Mùa Ớt Thất Bát
Vào thời điểm này năm trước, có lúc giá ớt lên đến 60.000 đồng/kg. Hiện tại, giá ớt giảm mạnh, cây ớt liên tục bị dịch bệnh khiến không ít gia đình gặp khó khăn.
Ớt hư hàng loạt
Về 2 xã Ninh An, Ninh Thọ (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) mùa này, đi đến đâu cũng nghe nông dân than vãn vì ớt xoắn lá, thối quả. Đây là những địa phương có diện tích ớt lớn của thị xã Ninh Hòa. Năm trước, đã có không ít gia đình phất lên nhờ cây ớt.
Song năm nay tình hình hoàn toàn trái ngược. Tại thôn Lạc Hòa của xã Ninh An, nhiều ruộng ớt cây lên rất tốt nhưng đến kỳ thu hoạch thì tự nhiên lá bị cháy và trái bị thối đồng loạt. Ngoài ra, không ít ruộng ớt lại mắc phải bệnh xoắn lá, khiến cây ớt không ra hoa được.
Chị Đỗ Thị Thanh cho biết: “Vụ ớt trước nhiều người thắng đậm do giá ớt rất cao. Có thời điểm gia đình tôi mỗi ngày thu trên chục triệu đồng tiền bán ớt. Năm nay gia đình đầu tư trồng 3 sào. Ban đầu cây ớt phát triển bình thường. Tuy nhiên, mới hái được một lứa đầu tiên, cây bắt đầu bị cháy lá và thối quả. 3 sào ớt đang vào mùa thu hoạch coi như mất trắng, không thể cứu vãn.
Mấy chục triệu đồng tiền đầu tư coi như đổ sông, đổ biển”. Dẫn chúng tôi đi xem ruộng ớt, chị Thanh chỉ biết lắc đầu ngao ngán bởi trên cành ớt đơm trái sum suê có đến 80% đang bị thối. Theo chị Thanh, dù có cố gắng thu hoạch cũng chưa chắc gì lấy lại được 1/3 vốn đầu tư. Hơn nữa, việc mướn người hái ớt bị bệnh chi phí tiền công cũng cao hơn bình thường do phải tốn thêm công để phân loại ớt.
Ở xã Ninh An và Ninh Thọ, phần lớn những hộ trồng ớt đầu vụ đều bị hư hại. Nhà nào may mắn thì còn vớt vát được vài lứa đầu, số còn lại đều bị bệnh thối trái.
Đến nay đã có hàng chục hộ gia đình phải phá bỏ loại cây trồng này để tìm cây khác thích hợp hơn. Một số người cho biết đã tìm đến các nơi bán thuốc bảo vệ thực vật để mua thuốc trị bệnh thối trái nhưng chẳng ăn thua, đành chấp nhận mùa ớt này lỗ vốn.
Ông Nguyễn Minh (thôn Lạc An, xã Ninh Thọ) cho biết: “Ruộng ớt gia đình tôi trồng vào khoảng tháng 10. Khi cây chuẩn bị ra hoa, lá tự nhiên bị xoắn lại, cây không phát triển được và cũng không ra hoa. Mua thuốc về trị chẳng ăn thua. Tìm hiểu trên mạng cũng không thấy thông tin để xử lý loại bệnh này nên tôi đành phải nhổ bỏ những cây có bệnh, chấp nhận thất thu”.
Giá thấp, diện tích tăng
Cây ớt năm nay không chỉ bị bệnh, tình trạng rớt giá cũng đang khiến người dân lao đao, vì thế phần lớn người nông dân chỉ chăm sóc cây ớt cầm chừng, không dám tư đầu tư mạnh. Bà Phan Thị Hồng (thôn Lạc An, xã Ninh Thọ) cho hay: “Năm nay, gia đình tôi đầu tư trồng khoảng 14.000 cây ớt. Gần 1 tháng gia đình chỉ thu hoạch được 3 đợt quả, tương đương 7 tạ. Trong khi năm ngoái cũng trồng chừng ấy diện tích, thu hoạch lên đến hàng tấn ớt.
Giá ớt hiện nay lại rất thấp, trước khi vào vụ có giá từ 18.000 - 20.000đ/kg, nhưng chỉ được vài ngày thì giá giảm xuống, hiện chỉ còn 13.000 đồng/kg. Với giá này, mỗi sào ớt lỗ cả chục triệu đồng”. Theo người dân xã Ninh Thọ, so với năm trước giá chỉ bằng 1/3, trong khi chi phí đầu tư cho cây ớt năm nay cao hơn hẳn các năm trước. Mùa ớt năm nay, năng suất ước chỉ đạt từ 3 - 4 tấn/ha, giảm 1 tấn/ha so với năm trước.
Tìm hiểu nguyên nhân ớt rớt giá, bà Đoàn Thị Huệ (chủ vựa ớt Bé Hải, xã Ninh An) giải thích: “Cây ớt được nhiều địa phương trong cả nước trồng và đồng loạt thu hoạch cùng thời điểm, dẫn đến cung vượt cầu. Năm ngoái, do miền Bắc thời tiết bất lợi, mưa, bão nhiều, sản lượng không có nên ớt mới có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Năm nay thời tiết thuận lợi, diện tích trồng ớt ở các địa phương lại tăng nên ớt rớt giá. Ngoài ra, ớt xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc năm nay cũng ít hơn, do đó giá thấp là đương nhiên”.
Điều đáng lo ngại, là do năm trước được giá nên năm nay diện tích trồng ớt tại nhiều địa phương tăng cao. Theo Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, toàn thị xã có 350ha ớt, tăng 100ha so với năm trước. Mặc dù chính quyền địa phương không khuyến khích mở rộng diện tích trồng ớt, song hầu hết người dân đều trồng theo phong trào và chạy theo giá cả thị trường.
Mùa trước được giá thì mùa sau trồng ồ ạt. Ông Phan Nhường - Chủ tịch UBND xã Ninh Thọ cho biết: “Xã luôn khuyến cáo người dân hạn chế mở rộng diện tích trồng ớt nhưng dường như người dân không quan tâm mà toàn trồng tự phát. Năm nào cũng cảnh báo nhưng người dân vẫn mãi luẩn quẩn trong vòng được mùa - rớt giá, mất mùa - được giá”.
Nhiều năm qua, ớt là loại cây mang lại thu nhập khá cao cho bà con nông dân trên địa thị xã Ninh Hòa. Tuy nhiên đến nay người trồng ớt vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết cũng như giá cả thị trường.
Người trồng thì tự phát, còn năng suất thì phụ thuộc vào thiên nhiên do đó hiệu quả từ cây ớt còn bấp bênh. Để cây ớt trở thành những cây trồng chủ lực, ngành nông nghiệp cần vào cuộc định hướng, hỗ trợ kỹ thuật giúp người nông dân phát triển cây trồng này một cách bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Những tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản sụt giảm, ĐBSCL với hai mặt hàng chủ lực tôm, cá tra đang xuống dốc. Chuyển động thị trường cuối năm ra sao, dự báo tiếp theo sau những hiệp định thương mại sẽ ký kết mở ra triển vọng gì?... Ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Nhiều đầm, vịnh ở tỉnh Khánh Hòa đang cạn kiệt thủy sản vì nạn đánh bắt bằng phương pháp tận diệt
Việc sử dụng lờ dây (ngư cụ chủ yếu đánh bắt cá nhỏ) trên đầm Thủy Triều, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã diễn ra từ lâu. Tuy nhiên, do chưa có biện pháp chế tài hiệu quả để răn đe, nên chính quyền địa phương khó giải quyết dứt điểm vấn nạn này.
Đàn gà 1.048 con (40 ngày tuổi) của một hộ ở ấp Trung Trạch (xã Trung Thành - Vũng Liêm - Vĩnh Long) được phát hiện bị cúm gia cầm vào ngày 19/8/2015. Chủ hộ đã tự tiêu hủy 392 con, do BCĐ chống dịch của huyện đã tiêu hủy 656 con còn lại.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bạc Liêu đang triển khai trình diễn 13 mô hình ruộng lúa - bờ hoa (hay còn gọi là cánh đồng sinh thái) ở các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, trình diễn trên lúa hè thu 11 điểm, lúa cao sản 2 điểm, mỗi điểm trình diễn 1ha.