Duy Trì Mạch Tăng Trưởng Xuất Khẩu Nông, Lâm, Thủy Sản
Tám tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 20,22 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2013.
Mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 28,5 tỷ USD của ngành nông nghiệp đã nằm trong tầm tay, tuy nhiên, những khó khăn đang manh nha trên thị trường đòi hỏi phải tiếp tục có những giải pháp tích cực, nhằm duy trì mạch tăng trưởng xuất khẩu...
Những con số đẹp
Nhìn tổng thể, kim ngạch xuất khẩu trong tám tháng đầu năm 2014 đạt 20,22 tỷ USD là một con số đẹp. Bởi lẽ nếu so với mục tiêu mà ngành nông nghiệp đưa ra từ đầu năm 2014 là kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 28,5 tỷ USD thì như vậy, chỉ trong tám tháng chúng ta đã đạt được ba phần tư mục tiêu.
Cụ thể từng mặt hàng thuộc tốp đầu như sau: cà-phê: xuất khẩu đạt 1,22 triệu tấn với giá trị là 2,529 tỷ USD, tăng 26,8% về khối lượng và tăng 22,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2013; hạt điều: đạt 188 nghìn tấn với giá trị đạt 1,217 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; hạt tiêu: xuất khẩu tăng lên 126 nghìn tấn với giá trị 26 triệu USD, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013; thủy sản: đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Ðáng lưu ý, bên cạnh những con số đẹp này, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số liệu xuất khẩu nông sản tám tháng đầu năm 2014 cũng chỉ ra những mặt hàng nông sản xuất khẩu khác đang tuột dốc so với năm ngoái.
Ðầu tiên là cao-su, chỉ đạt 548 nghìn tấn, với giá trị 989 triệu USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao-su xuất khẩu bình quân tám tháng đạt 1.830 USD/tấn, giảm 24,96% so với cùng kỳ năm 2013.
Tiếp theo là chè: xuất khẩu đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 139 triệu USD, giảm 6,9% về khối lượng và giảm 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Ðáng chú ý, mặt hàng xuất khẩu chiến lược là gạo: tám tháng đầu năm 2014, đạt 4,44 triệu tấn với trị giá 2,01 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái dù giá gạo xuất khẩu bình quân vẫn đạt 452,5 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Ngành hàng đang được coi là đang "ăn nên làm ra" là cà-phê cũng tiềm ẩn những nguy cơ. Chủ tịch Hiệp hội cà-phê, ca-cao Việt Nam Lương Văn Tự cho biết: Cả năm dự kiến sẽ xuất được khoảng 1,45 đến 1,5 triệu tấn cà-phê (so với 1,4 triệu tấn năm 2013).
Nhưng trong dài hạn, ngành cà-phê đang phải đối diện với nhiều khó khăn, nhất là chuyện tái canh cây cà-phê. Hiện cả nước có khoảng 140 đến 160 nghìn ha phải tái canh nhưng lãi suất vay vốn phục vụ tái canh quá cao (8,5%) và chuyện cấp quyền sử dụng đất cho dân vướng về mặt thủ tục.
Vì vậy, chính quyền các địa phương cần đẩy nhanh quá trình cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có điều kiện thế chấp vay vốn và nên đưa lãi suất về mức 6%/năm. Nếu không, sản xuất cà-phê sẽ bị ảnh hưởng và chuyện xuất khẩu mặt hàng này bị tác động dây chuyền là khó tránh khỏi.
Hình thành chuỗi giá trị xuất khẩu
Nếu không có bất ngờ lớn, với bốn tháng còn lại, ngành nông nghiệp có thể sớm đạt kim ngạch 8,3 tỷ USD để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu cả năm đạt 28,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngay cả trong điều kiện như vậy, việc chúng ta vẫn cần nhanh chóng phân tích, đánh giá tình hình thực tế góp phần thực hiện mục tiêu ngắn hạn này, đồng thời tiếp tục duy trì phong độ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản một cách bền vững cho những năm tiếp theo.
Xét trên bình diện khách quan, thị trường thế giới gần đây có một số động thái cần lưu ý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa chính thức thông báo việc Nga cho phép nhập khẩu trở lại mặt hàng thủy sản của bảy doanh nghiệp Việt Nam sau lệnh cấm hồi cuối năm 2013.
Nga là một trong mười thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, sau khi có lệnh cấm từ phía Nga, kết hợp với sự khống chế ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản... đã khiến giá thủy sản của Việt Nam nói chung và mặt hàng cá tra nói riêng, chịu bất ổn trong sáu tháng đầu năm 2014.
Sự kiện này kết hợp tình hình Biển Ðông có dấu hiệu lắng xuống, ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam có quyền hy vọng bứt phá trong các tháng cuối năm.
Tuy vậy, trong một diễn biến khác, gần đây thị trường Trung Quốc có một vài động thái ngược lại, ví như: cấm nhập khẩu gạo của Việt Nam theo đường tiểu ngạch hay đình chỉ tạm thời hình thức giao dịch tiểu ngạch đối với mặt hàng cao-su Việt Nam với lý do "vấn đề kỹ thuật khi các cơ quan quản lý nhà nước của họ đang kiểm tra khâu thất thu ngân sách".
Với một thị trường lớn như Trung Quốc thì những động thái nêu trên cũng gây ra những khó khăn đáng kể với hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực là gạo và cao-su của Việt Nam.
Về mặt chủ quan, ý thức được tầm quan trọng của việc ổn định và phát triển sản xuất nội địa, tạo nền móng cho tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, thời gian qua, nhiều bộ, ngành, địa phương đã liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm cung cấp các giải pháp cho xuất khẩu nói chung cũng như xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói riêng.
Tại Hội nghị bàn các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức mới đây, nhóm hàng này vẫn ghi nhận những khó khăn do giá và lượng của nhiều mặt hàng chủ lực như gạo, cà-phê, cao-su, sắn... bị sụt giảm.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, đây là hệ quả của trình độ canh tác, công nghệ và quản lý điều hành vẫn còn hạn chế, sự liên kết và phối hợp của các thành phần trong chuỗi cung ứng hàng hóa chưa cao: nông dân chỉ biết sản xuất, doanh nghiệp chỉ chú trọng xuất khẩu những mặt hàng thị trường có nhu cầu trong khi ngân hàng chỉ cung ứng tín dụng cho các dự án mang tính khả thi... chứ chưa liên kết với nhau để sản xuất ra những sản phẩm thật sự có chất lượng và thương hiệu.
Trong những tháng cuối năm, cần tập trung các giải pháp khơi thông thị trường xuất khẩu, nhất là cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có giá trị lớn như gạo và thủy sản, gỗ... cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng phát triển thêm các chuỗi liên kết gắn vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến với tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi về các giải pháp để duy trì và tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ trong thời gian tới, Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam Nguyễn Tôn Quyền - đại diện của ngành hàng có khả năng sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu tới 6,3 tỷ USD trong năm 2014 "hiến kế": Xây dựng các mô hình liên kết ngang, liên kết dọc theo chuỗi giá trị sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm gỗ.
Ðồng thời, xúc tiến xây dựng các trung tâm giao dịch gỗ ở ba miền: bắc, trung và nam để tạo ra thị trường tiêu thụ gỗ rừng trồng, giải quyết khó khăn cho người trồng rừng.
Ðược biết, Bộ Công thương đang xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm một số ngành hàng có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, cà-phê, hạt tiêu, hạt điều đồng thời nâng cao hiệu quả công tác thông tin, dự báo thị trường, kịp thời thông báo, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất, xuất khẩu về các loại "rào cản" của các nước nhập khẩu.
Qua đó, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, cải thiện chất lượng hàng hóa, tránh rủi ro cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định “Về việc phê duyệt kế hoạch chi tiết năm 2015 dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học”.
6 tấn vải thiều đầu tiên sản xuất theo tiêu chuẩn Mỹ được trồng tại huyện Thanh Hà và thị xã Chí Linh (Hải Dương) đang được thu hái, sơ chế, đóng gói để chuyển vào TP. HCM chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ và Úc.
Trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã XK 117.000 tấn điều, chiếm 27,3% giá trị; NK hơn 197.000 tấn, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Ngày 8/6, thảo luận tại hội trường về tình hình KT-XH, hầu hết ĐBQH đều quan tâm đến khó khăn trong tiêu thụ nông sản và tập trung thảo luận tìm giải pháp tháo gỡ…
Nhiều ngày gần đây, giá cá lóc thương phẩm trên địa bàn huyện Hồng Ngự, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) tăng trở lại, người nuôi phấn khởi vì lợi nhuận khá.