Năm 2014 Tôm Chân Trắng Vẫn Là Đối Tượng Nuôi Chủ Lực
Với nguồn tài nguyên biển đa dạng, phong phú, từ nhiều năm nay, chế biến và xuất khẩu thủy sản đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đóng góp một phần quan trọng vào hoạt động xuất khẩu của tỉnh Khánh Hòa.
Năm 2013, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới, kim ngạch xuất khẩu tôm của Khánh Hòa đã trở thành đòn bẩy cho phát triển xuất khẩu thủy sản của tỉnh, giúp toàn ngành tăng trưởng 0,5% giá trị xuất khẩu năm qua. Đây chính là cơ hội, là tiền đề để nghề nuôi tôm chân trắng phát triển tại Khánh Hòa trong năm 2014.
Năm 2013 là một năm đáng ghi nhận đối với nghề nuôi tôm chân trắng bởi toàn bộ sản lượng nuôi trồng của Việt Namđã được xuất khẩu đi 92 thị trường. Tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3 tỉ 500 triệu USD, chiếm 50% trên tổng sản lượng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, tăng 40% so với năm 2012. Riêng Khánh Hòa, năm qua có khoảng 1.800 ha nuôi tôm chân trắng, sản lượng thu hoạch đạt hơn 29.500 tấn, trong đó 95% phục vụ cho xuất khẩu.
Điển hình trong các doanh nghiệp tham gia chế biến xuất khẩu tôm chân trắng ở Khánh Hòa có Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh. Với hơn 250 tấn tôm chân trắng thành phẩm xuất khẩu qua các thị trường quốc tế, Công ty đã được ghi nhận là một trong số các doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất tại Khánh Hòa.
Ông Đinh Văn Bình - Công ty Cổ phần Thủy sản Thông Thuận Cam Ranh chia sẻ: “Doanh số xuất khẩu của chúng tôi đạt 26 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu của chúng tôi là Đức, Nhật, Anh, Đan Mạch và các nước Châu Âu. Hiện nay xu thế chuyển hưởng từ tôm sú sang chân trắng là rất lớn”.
Căn cứ vào thị hiếu thị trường, các chuyên gia dự đoán, năm nay xuất khẩu tôm của Việt Nam sang các thị trường chính vẫn sẽ thuận lợi. Trong đó, tôm chân trắng tiếp tục đóng vai trò đòn bẩy cho phát triển xuất khẩu thủy sản và cần được tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi.
Với Khánh Hòa, diện tích nuôi tôm chân trắng năm 2014 sẽ tăng hơn 2% so với năm trước, sản lượng cũng theo đó tăng 1,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trước quy định mới của Châu Âu về sản phẩm xuất khẩu phải có nguồn gốc rõ ràng thì việc đầu tư chiều sâu trong nuôi trồng là vấn đề cần được người nuôi tôm chân trắng quan tâm.
Ông Huỳnh Kim Khánh – Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cho biết: “Từ kinh nghiệm của năm 2013, chúng tôi thấy rằng, người nuôi nên tập trung công nghệ quy hoạch lại ao của mình theo công nghệ nuôi ghép vừa đảm bảo năng suất và đảm bảo môi trường xung quanh”.
Bên cạnh đó, Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cũng khuyến cáo, tôm giống trước khi thả cần được kiểm tra, xét nghiệm các bệnh nguy hiểm trên tôm. Trước khi thả tôm, người nuôi cần theo dõi diễn biến thời tiết, không sử dụng các sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường thủy sản có chứa các chất đã bị cấm mà nên sử dụng vôi, Saponin diệt tạp, giáp xác trong quá trình cải tạo ao...
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, người dân không sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh cấm; khi phát hiện tôm có dấu hiệu không bình thường, có hiện tượng chết bất thường trong ao nuôi, phải báo ngay cho các hộ xung quanh và cơ quan chức năng biết để xử lý kịp thời...
Việc áp dụng các biện pháp an ninh sinh học và sử dụng con giống chất lượng cao sẽ làm giảm tỉ lệ dịch bệnh xảy ra ở tôm nuôi, đem lại hiệu quả cao cho người nuôi và tạo thuận lợi cho xuất khẩu đi các nước, đặc biệt là một số thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu.
Có thể bạn quan tâm
Bà Đặng Thị Thu Hoàn - Chi Cục phó Chi cục Thú y Hà Tĩnh cho biết: Tại vùng nuôi tôm cộng đồng Hạ Lầm thuộc xã Thạch Long (Thạch Hà) xuất hiện bệnh hội chứng gan tụy ở tôm.
Trong hàng chục loại rau đang được nông dân xã Phước Thạnh (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) chọn trồng để làm kinh tế, cây ngò gai đã và đang giúp cho nhiều hộ nông dân có cuộc sống ổn định, vươn lên làm giàu.
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa cấp phép đầu tư nuôi cá nước lạnh cho Công ty TNHH Kim Sa Thổ, số 107, Tự Phước, phường 11, Đà Lạt.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện Việt Nam đã có 5 DN chế biến cá tra xuất khẩu có vùng nuôi cá tra được thẩm định theo tiêu chuẩn Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) quốc tế.
Doanh nghiệp bảo hiểm thì than thua lỗ, thậm chí vướng phải hiện tượng chưa nhiều nhưng đau đầu là nông dân tìm cách trục lợi qua bồi thường bảo hiểm; nông dân được bảo hiểm thì nói công ty bảo hiểm tìm cách làm khó trong bồi thường, thậm chí ngưng bán hợp đồng bảo hiểm do e ngại rủi ro…