Năm 2013 Nghề Khai Thác Thủy Sản Ở Khánh Hòa Đối Mặt Với Nhiều Khó Khăn

Mùa khai thác thủy sản năm 2013 ở tỉnh Khánh Hòa được xem là thất bại nặng nề nhất trong vòng 50 năm qua. Ngư dân dù đã và đang nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn.
Tỉnh Khánh Hòa hiện có 6 hợp tác xã và 4 doanh nghiệp tư nhân làm nghề lưới đăng, tuy nhiên theo kết quả đánh bắt năm 2013 thì sản lượng nghề lưới đăng với mức thu hoạch chủ yếu là cá thu và cá ngừ các loại chỉ đạt khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn đối với các tàu làm nghề giã cào thì sản lượng còn thấp hơn. Đặc biệt nghề lưới cản của Khánh Hòa với số lượng tàu thuyền khá lớn, tập trung đánh ở vùng khơi và vùng lạnh đều thất thu. Như vậy trong năm 2013, hầu hết sản lượng các nghề đánh bắt ở Khánh Hòa - từ nghề lưới đáy cho đến nghề lưới nổi - đều đạt sản lượng thấp, khiến ngư dân đang gặp rất nhiều khó khăn.
Anh Trần Ngọc Long - Chủ tàu KH97643 Khánh Hòa chia sẻ: "Sản lượng tàu đánh bắt rất thấp, Chúng tôi đi 2 tháng chỉ thu được 5 tạ cá. Trong khi tổn phí bỏ ra khoảng 250 triệu, nhưng bán chỉ được 45 triệu thôi".
Anh Nguyễn Trung Hiếu – Phó trưởng BQL Cảng cá Hòn Rớ Nha Trang cho biết: "Một phần do nguồn lợi không có, trong khi đó chi phí một chuyến biển cao đó là một trong những nguyên nhân khiến bà con có xu hướng chuyển đổi ngành nghề vì không gặp thuận lợi như những năm trước. Ngoài giá cả, chi phí đội lên quá cao nên bây giờ đi dài ngày mà không có cá, ảnh hưởng đến quá trình đi lại nên bà con phải tính toán, nghiên cứu chuyển đổi làm sao cho phù hợp hơn với ngành nghề đang chọn".
Hiện nay, vấn đề đánh bắt và xuất khẩu đã hình thành nên dây chuyền sản xuất từ người khai thác cho đến các đơn vị chế biến. Tuy nhiên nếu không có nguyên liệu thì các đơn vị này cũng khó tồn tại. Ở khía cạnh khác, họ buộc phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng chi phí bỏ ra lớn hơn so với việc mua nguyên liệu ở trong nước. Do vậy đối với việc xuất khẩu thủy sản của các đơn vị trong tỉnh, nguồn nguyên liệu chính vẫn do ngư dân đánh bắt. Nếu sản lượng đánh bắt đạt thấp thì đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu đầu vào của các nhà máy chế biến. Quá trình này quyết định cho việc tồn tại của các công ty chế biến thủy sản và ngư dân.
Thế nhưng, trong khi các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động được việc sản xuất, định hướng tăng hoặc giảm nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài, thì ngư dân thì không có sự lựa chọn nào khác là phải ra ngư trường. Mà ngư trường không có sản lượng thì họ không có thu nhập. Khó khăn về vấn đề khai thác đang trở thành gánh nặng đối với nhiều ngành nghề khai thác thủy sản ở Khánh Hòa.
Theo Thạc sĩ Võ Thiên Lăng - Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa: "Trong 50 năm qua, năm 2013 là năm mà sản lượng thấp nhất, nguồn lợi cạn kiệt. Ngư dân không đánh bắt được. Vấn đề này trước mắt các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu phải tìm lời giải để các nhà quản lý có tính định hướng. Còn nếu như năm 2014 vẫn như năm 2013 thì đây là vấn đề không nhỏ. Bản thân ngư dân họ cũng sẽ định hướng ngay, nếu như họ đánh thua lỗ liên tục như năm 2013, 2014 cũng y như vậy thì họ sẽ bỏ nghề, đó là điều chắc chắn".
Khánh Hòa hiện có khoảng 10.000 phương tiện đánh bắt, với hơn 50.000 người tham gia khai thác trên biển, vì vậy nếu nguồn lợi không đảm bảo thì thu nhập của cộng đồng ngư dân sẽ bị giảm mạnh, cuộc sống của bà con sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đây không chỉ là vấn đề mưu sinh của ngư dân mà còn là vấn đề về an sinh xã hội - bởi với ngư dân, nghề chính là đánh bắt thủy - hải sản và cũng là nguồn thu nhập chính của họ.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, ngư dân Khánh Hòa rất cần sự quan tâm nghiên cứu của các nhà khoa học để tìm ra nguyên nhân cũng như các giải pháp hữu hiệu nhằm duy trì nghề khai thác thủy sản trên biển - vốn được coi là nguồn sống của ngư dân.
Có thể bạn quan tâm

Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh "1 lúa 1 mì" hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.

Ngày 1.4, Tổ dự án nuôi ghẹ xanh trên biển do Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định) chủ trì, đã thả trên 6.000 con ghẹ xanh giống để nuôi tại khu vực đảo Hòn Khô - Nhơn Hải (nuôi bằng hình thức thả đăng, ảnh).

Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi một phần diện tích hay giảm bớt vụ trồng lúa kém hiệu quả tại ĐBSCL sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn, đặc biệt là cây ngô là rất cần thiết, phù hợp với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm 2013, thực hiện mô hình phát triển nuôi thủy sản mặn lợ, Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa đã xây dựng mô hình nuôi cá chim vây vàng trong ao tại gia đình anh Hoàng Văn Tùng ở xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia.

Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, hơn 72.000 con bò Úc đã được nhập khẩu về Việt Nam. Con số này đã ngang bằng với lượng nhập khẩu của cả năm ngoái. Và dự báo đến hết năm, sẽ có tổng cộng khoảng 150.000 con bò Úc đổ bộ để phục vụ người tiêu dùng Việt.