Cuối 2015 Mới Áp Dụng Tỷ Lệ Mạ Băng Mới Cho Cá Tra

Trước áp lực của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) “dọa” đóng cửa nhà máy nếu áp dụng quy định tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới từ ngày 1-1-2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có chủ trương cho phép lùi thời gian áp dụng quy định này.
Theo một nguồn tin TBKTSG Online có được, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đồng ý lùi thời gian áp dụng quy định tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83% trong Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đến cuối năm 2015, thay vì sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2015 như dự kiến.
Trao đổi với TBKTSG Online sáng nay 31-12-2014, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ - địa phương có hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra lớn ở ĐBSCL, cũng đã xác nhận thông tin trên.
Theo ông Quỳnh, việc gia hạn “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm ở Nghị định 36 nhằm giúp doanh nghiệp có thêm thời gian thương lượng, chào hàng và sắp xếp công việc xuất khẩu sản phẩm cá tra được thuận lợi hơn.
Trước đó, trao đổi với TBKTSG Online, một số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra tại ĐBSCL cho rằng áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới sẽ làm giá thành sản phẩm tăng lên, trong khi đó đối tác nhập khẩu không chịu nâng giá mua làm doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, cho rằng các nước nhập khẩu không đồng ý nâng giá mua lên, dù ông đã nhiều lần trình bày với họ rằng chất lượng sản phẩm sẽ được nâng lên do việc “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO Seafood), dung lượng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83% chỉ chiếm khoảng 10% trên tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm, “cho nên nếu bắt chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn mới, doanh nghiệp sẽ bán không được nên buộc phải đóng cửa thôi”, ông Đạo khẳng định.
Để phản đối áp dụng tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm mới, đại diện Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (SOUTH VINA) đã gửi thư điện tử đến Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông báo đóng cửa nhà máy vào ngày 1-1-2015, nếu vẫn áp dụng tỉ lệ mạ băng 10% và hàm ẩm 83%.
Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG, một số nhà chuyên môn nhận định, về lâu dài, việc “siết” tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm sẽ là bước đi khôn ngoan, tạo nên giá trị cốt lõi cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm

Tổng giá trị xuất khẩu (XK) nhuyễn thể 2 mảnh vỏ trong 4 tháng đầu năm lên hơn 23,4 triệu USD, nhưng con số này vẫn giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm 2013.

Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Hội Nghề cá Việt Nam và Hiệp hội Cá tra Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị Phổ biến quy định của các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2014.

Vài năm trở lại đây, nông dân trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt. Mô hình nuôi chim cút của gia đình anh Nguyễn Văn Tình, ở thôn An Bình, xã Gio An, huyện Gio Linh là một minh chứng cho điều đó.

Thống kê của Trạm Thú y huyện, tổng đàn heo hiện có của huyện gần 14.000 con. Nhiều hộ nuôi heo cho biết, thời gian này rất thích hợp cho việc tái đàn để phục vụ thị trường sắp tới. Tuy nhiên, số lượng con giống ở địa phương đang khan hiếm và dự báo sẽ tăng giá, người nuôi sẽ đầu tư chi phí cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận khi xuất chuồng.

Thời tiết khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và chăn nuôi trên diện rộng. Trước thực trạng đó, nông dân địa phương đã có nhiều phương án nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại trong sản xuất, như: chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng diện tích cây hoa màu, đậu các loại; chủ động di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống đồng bằng, nhằm tận dụng nguồn nước và các loại phụ phẩm nông nghiệp.