Mường Chà Tập Trung Chăm Sóc Cây Trồng Trên Nương

Thời điểm này, khi đã thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, nông dân huyện Mường Chà tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng trên nương trước khi bước vào sản xuất lúa vụ mùa.
Ông Bùi Tuấn Thanh, Phó Trưởng phòng NN - PTNT huyện Mường Chà, cho biết: Toàn huyện có 5.309ha các loại cây trồng trên nương.
Trong đó: 2.916ha ngô; 1.510ha lúa nương; 591,9ha sắn; còn lại những loại cây trồng khác. Vụ đông xuân năm nay ở Mường Chà được mùa là động lực để bà con nông dân tích cực làm cỏ đợt 1 và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho các loại cây trồng trên nương.
Gia đình anh Lò Văn Toán, bản Na Pheo, xã Na Sang có 4.000m2 đất nương. Vụ xuân hè năm nay, anh Toán sử dụng hết diện tích đất này để trồng ngô. Được cán bộ nông nghiệp xã Na Sang hướng dẫn cách chọn, xử lý hạt giống, tuân thủ đúng khung thời vụ nên tỷ lệ ngô nảy mầm đạt trên 90%.
Tuy nhiên, hạt nảy mầm đúng vào thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài nên cây ngô còi cọc, kém phát triển. Vì vậy, sau khi thu hoạch hết lúa đông xuân, gia đình anh Toán tập trung nhân lực để bón phân, làm cỏ và vun gốc đợt 1 cho cây ngô.
Chung tinh thần với gia đình anh Toán, anh Lò Văn Hinh, ở bản Na Sang, xã Na Sang cho biết: Vụ xuân hè năm nay, gia đình tôi gieo trồng trên 4.000m2 lúa nương.
Ngay từ đầu vụ, tôi đã chú trọng khâu làm đất, khâu phát nương, đốt nương đến thời gian ủ đất sau khi đốt nương nên giai đoạn đầu cây lúa phát triển rất tốt nhưng qua đợt nắng nóng kéo dài đã bị chững lại, một số diện tích có hiện tượng lúa bị héo, chết.
Hiện tại, gia đình tôi đang tập trung làm cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật để cây lúa có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt trước khi bước vào sản xuất lúa vụ mùa.
Xã Sá Tổng là xã có diện tích cây trồng trên nương lớn nhất huyện Mường Chà. Vụ xuân hè năm nay, xã Sá Tổng gieo trồng 707ha; trong đó chủ yếu là lúa nương (140ha) và ngô (450ha ngô). Ông Hờ Khua Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Sá Tổng cho biết: Sá Tổng là xã vùng cao, khó khăn nhất của huyện Mường Chà.
Ở đây, người dân không có ruộng nước để làm nên bà con tập tập trung sản xuất trên nương. Ngay từ đầu vụ, chính quyền xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông phối hợp với các trưởng bản tổ chức họp bản để hướng dẫn người dân phát nương, làm đất đúng kỹ thuật; gieo trồng đúng khung thời vụ, tuyên truyền cho bà con chọn các loại giống đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, tỷ lệ nảy mầm của các loại cây trồng đều đạt cao. Mặt khác, vì không có ruộng nước để sản xuất vụ lúa đông xuân, bà con tập trung thời gian để chăm sóc các loại cây trồng trên nương nên đến thời điểm hiện tại các loại cây trồng đều sinh trưởng, phát triển tốt và hạn chế được sâu bệnh gây hại.
Theo đánh giá của phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Mường Chà, các loại cây trồng trên nương trên địa bàn đang sinh trưởng và phát triển tốt, tình hình sâu bệnh, dịch hại chưa có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, sau những trận mưa lớn vừa qua rất có thể các loại sâu bệnh phát triển, gây hại cho các loại cây trồng.
Do vậy, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Mường Chà khuyến cáo nhân dân: Ngoài việc tập trung chăm sóc, bà con nông dân cần phải thường xuyên theo dõi diễn biến của các loại dịch hại để có các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Tháng 6-2011, Tổ sản xuất chôm chôm ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách (Bến Tre) được công nhận đạt bộ tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP), với diện tích hơn 22ha, có 36 hộ tham gia. Đây là tổ sản xuất chôm chôm theo tiêu chuẩn GlobalGAP đầu tiên của huyện được công nhận. Thế nhưng mô hình rất khó nhân rộng, bởi chi phí quá cao và còn nhiều chuyện phải bàn.

Theo quyết định được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào cuối tuần trước, vải và nhãn tươi của Việt Nam sẽ được phép xuất khẩu vào Mỹ nếu đáp ứng được 1 số tiêu chuẩn về vệ sinh-an toàn thực phẩm.

Bệnh chổi rồng - hay còn gọi là chùn đọt, đầu lân - gây hại chủ yếu trên cây nhãn, bắt đầu xuất hiện ở Sóc Trăng từ năm 2007, nhưng đến năm 2011 bùng phát thành dịch gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất, nhiều nhất ở các huyện Kế Sách, Long Phú…

Kể từ khi bệnh vàng lá gân xanh xuất hiện đến nay, những vườn cam sành bạt ngàn nằm ven các con lộ nông thôn chạy qua địa bàn các xã, thị trấn của huyện Châu Thành, thị xã Ngã Bảy ngày nào đã nhanh chóng thay màu lá mới, khi màu xanh tươi tốt dần biến mất và để lại một màu vàng nhạt nhẽo ngoài mong đợi.

Từ sáng sớm tới chiều muộn, chợ Hà Vỹ không lúc nào ngớt người ra vào. Người mua kẻ bán mặc cả, gia cầm kêu inh ỏi. Vợ anh Thường, chủ ki ốt B3 cho biết, đều như vắt chanh, ngày hai lượt chiếc loa truyền thanh chợ Hà Vỹ oang oang bản tin cảnh báo dịch cúm H5N6.