Gạo Thương Hiệu Cạnh Tranh Gạo Xá
Người tiêu dùng từ lâu hoa mắt với hàng trăm tên gọi khác nhau khi ghé vào những cửa hàng bán gạo xá (gạo đóng bao) trên các con phố, chợ...
Giờ đây người ta đang dần chuyển qua dùng các loại gạo được đóng gói sẵn có thương hiệu, xuất xứ rõ ràng.
Theo các nhà sản xuất, làm thương hiệu gạo cho thị trường nội địa chính là bước đệm để đưa thương hiệu gạo VN ra thế giới thay vì bán hàng xá như hiện nay.
Hoa mắt với tên gạo
"Ngay sau khi ổn định được thị trường trong nước, chúng tôi sẽ đưa gạo Itarice tiếp cận thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu. Hiện nay, các yêu cầu về dư lượng hóa chất vào các thị trường khó tính như Nhật Bản thì chúng tôi đều đáp ứng"
Ông Tôn Ngọc Bảo (trưởng phòng marketing Công ty Itarice)
Cầm trên tay chai nước tương, bà Nguyễn Thị Thành (Q.3, TP.HCM) tỏ ra khá vui: “Mấy chục năm mua gạo tự dưng lần này người ta khuyến mãi một chai nước tương”.
Bà Thành giải thích từ trước đến nay gia đình bà quen mua gạo tại một đại lý gần nhà, chỉ cần điện thoại là người ta biết mình thích ăn gạo gì rồi đem đến tận nhà. “Ra đến cửa hàng cũng chẳng biết đâu mà lần với mấy chục loại gạo khác nhau. Gia đình tôi chỉ chọn loại gạo dẻo thơm là được” - bà Thành giải thích.
Tuy nhiên, do thông tin về dư lượng hóa chất trên một số loại sản phẩm thời gian qua, các con bà Thành đã đề nghị mẹ chuyển sang dùng gạo có bao bì đóng gói, có thương hiệu, có tên công ty sản xuất... thay vì mua gạo xá đóng trong bao tải như trước. Thật ra không chỉ gia đình bà Thành, nhiều bà nội trợ khác cũng có xu hướng chọn mua gạo có thương hiệu, đóng bao bì rõ ràng bởi tâm lý an toàn và tin tưởng vào nguồn gốc hơn gạo xá.
Thực tế, hiện trên thị trường nhiều người tiêu dùng khi đến các cửa hàng bán gạo đều hoa mắt trước hàng chục, hàng trăm tên gạo khác nhau với đủ mức giá. Gạo xá (không đóng bao kín và cân theo nhu cầu người mua) được đặt tên theo ba tiêu chí là theo giống (gạo một bụi), theo đặc tính (nở xốp, gạo dẻo, tám thơm, trắng tép...), theo xuất xứ (gạo Đài Loan, gạo Thái, gạo Nhật) hoặc theo một tên riêng nào đó như gạo hương lài, bụi sữa, ngọc nữ...
Chị Nguyễn Thanh Phương, nhân viên văn phòng có nhà tại Q.2, cho biết đặc điểm của các loại gạo xá là chất lượng không ổn định. Cùng một tên gọi nhưng ở mỗi cửa hàng là một loại khác nhau và tất nhiên chất lượng khác hẳn.
Một vấn đề đối với gạo xá là hầu như không xác định được nguồn gốc xuất xứ của loại gạo đang có mặt trên thị trường. Các đại lý bán lẻ gạo không biết loại gạo đang bán được trồng ở đâu, theo quy trình nào và có thuần chủng hay đã bị phối trộn.
Theo nhiều đại lý bán lẻ gạo, các loại gạo có tên dễ nhầm lẫn với xuất xứ nước ngoài như gạo Thái, gạo Đài Loan, gạo Nhật... thật ra không phải là nhập khẩu từ nước ngoài mà chỉ là giống lúa nước ngoài được trồng tại VN.
Trước tình trạng nhập nhằng về nguồn gốc xuất xứ cũng như chất lượng gạo xá trong các đại lý hoặc chợ lẻ, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua các loại gạo có thương hiệu được đóng gói sẵn và có tiêu chuẩn rõ ràng dù phải trả giá cao hơn.
Nhận thấy cơ hội lớn, không ít doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mạnh vào vùng nguyên liệu, nhà máy xay xát và đóng gói nhằm chiếm lĩnh phân khúc đầy tiềm năng này.
Xây dựng thương hiệu gạo
Từ giữa năm 2014 đến nay, nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM nhận được lời mời mua gạo từ một thương hiệu nghe rất lạ: Nosavina. Sở hữu thương hiệu này là Công ty Cỏ May (Đồng Tháp), bán hàng giao tận nhà ba loại gạo gồm: lài đông xuân, sen hè thu và cúc thu đông, tương ứng với gạo của ba vụ lúa chính ở ĐBSCL.
Theo bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh - giám đốc phát triển khách hàng thương hiệu gạo Nosavina, qua khảo sát thị trường gạo có hàng trăm tên gọi khác nhau, nhưng thực tế người tiêu dùng chỉ quan tâm đến một số đặc tính cơ bản của gạo như dẻo, thơm, mềm, xốp, trong khi họ cũng rất băn khoăn về chất lượng gạo xá.
Gạo trên thị trường không có sự đồng nhất về giống và khâu sản xuất không được kiểm soát nên khó kiểm tra chất lượng. Do đó Nosavina quyết định đầu tư xây dựng thương hiệu gạo một cách bài bản từ đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu và hệ thống bán hàng chuyên nghiệp.
Thời gian đầu, công ty tập trung bán hàng qua website và điện thoại, giao hàng tận nhà và nhận được phản hồi rất tốt từ khách hàng. “Tỉ lệ thất bại của chúng tôi chỉ ở mức 13%, tức là cứ 100 khách hàng mua gạo Nosavina thì chỉ có 13 người không tiếp tục mua nữa. Đây là một kết quả rất khả quan cho thấy việc xây dựng thương hiệu gạo chất lượng là hướng đi đúng của công ty” - chị Hạnh nói.
Theo khảo sát tại thị trường TP.HCM, ngoài Nosavina, hiện đã có hàng chục công ty tham gia phân khúc này như Bảo vệ thực vật An Giang, Itarice, Gentraco, các công ty lương thực...
Đặc điểm dễ thấy nhất của các loại gạo có thương hiệu là tính đồng nhất về chủng loại, mỗi tên gạo chỉ gồm một giống lúa nhất định. Gạo được đóng bao bì dễ nhìn từ 1-10 kg/bịch với đầy đủ thông tin và có thể truy nguyên nguồn gốc. Không những vậy, nhiều công ty còn đầu tư vào vùng sản xuất để lấy chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt cho gạo như tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, Organic (gạo hữu cơ).
Ông Tôn Ngọc Bảo, trưởng phòng marketing Công ty Itarice, cho biết đơn vị này đưa sản phẩm gạo có thương hiệu với các tên gọi riêng theo đặc tính gạo như Nàng Yến, Nàng Nga, Ông Liều... ra thị trường nội địa vào năm 2013. Theo ông Bảo, đến nay các loại gạo của Itarice đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn như Co.op Mart, Citimart... với doanh số khoảng 400 triệu đồng/tháng và vẫn đang tăng lên, do đó công ty này tiếp tục mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tại Long An.
Có thể bạn quan tâm
Trong những năm qua, ông Nguyễn Đức ở thôn Đồng Nhơn Nam, xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi đã phát triển có hiệu quả mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi bò, heo, gà, theo ước tính bình quân 1 năm sau khi trừ chi phí lãi trên 300 triệu đồng.
Năm nay, giá nghêu giống ổn định ở mức cao, dao động từ 16-20 đồng/con (loại 700-800 ngàn con/kg), tăng 5-7 đồng/con so với năm ngoái, cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi cộng nên nghề sản xuất nghêu giống đang thu lãi cao.
Không chỉ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi mà anh thương bình Vũ Ngọc Nhanh ở thôn Hiệp Hưng, xã Quảng Hiệp (huyện CưM’gar- Đắk Lắk) còn giữ vững danh hiệu này suốt 06 năm qua.
Đang có công việc ổn định với thu nhập khá ở Hà Nội, nhưng vì đam mê... lợn rừng mà anh Thái Đình Hải (27 tuổi) quyết định về quê ở Nghệ An thực hiện niềm đam mê của mình.
Với 100m2 chuồng trại nuôi 25 con lợn rừng lai, trừ chi phí mỗi năm ông Chu Ngọc Trai, ở khu 16, xã Ngọc Lập, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ lãi khoảng 80 triệu đồng.