Mực Rớt Giá, Hàng Trăm Tàu Câu Nằm Bờ
Đó là thực trạng đang diễn ra trong vòng hai tháng nay tại cảng Bến Đá, phường 5 (TP. Vũng Tàu). Do giá mực khô đã giảm xuống gần một nửa, doanh thu không bù đắp được chi phí đánh bắt, các chủ tàu câu mực buộc phải cho tàu nằm bờ.
Hàng trăm tàu câu mực phải nằm bờ do giá mực khô giảm gần một nửa, doanh thu đánh bắt của phiên biển không thể bù chi phí.
Có mặt tại cảng Bến Đá – Bến Đình (TP. Vũng Tàu) chiều ngày 23-6, chúng tôi nhận thấy hàng trăm chiếc ghe, tàu của bà con ngư dân xếp hàng dãy dài nằm im bất động. Anh Trịnh Minh Cường, chủ tàu câu mực QNg 94355 cho biết, tình trạng này diễn ra từ vài tháng trở lại đây. “Nghề câu mực đi biển từ đầu con trăng và kết thúc phiên biển khi con trăng kế tiếp lên.
Đáng lẽ ra thời gian này anh em bạn ghe phải hành nghề trên biển chứ đâu phải ngồi bờ như thế này Nguyên nhân do giá mực khô giảm quá mạnh, trong khi chi phí cho mỗi chuyến biển tăng cao nên bà con ngư dân lỗ nặng, không dám ra khơi” - anh Cường nói.
Thông tin từ bà con ngư dân cho biết, trong hai tháng gần đây, giá mực khô rớt mạnh. Trước đây, mực khô loại I giá 400 ngàn đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 260 ngàn/kg. Giá sụt giảm mạnh như thế, dù có đạt năng suất cao cũng chỉ đủ hòa vốn, chứ đa số là lỗ nặng.
“Ghe nhà tôi câu đạt nhất đàn câu mực, bình quân mỗi trăng câu khoảng 3 đến 4 tạ mực, chi phí của mỗi phiên biển dao động từ 90 - 100 triệu đồng kể cả tiền dầu và thực phẩm. Với giá mực trước đây thì mỗi phiên còn kiếm được vài chục triệu (chia cho 7 bạn câu đi cùng - PV), với giá mực mới thì chỉ hòa hoặc lỗ nặng. Đành phải cho tàu nằm bờ chứ biết làm sao?!” - anh Cường cho biết thêm.
Hướng tay chỉ về hàng trăm chiếc ghe câu đang nối đuôi nhau nằm bờ, anh Bùi Công, chủ tàu câu mực BĐ 50513 cho biết, số lượng tàu ở bờ lên đến khoảng hơn 300 chiếc, nằm dọc từ cảng Bến Đá theo dọc kênh Bến Đình cho đến khu vực Bãi Cát Vàng (phường 6).
“Tàu nằm bờ thì buộc phải cho bạn ghe nghỉ tìm việc khác làm để kiếm kế sinh nhai, chứchủ tàu không thể kham nổi tiền nuôi bạn nếu tình hình khó khăn kéo dài. Ngặt nỗi đến khi cần tìm bạn thì cũng hết sức nan giải.
Lúc trước để tìm một bạn ghe phải bỏ ra 5 triệu đồng, gọi là tiền mua bạn. Mỗi chiếc câu mực cần 7 bạn ghe đi cùng, nghĩa là chủ tàu phải bỏ ra 35 triệu đồng. Trong tình cảnh khó khăn như thế này thì số tiền ấy cũng quá lớn” - anh Bùi Công cho hay.
Theo bà Trần Thị Bút, chủ một đại lý thu mua mực khô ở phường 5, bình thường mỗi trăng bà thu mua hàng tấn mực khô, nhưng 2 trăng này tàu câu mực không đi biển nên chẳng mua được ký mực câu nào. Nói về giá mực giảm, bà Bút cho biết: “Là người thu mua trực tiếp của ngư dân, thấy giá mực xuống thấp tôi cũng xót cho bà con lắm.
Nhưng là nhà thu mua thứ cấp nên tôi chẳng biết phải làm gì để giúp cho bà con. Nghe đầu nậu mực xuất hàng đi nước ngoài nói, mực khô giảm giá là do thị trường Trung Quốc và Thái Lan tiêu thụ chậm, bán không được nên giảm giá thu mua vào. Giá mực khô bao giờ tăng lên thì cũng phụ thuộc vào bên thu mua ở nước ngoài”.
Theo bà Bút, không chỉ có tàu câu mực bị ảnh hưởng, với giá mực giảm, sắp tới nhiều đôi tàu dã cào cũng chịu chung số phận. “Doanh thu của các đôi giã cào phụ thuộc chủ yếu lượng sản phẩm mực đánh bắt được, chiếm 70% đến 80% tổng doanh thu của chuyến biển. Trong lúc giá cá vẫn không thay đổi, giá mực giảm gần một nửa, chi phí cho nhu yếu phẩm lại tăng cộng thêm chi phí thuê người coi tàu thì bà con ngư dân càng chồng chất thêm nhiều khó khăn” - bà Bút phân tích.
Tại các buổi tiếp xúc cử tri mới đây của HĐND tỉnh, bà con ngư dân cũng đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có đề xuất các cơ quan chức năng, tăng cường tìm kiếm các thị trường mới để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thủy hải sản cho bà con ngư dân. “Nếu quá bị phụ thuộc vào một, hai thị trường thì khi có diễn biến bất lợi chúng ta luôn thụ động, thua thiệt và bị ép giá” - anh Trịnh Minh Cường nói.
Có thể bạn quan tâm
Nghề đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) từ lâu nay được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển. Song, để có nguồn thu nhập đó là điều không đơn giản. Có đi, nghe và thấy mới hiểu được những những khó khăn của ngư dân trong những đêm trắng mưu sinh trên biển "săn lộc trời"!
Sự chuyển biến đó là kết quả thực hiện các quyết định của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích ngư dân khai thác hải sản vùng biển xa, và hiện nay là triển khai Nghị định 67 về phát triển thủy sản nhằm thúc đẩy sản xuất, ổn định đời sống ngư dân gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biển đảo. Là kết quả khai thác lợi thế điều kiện tự nhiên để nuôi trồng và sản xuất tôm giống, cá nước ngọt, cá lồng bè trên biển.
Để nghề nuôi tôm trên địa bàn phát triển một cách bền vững, mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài, năm 2013 - 2014 Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã thực hiện nuôi tôm chân trắng theo mô hình VietGAP tại Móng Cái. Bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm của thành phố.
Năm 2015, ngành Nông nghiệp và PTNT phấn đấu tăng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 5.800ha; sản lượng đạt 8.000 tấn, chú trọng nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học về giống, thức ăn, chế phẩm sinh học; quy trình kỹ thuật nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng…
Theo tính toán của các hộ, việc sử dụng đệm lót sinh học vào chăn nuôi không những giảm thiểu ô nhiễm môi trường, dịch bệnh mà còn giúp người dân tiết kiệm được 15% chi phí về điện, nước, công dọn chuồng trại, tăng trọng con nuôi nhanh, khoảng 10 - 15% so với chăn nuôi theo phương thức truyền thống.