Hốt Bạc Từ Hươu, Nai
Nghề nuôi hươu, nai ở xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đã có từ hơn 20 năm nay. Nhiều người dân đã làm giàu từ nghề này.
“Có thời điểm gia đình tôi nuôi trên 30 con hươu nai. Mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục con giống mà vẫn không đủ, lại còn làm đại lý cung ứng nhung hươu, nai cho khách hàng đưa về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ”- ông Nguyễn Tiến Chương - chủ trang trại hươu, nai ở ấp 3, xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Mỗi người một con, góp thành làng nghề
Ông Phạm Hồng Sơn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hiếu Liêm nhớ lại ngày mới vô vùng đất mới cặp con sông Đồng Nai: “Hồi ấy, Hiếu Liêm toàn rừng già và nham nhở hố bom đìa. Năm 1989, ông Nguyễn Danh An - Giám đốc Lâm trường ra tận huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh động viên được 7 hộ có nghề nuôi hươu, trong đó có tôi mang mỗi hộ một con hươu vô Hiếu Liêm lập nghiệp. Giá một con hươu giống lúc ấy tương đương 4 chỉ vàng, nhưng đó là cả tài sản của mỗi gia đình”.
Từ 7 chú hươu ban đầu, sau 23 năm, Hiếu Liêm hình thành làng nghề nuôi hươu, nai độc nhất vô nhị ở miền Nam. Theo số liệu của UBND xã Hiếu Liêm, đến cuối năm 2011, toàn xã đã có vài trăm hộ nuôi nai, hươu với số lượng 947 con.
Nhiều người đã làm giàu từ nghề này, điển hình là gia đình ông Nguyễn Đình Châu. Từ một con nai ban đầu được nuôi từ năm 1990 bằng số vốn vay, đến nay trại hươu, nai của ông đã có 50 con, trong đó có 13 con hươu và 37 con nai. Chỉ riêng đàn nai, mỗi năm cũng cho ông Châu thu nhập trên 400 triệu đồng.
Hay như gia đình ông Chương với đàn hươu, nai trên 30 con, hàng năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng. Theo ông Châu và ông Chương, việc nuôi hươu, nai từ 20 con trở lên mới phải cần đến một lao động chuyên để chăm sóc, còn khi nuôi dưới mức này đa số sử dụng thời gian nhàn rỗi. Đây cũng chính là đặc điểm để nhiều người dân ở Hiếu Liêm vượt qua được khó khăn nhờ vào tiền dành dụm từ việc nuôi hươu, nai.
Con giống và nhung lên cơn “sốt” giá
Do hươu, nai dễ làm giàu đã tạo ra phong trào chăn nuôi không chỉ ở xã Hiếu Liêm, mà còn lan tỏa ra các huyện và tỉnh khác như huyện Trảng Bom, Long Thành, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu. Hầu hết các nơi này đều đến xã Hiếu Liêm tìm mua con giống, từ đó đã đẩy giá con giống tăng mạnh.
Ông Phan Đình Lâm - Đội phó Đội bảo vệ Nhà máy Thủy điện Trị An tọa lạc trên địa bàn xã Hiếu Liêm, cho biết: “Năm 2010, tôi mua 2 cặp nai giống hết có 26 triệu đồng, nay phải 44 triệu mới mua nổi”. Anh Nguyễn Đình Bình - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã cho hay, từ cuối năm 2010, giá nai đã bắt đầu lên cơn “sốt”, cho đến cuối năm 2011, giá đã tăng gấp đôi mà còn không có để mua.
Không chỉ con giống “sốt” giá, mà giá nhung hươu, nai cũng tăng mạnh. Ông Nguyễn Tiến Chương - người cắt nhung hươu, nai có tiếng của tỉnh Đồng Nai, cho biết: “Nhung hươu khách mua tận mắt nhìn trên đầu con vật rồi mới cắt từ Tết đến nay có giá tới 20 triệu đồng/kg, với nai là 12 triệu đồng/kg, tăng từ 30 – 50% so với thời điểm bình thường. Còn mua trong tủ lạnh, con số này là 16 triệu đồng và 9,5 triệu đồng/kg”. Theo ông, sở dĩ giá nhung tăng cao do nhung hươu, nai là chất bổ dưỡng cao, có công dụng chống lão hóa cho người cao tuổi và đề kháng một số bệnh nan y, trong khi nghề chăn nuôi con vật hoang dã này vẫn chưa phổ biến rộng rãi.
“Điều quan trọng là làm sao ổn định bền vững giá con giống để người nghèo cũng có thể vay vốn ngân hàng chăn nuôi hươu, nai sớm xóa nghèo từ con vật rất dễ nuôi này” - ông Chương mong muốn.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới cho người nuôi trồng thủy sản phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả và tăng thu nhập, mới đây, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định đã thực hiện thành công mô hình “ương tôm hùm bông giống trong lồng” tại xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn.
Hiện ở Tiên Yên (Quảng Ninh), nhiều người dân đã đổi đời, trở thành triệu phú từ nghề nuôi tôm. Không chỉ đơn thuần là những vùng nuôi quảng canh, bán thâm canh, nơi đây đã dần xuất hiện, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với nhà nhập khẩu để tránh phát sinh vướng mắc khi xuất khẩu thủy sản vào Liên bang Nga và Liên minh Hải quan. Trong đó đặc biệt lưu ý đến sản phẩm được phép xuất khẩu, hợp đồng xuất khẩu, nhà nhập khẩu được VPSS công nhận.
Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích việc chế biến và tồn trữ thức ăn khô từ cỏ, rơm rạ, thân đậu, bắp và áp dụng phương pháp gieo tinh nhân tạo, trong đó có phương pháp gieo tinh phân biệt giới tính để nâng cao chất lượng và sản lượng khai thác.
Tập quán lâu đời của người dân miền sông nước là chăn nuôi vài con gà, con vịt để cải thiện bữa ăn hằng ngày, hay nuôi cặp heo để tận dụng thức ăn thừa và để giải quyết khó khăn lúc túng bấn.