Mường La (Sơn La) phát triển nuôi dê
Nói về phát triển nuôi dê trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: Để hỗ trợ các hộ phát triển chăn nuôi dê, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu cho UBND huyện vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ các hộ về giống, hướng dẫn kỹ thuật, trồng cỏ để mở rộng quy mô đàn dê của hộ gia đình. Từ các Chương trình 135, di dân TĐC, Chương trình 30a, đã hỗ trợ hàng nghìn con dê giống cho các hộ dân. Riêng Chương trình 30a, hỗ trợ 1.555 con giống dê lai bách thảo cho 1.555 hộ phát triển chăn nuôi.
Cùng nói về vấn đề này, ông Cầm Xuân Bưởng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện thông tin: Từ các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Trạm triển khai xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật nuôi dê cho bà con. Riêng 6 tháng đầu năm 2015, Trạm xây dựng 5 mô hình nuôi dê ở các xã Chiềng Muôn, Nậm Dôn, Chiềng San.
Theo tính toán của các hộ nuôi dê, mỗi năm, 1 con dê sinh sản 2 lứa được 1 - 4 con/lứa (thông thường 2 con/lứa), nuôi 1 năm được khoảng 20 kg/con, với giá hiện nay là 120 nghìn đồng/kg, lãi khoảng 2 triệu đồng/con. Nếu dê bán làm giống lãi cao hơn, khoảng 4 triệu đồng/con.
Hiện, toàn huyện có gần 13.000 con dê, trong đó, các xã nuôi nhiều là Chiềng Lao gần 1.600 con; Pi Toong gần 1.400 con; Ngọc Chiến 1.400 con; Chiềng San 1.300 con; Nặm Păm gần 1.200 con... Đa số các hộ kết hợp nuôi dê với nuôi trâu, bò để tiện công quản lý, chăm sóc, tăng thu nhập. Nhiều hộ không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ nuôi dê, như: Ông Cứ A Chu, bản Noong Hoi dưới (Chiềng Ân) nuôi 30 con dê; ông Lý A Sênh, bản Pú Pâu (Chiềng San) nuôi 30 con dê; ông Vàng A Dê, bản Hua Nán (Chiềng Muôn) nuôi 30 con dê, lãi 50 triệu đồng/năm; ông Lò Văn Dễ, bản Nong Quài (Chiềng Muôn) nuôi 42 con, lãi trên 60 triệu đồng/năm...
Ông Cầm Văn Luân, Chủ tịch UBND xã Chiềng San chia sẻ: Xã đẩy mạnh vận động nhân dân tập trung phát triển bò và dê. Ngoài tận dụng các phụ phẩm từ nông nghiệp, bãi chăn thả, bà con đã phát triển trên 10 ha cỏ voi, trồng 30 ha cây chuối, ngoài ra còn tận dụng cây chuối đã thu hoạch hoặc tỉa cây, tạo thức ăn cho đàn gia súc. Hiện, xã có khoảng 1.300 con dê, tập trung nhiều nhất ở bản Chiến trên 500 con; bản Lâm 150 con...
Tuy nhiên, có một thực trạng là những năm gần đây, nhân dân mở rộng diện tích đất canh tác, dẫn đến diện tích chăn thả ngày càng bị thu hẹp. Nếu không quản lý, theo dõi tốt, đàn dê sẽ phá hoại các cây trồng khác. Mặt khác, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho đàn dê. Do vậy, để phát triển nuôi dê, cần theo hướng trồng cỏ, nuôi nhốt chuồng.
Để tiếp tục phát triển đàn dê, huyện Mường La vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của Nhà nước phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi dê cho nông dân, gắn phát triển đàn dê với thị trường tiêu thụ, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Bà con nuôi dê cần chú ý, khi nắng ráo mới chăn thả dê, bởi nếu dê ăn cỏ cây ướt dễ bị tiêu chảy. Những ngày mưa phải chuẩn bị thức ăn dự trữ cho dê. Cần chủ động tiêm phòng trước thời điểm chuyển mùa.
Thức ăn cho dê đa dạng, gồm: các loại lá cây, cỏ, phế phẩm nông nghiệp, các loại củ quả, thức ăn tinh, thức ăn khoáng. Thức ăn thô xanh chiếm khoảng 55 - 70% khẩu phần ăn của dê. Chuồng dê có thể là lán trại đơn giản; nhưng phải khô ráo, sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng. Thường xuyên đổi giống dê đực để tránh bị trùng gen, thái hóa giống.
Có thể bạn quan tâm
Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.
Tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX), DN sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí nếu so sánh với việc xin cấp chứng nhận xuất xứ như hiện nay. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký EFTA và VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Năm 2013, bí xanh được mùa, giá cao, lãi nhiều, điều này khiến nông dân nhiều nơi ở Hòa Bình đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2014, nhiều hộ gia đình lại “đỏ mắt” vì năng suất và giá đều giảm.
Những diện tích này được trồng từ đầu tháng 2, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ Đông - xuân 2013 – 2014 có những diễn biến phức tạp như đầu vụ rét, sương mù, mưa phùn kéo dài đã làm một số diện tích ngô và đậu tương phát triển chậm, cây thấp, vàng.
Nhiều năm về trước, huyện đảo Phú Quý phần lớn phải nhập các loại rau xanh từ Phan Thiết, vào mỗi tuần. Nan giải nhất là mùa bấc cuối năm, thời tiết không mấy thuận lợi, sóng to gió lớn kéo dài, tàu hàng không ra đảo được, nguồn cung rau xanh thiếu trầm trọng. Nỗi lo ấy bây giờ không còn nữa, bởi đảo đã hồi sinh làng trồng rau truyền thống, cung cấp cơ bản cho nhu cầu ở đây…