Mùa Tôm Này Ở Tiên Yên...
Hiện ở Tiên Yên (Quảng Ninh), nhiều người dân đã đổi đời, trở thành triệu phú từ nghề nuôi tôm. Không chỉ đơn thuần là những vùng nuôi quảng canh, bán thâm canh, nơi đây đã dần xuất hiện, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Lời một gấp ba
Để tìm hiểu rõ hơn, chúng tôi tới xã Đông Ngũ, là một trong những địa phương trên địa bàn huyện được mùa tôm vụ xuân - hè năm nay. Đồng chí Nông Văn Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Năm trước, toàn xã chỉ có 8 hộ nuôi tôm với tổng diện tích 6,5ha, thì đến năm nay có tới 17 hộ nuôi tôm, 100% là nuôi tôm công nghiệp, với tổng diện tích 21,8ha.
Nhìn chung năm nay, người nuôi tôm ở xã được mùa. Tính đến ngày 4-8, mặc dù mới có 10/17 hộ thu hoạch, nhưng sản lượng đã đạt 87 tấn. Ước tính vụ xuân - hè năm nay, xã thu hoạch khoảng 150 tấn. Trong khi sản lượng cả năm 2013 chỉ đạt 112 tấn”.
Con đường bê tông dẫn ra thôn Sán Xế Nam có tới hàng chục ao nuôi tôm công nghiệp nằm liền kề, được phân chia khá vuông vắn, khoa học. Anh Bùi Công Phước, cán bộ Phòng NN&PTNT huyện dẫn chúng tôi tới ao nuôi tôm của hộ gia đình anh Đặng Văn Minh (37 tuổi, thôn Đông Ngũ) - một trong những hộ nuôi được mùa vụ tôm này. Anh Minh cho biết: “Tôi mới nuôi tôm từ năm 2013.
Hiện gia đình có 3 ao nuôi tôm, diện tích mỗi ao khoảng 4.000m2. Năm trước, mới nuôi, ít kinh nghiệm, nhưng tôi cũng lãi được trên 300 triệu đồng. Năm nay, được cán bộ huyện, xã quan tâm, cộng thêm học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, nên năng suất, sản lượng tôm nuôi cao hơn, trung bình mỗi cân tôm khoảng 50 con, giá từ 160.000-170.000 đồng/kg.
Tôi mới thu hoạch 1 ao được 5,4 tấn, trừ chi phí lãi gần 500 triệu đồng. Hai ao còn lại dự kiến thu được 10 tấn, ước tính cả vụ tôi lãi khoảng trên 1 tỷ đồng”. Theo anh Minh thì năm nay được mùa, gia đình anh lời một gấp ba, tức là đầu tư 300 triệu đồng, thì doanh thu khoảng 800-900 triệu đồng, lãi từ 500-600 triệu đồng.
Không chỉ hộ gia đình anh Minh, các hộ anh Bùi Đức Cảnh (thôn Sán Xế Nam), anh Nguyễn Văn Hân (xã Đông Hải)… cũng rất phấn khởi vì năm nay được mùa tôm. Anh Cảnh cho biết: “Nhà tôi có 1 ao, diện tích 3.900m2. Năm 2013, ao tôm của tôi bị dịch bệnh nên hoà vốn. Năm nay, nhờ trông coi sát sao, tôi thu được 4 tấn tôm, lãi khoảng 250 triệu đồng”.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Theo anh Hoàng Văn Quang, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tiên Yên: Hiện huyện có 5 xã nằm trong vùng nuôi trồng thuỷ sản nói chung, nuôi tôm nói riêng, là Đông Ngũ, Đông Hải, Hải Lạng, Tiên Lãng, Đồng Rui. Năm nay, công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi được huyện thực hiện rất quyết liệt.
UBND huyện và các cơ quan chuyên môn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi, như: Hướng dẫn về lịch thời vụ, kích cỡ giống thả, mật độ thả, giới thiệu các cơ sở sản xuất kinh doanh giống có uy tín trong và ngoài tỉnh; yêu cầu người nuôi đăng ký kê khai sản xuất ban đầu…
Khi phát hiện có dịch bệnh trên tôm, huyện chủ động thực hiện rất nhiều biện pháp để khống chế dịch, giảm tối đa thiệt hại cho người dân. Anh Quang cho biết thêm: Đến 17 giờ ngày 15-7, trên địa bàn huyện có 116 hộ (Đông Ngũ 6 hộ, xã Hải Lạng 110 hộ) với 307,07ha, 34,16 triệu con giống thả bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngay sau đó, UBND huyện đã trích ngân sách mua 5.000kg VICATO để thực hiện phòng, chống dịch bệnh trên tôm; đồng thời tiếp nhận 554kg VICATO của Chi cục Thú y tỉnh phát cho các xã Hải Lạng, Đông Ngũ để khoanh vùng, dập dịch trên tôm nuôi.
Bên cạnh đó, đội chuyên trách phòng, chống dịch bệnh của huyện đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh hướng dẫn các xã nằm trong vùng dịch triển khai khoanh vùng dịch; huy động lực lượng thú y, công an, tổ chức đoàn thể của địa phương tham gia chống dịch; thông báo rộng rãi cho hộ dân trong vùng nuôi trồng thuỷ sản… Nhờ đó, đến ngày 17-7, toàn huyện không phát sinh thêm ổ dịch mới.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch (tập trung ở xã Hải Lạng), tuy nhiên nhìn tổng thể, mùa tôm ở Tiên Yên vẫn được mùa. Theo số liệu của Phòng NN&PTNT huyện, đến ngày 4-8, toàn huyện có 371 hộ nuôi tôm, tổng diện tích 689,8ha, có 80,24 triệu con giống tôm được thả; trong đó 95% là tôm giống Việt Nam, chỉ có 5% là tôm giống Trung Quốc.
Mặc dù chưa thu hoạch hết vụ xuân - hè, nhưng sản lượng tôm được gần 150 tấn (cả năm 2013 có 343 hộ nuôi tôm, diện tích 679,4ha, sản lượng 166 tấn, 85% là tôm giống Trung Quốc, tôm giống Việt Nam 15%).
Hiện huyện đang triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế thuỷ sản huyện Tiên Yên đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Dự kiến, hết quý III, Quy hoạch sẽ hoàn thành, góp phần giúp cho việc nuôi tôm nói riêng và nuôi trồng thuỷ sản nói chung trên địa bàn huyện bài bản, khoa học hơn, hạn chế được dịch bệnh.
Có thể bạn quan tâm
Ngành xuất khẩu gạo liên tiếp đón nhận 2 tin không vui: Trung Quốc cấm nhập khẩu gạo Việt Nam qua đường tiểu ngạch và Mỹ đang xem xét khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với gạo Việt Nam.
Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), kết quả xuất khẩu tháng 7-2014 đạt 615.844 tấn, trị giá FOB 264,607 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 429,67 USD/tấn. So với tháng 6, số lượng giảm 8,09%, trị giá giảm 6,75%, giá bình quân tăng 6,15 USD/tấn.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái đang tràn trề tự tin với việc có thể giành được hợp đồng nhập khẩu 500.000 tấn gạo trắng 25% tấm của Philippines dự định đấu thầu vào 27/8 tới đây.
Lý giải chuyện thanh long rớt giá, anh Trần Văn Hải, chủ một cơ sở thu mua thanh long ở huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: Thương lái Trung Quốc không “ăn hàng” nên thanh long chở sang bị tồn lại rất nhiều. Mỗi ngày chở sang hàng trăm xe mà thương lái chỉ thu mua nhỏ giọt. Giá thanh long rớt không chỉ nông dân điêu đứng mà tiểu thương cũng thiệt hại rất nhiều.
Trước thông tin Trung Quốc chính thức cấm nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch từ Việt Nam, chúng tôi đã liên hệ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc và nhận được thông tin, phía Trung Quốc không ban hành văn bản nào liên quan đến vấn đề này.