu 20 kg trái, như vậy tổng sản lượng thu khoảng 16 tấn trái/năm, giá bán bình quân 4.200 đồng/kg, mỗi năm sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi hơn 50 triệu đồng. Trong khi đó những mảnh vườn ít chăm sóc sản lượng giảm hẳn 1 nửa, những vườn không chăm sóc còn tệ hơn.
Vườn ca cao của ông Lương Văn Hiếu, ấp Thạnh Hữu, xã Tam Hiệp, Châu Thành là một minh chứng khi nhà vườn bỏ phế. Ông Hiếu nói: Gia đình trồng được hơn 150 gốc ca cao xen vườn dừa nhưng mấy năm nay chỉ bón phân chút đỉnh, thiếu chăm sóc nên cây cho trái lưa thưa, nấm, bọ xít làm hư trái nhiều. Mỗi lần thu hoạch trái mang đi bán chỉ khoảng 20 kg thì có đến 3 kg trái bị nấm, bọ xít làm hư.
Ông Tín dẫn tôi vào 3 mảnh vườn trồng ca cao của nông dân thì có đến 2 mảnh vườn trồng nhưng thiếu chăm sóc nên cây rất ít quả lại còn bị nấm, bọ xít muỗi hoành hành. Điều đáng cảnh báo hơn là nấm Phytophthora palmivora không chỉ tấn công ca cao mà còn tấn công sang cây dừa đang là nỗi ám ảnh lớn cho nhà vườn Bến Tre.
Chúng tôi cùng ông Tín và 2 cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông Châu Thành đi một vòng xem tình trạng nấm bệnh tấn công dừa làm trái non rụng sạch. Ông Tín nói: Người dân chưa hết ám ảnh với con bọ cánh cứng hại dừa nay lại là nấm Phytophthora palmivora hoành hành. Nấm Phytophthora palmivora rất độc, đối với dừa từ 1- 2 năm tuổi bị nấm tấn công đọt non nếu phát hiện muộn là hết cứu vãn.
Trái ca cao bị bọ xít muỗi tấn công có nhiều vết thâm đen, dị dạng, ít hạt và sẽ bị thiệt hại nặng hơn khi có sự kết hợp tấn công của nấm bệnh, vì vết chích của bọ xít muỗi là cửa ngõ tốt để nấm xâm nhập vào. Hiện nay, nông dân trồng ca cao ở Bến Tre đang rất cần ngành chức năng, nhà khoa học vào cuộc để giúp nhà vườn chủ động phòng trừ loại nấm, bọ độc hại này. |
Bến Tre hiện có trên 50.000 ha dừa và hơn 9.000 ha ca cao trồng xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái. Mô hình ca cao trồng xen dừa đang giúp nhà vườn tăng thu nhập rất cao. Ông Nguyễn Văn Lập, ấp An Phú, xã An Khánh, Châu Thành có 0,7 ha vườn dừa đã trồng xen 400 cây ca cao khẳng định: Vườn dừa trồng xen ca cao được lợi hai mặt, chăm sóc ca cao là chăm sóc dừa nên năng suất dừa tăng từ 40 lên trên 60 trái/cây/năm cộng với sản lượng ca cao 20 kg trái/cây/năm, tổng thu nhập hơn 70 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, ông Lập cũng cho hay thời gian gần đây, bệnh thối trái, loét thân, bọ xít muỗi xuất hiện trên các vườn ca cao ngày càng nhiều, nấm Phytophthora palmivora còn tấn công sang dừa làm rụng trái non đang làm nhà vườn rất lo lắng. Chưa có con số thống kê cụ thể của ngành BVTV Bến Tre nhưng theo ước tính của nhà vườn ở huyện Châu Thành thì hiện có khoảng 30% trong tổng 3.000 ha của huyện này đã nhiễm bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của nhà vườn
Có thể bạn quan tâm
Theo Ban Quản lý Dự án cánh đồng mẫu lớn (CĐML), từ năm 2011 - 2015, hơn 550ha lúa sản xuất theo CĐML ở xã Tân Long (Mang Thít - Vĩnh Long) đã đóng góp lợi nhuận cho nông dân tham gia trên 100 tỷ đồng.

Mặc dù đang trong thời điểm nước lũ từ các sông thượng nguồn đổ về nhưng hiện nhiều nông dân tỉnh Hậu Giang đã vệ sinh đồng ruộng và xuống giống lúa Đông xuân sớm năm 2015 - 2016 được hơn 5ha; trong 3 - 4 ngày tới, diện tích sẽ tăng lên khoảng 15ha.

“Tìm những giải pháp cụ thể và đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, phù hợp với điều kiện ở từng địa phương để tổ chức nhân rộng cánh đồng lớn trong những năm tới”, là nội dung chính tại buổi hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp nhân rộng cánh đồng lớn”.

Ông Hinh là người đầu tiên trong xã mạnh dạn trồng thử nghiệm 100 cây mít không hạt. Toàn bộ số cây giống, ông Hinh mua tại tỉnh Tiền Giang với giá 50.000 đồng/cây, trú tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP Lào Cai.

Khoảng tháng nay có rất nhiều công ty ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đến đặt vấn đề mua chôm chôm, số lượng khoảng 600 - 700 kg/tuần để xuất sang các thị trường Châu Âu. Tuy nhiên, do hiện tại chôm chôm hết mùa nên “HTX hẹn hợp đồng vào tháng 11 tới”.