Năm 2013 Xuất Khẩu Cá Tra Vẫn Chưa Có Nhiều Bứt Phá
Năm 2013, nhìn chung tình hình xuất khẩu cá tra của nước ta chưa có nhiều khởi sắc mới, những thị trường nhập khẩu truyền thống đang có mức tăng trưởng chậm lại. Thêm vào đó, những cuộc cạnh tranh trong thương mại ở các thị trường lớn như: Mỹ, Eu đã gây không ít tổn thất cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng xuất khẩu cá tra trong 10 tháng đầu năm 2013 đạt giá trị 1,4 tỷ USD, giảm 0,5% so với cùng kì năm 2012. Năm 2013, mặt hàng cá của Việt Nam đã có mặt trên 149 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng gần 7% so với 140 quốc gia cùng kì năm 2012. Cá tra hiện vẫn duy trì xuất khẩu đứng thứ 2 sau tôm, chiếm 26% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Nhu cầu nhập khẩu cá tra của 2 thị trường chính chiếm 44,8% tỷ trọng xuất khẩu cá tra Việt Nam là Mỹ và EU vẫn chưa phục hồi. Trong đó, nhập khẩu cá tra của EU giảm 10,7% và Mỹ tăng 5,1%. Xuất khẩu cá tra sang các nước Trung Đông giảm 14,3% so với cùng kì năm 2012. Asean là thị trường có giá trị nhập khẩu thấp nhất so với các thị trường lớn như: Mỹ, Trung Đông, EU nhưng lại có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 12,4% so với cùng kì năm 2012.
Theo phân tích của ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Vasep, một số thị trường lớn nằm ở khu vực EU sẽ khó tăng sản lượng nhập khẩu mặt hàng cá tra đông lạnh của Việt Nam trong thời gian tới. Một số nguyên nhân làm cho tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam giảm là do một số quốc gia trong khối EU như: Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Áo, Thụy Sĩ... đã thông tin sai lệch, thiếu khách quan đối với cá tra Việt Nam làm cho người tiêu dùng hiểu không đúng và có những phản ứng tiêu cực đối với sản phẩm cá tra. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đứng vững ở thị trường này cần phải có những chiến lược quảng bá nhiều hơn nữa cho sản phẩm cá tra để cho khách hàng ở các khu vực này hiểu rõ hơn về nguồn gốc và qui trình chế biến theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và sản xuất bền vững với môi trường.
Hiện tại trên thị trường EU, giá các loại cá thịt trắng như: cá minh thái Alaska, cá tuyết lục, các bơn nuôi tại khu vực này đang giảm mạnh, làm cho thị trường EU thừa nguồn cung và không tăng trưởng. Yếu tố này cũng làm giảm thị phần tiêu thụ cá tra hiện nay tại EU.
Ngoài ra, ở thị trường Mỹ ngày càng đặt ra nhiều chính sách thắt chặt hơn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam như thuế chống bán phá giá. Vừa qua, ngày 5/9/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố quyết định sơ bộ cuộc rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 9 (POR9) đối với sản phẩm philê cá tra đông lạnh xuất khẩu của Việt Nam. Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tăng rất cao so với cùng kì năm trước, gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường này.
Ở thị trường Châu Á, từ đầu năm đến nay nhập khẩu cá tra ở các nước châu Á nhìn chung tăng trưởng ổn định. Trong 10 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu cá tra của Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản đều tăng trưởng ổn định trên 10% so với cùng kì năm 2012. Cụ thể, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Nhật Bản đạt giá trị 3,5 triệu USD, tăng 36% so với cùng kì năm 2012, Trung Quốc đạt 44,4 triệu USD, tăng 82% so với cùng kì năm 2012; Thái Lan đạt 29,5 triệu USD, tăng 72,8%; Hàn Quốc đạt 4,5 triệu USD, tăng 14%; Ấn Độ đạt 10,03 triệu USD, tăng 26%.
Thị trường Trung Đông cũng là một trong những thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam. Hàng thủy sản của Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng đã chiếm được ưu thế cũng như khẳng định uy tín đối với người tiêu dùng ở khu vực này, sản lượng xuất khẩu năm sau đều cao hơn năm trước. Tuy nhiên, năm 2013, do tình hình chính trị của khu vực này không ổn định nên các doanh nghiệp giảm tỷ trọng xuất khẩu vì lo ngại khả năng thanh toán của các nhà nhập khẩu.
Theo dự báo VASEP tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 dự kiến giảm 5% so với năm 2013. Mặt hàng cá tra vẫn là lựa chọn của người tiêu dùng do giá cả phải chăng. Nhu cầu nhập khẩu cá tra vẫn không thay đổi lớn ở khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh. Nguồn cung cá tra trong nước thấp có thể khiến giá xuất khẩu tăng trong năm tới.
Nhập khẩu cá tra vào thị trường Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm, trong khi khả năng nhập khẩu của thị trường EU chỉ bằng năm 2013.
Riêng tại Đồng Tháp, năm qua tình hình sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn, nhất là giá cá tra thương phẩm duy trì ở mức thấp dưới giá thành từ cuối năm 2012. Giá cá tra thịt trắng cỡ 0,7 - 0,8 kg/con ở mức 19.500 - 21.000 đồng/kg ở tháng 1/2013 và đạt mức cao nhất ở tháng 2/2013 với giá 22.000 - 22.800 đồng/kg liên tục giảm đến cuối quý II năm 2013 và hiện nay ở mức 21.500 - 22.500 đồng/kg.
Với mức giá từ 21.364 - 22.749 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 136 - 249 đồng/kg, dẫn đến tình hình chế biến xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ thức ăn cho cá tra cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc thu hẹp qui mô sản xuất do thiếu vốn, chi phí sản xuất tăng cao...
Tuy nhiên do việc nuôi cá tra đã có sự sắp xếp lại nên phần lớn diện tích nuôi cá tra trong tỉnh là các vùng nuôi thuộc 41 doanh nghiệp nuôi, chiếm 65,21% diện tích nên chủ động cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Theo thống kê của VASEP, 10 tháng đầu năm 2013, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn có tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt trên 142,6 triệu USD, là đơn vị đứng đầu danh sách top 15 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Từ nguồn vốn này, hàng nghìn hộ ngư dân đã đầu tư đóng các loại tàu, thuyền có công suất lớn hơn 90CV, đánh bắt tại những ngư trường xa bờ. Nhiều hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, mỗi hộ vài ha mặt nước nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ốc hương, ngao... doanh thu hàng tỷ đồng/năm.
Trước tình hình hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Những ngày này rất nhiều ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kỳ Anh, Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (thuộc tỉnh Hà Tĩnh) đang được mùa sứa biển, giá thành khá cao, mang lại nguồn thu nhập đáng kể...
Con banh lông là loại hải sản còn ít người biết đến. Nhìn bề ngoài banh lông có hình dạng tròn như trái banh loại nhỏ, sống vùi sâu dưới lớp bùn. Lâu nay hầu như ngư dân ít khai thác loại hải sản này.
Nhiều năm trở lại đây, nuôi tôm trên cát ở vùng ven biển tỉnh Quảng Bình phát triển khá mạnh với diện tích tăng lên mỗi năm. Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch vùng nuôi mang tính chiến lược vẫn còn nhiều hạn chế và việc nuôi tôm trên cát phát triển manh mún, tự phát. Vì vậy, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi tôm theo hướng bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi tôm là điều cần thiết.