Mùa Ớt... Ngọt Ở Ea Wer (Đắk Lắk)
Đi qua nhiều nhà vườn ở xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) mùa này, không khó để bắt gặp những hàng ớt thẳng tắp, quả đỏ trĩu cành đang được bà con nông dân khẩn trương thu hoạch. Loại cây trồng khá mới mẻ này đang là niềm hy vọng cho bà con nơi đây.
Đưa vào trồng một giống cây hoàn toàn mới trên vùng đất nắng gió khô cằn như Buôn Đôn, ban đầu nhiều người không khỏi lo lắng. Thế nhưng, một số bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi và đã thành công; cây ớt đã không phụ công người với những chùm trái chín đỏ trĩu cành...
Giữa lúc thời tiết khắc nghiệt, trồng cây gì cũng khó thì việc trồng ớt mang lại thu nhập cao khiến nhiều bà con phấn khởi. Nhờ cây ớt, nhiều người từ chỗ kinh tế khó khăn đã xây được nhà cửa khang trang, sắm được các tiện nghi đắt tiền, không ít hộ có trong tay từ vài chục đến trăm triệu sau một năm trồng ớt.
Đến thôn 7 (xã Ea Wer), giữa cái nắng tháng 5 gay gắt, nhưng khu vườn của bà Nguyễn Thị Chợ cứ như được hồi sinh nhờ màu xanh mơn mởn, xen lẫn đỏ tươi của từng chùm ớt chín.
Bà Chợ cho biết, trước đây, trên diện tích này bà trồng lúa, nhưng năng suất thấp. Một lần, người con rể từ miền Tây về chơi, gợi ý mô hình trồng ớt, thế là bà “đánh liều” trồng thử, ai ngờ hiệu quả mang lại hơn cả mong đợi. Trên diện tích 2 sào, trung bình mỗi mùa ớt bà thu về trên 60 triệu đồng.
Nhiều năm trước, anh Phan Văn Trung (thôn 7) rơi vào cảnh bế tắc vì trồng cây gì trên 5 sào ruộng cũng cho năng suất thấp, công sức đổ ra nhiều song lợi nhuận thu về chẳng được là bao. Từ khi mạnh dạn bỏ lúa, rau màu - vốn được xem là cây trồng chủ đạo ở đây để chuyển sang trồng ớt, đã cho thu nhập lên đến trên 150 triệu đồng/năm, nhờ vậy, cuộc sống của gia đình anh đã nhiều đổi thay.
Theo anh Trung, cây ớt có khả năng sinh trưởng khỏe, cành nhánh nhiều cho sản lượng lớn, lợi nhuận cao, mỗi sào ớt thường cho năng suất từ 2,5 -2,7 tấn. Trồng ớt, điều quan trọng là phải chú trọng thật kỹ khâu làm đất để hạn chế sâu bệnh, giúp cây phát triển tốt, thêm nữa, mùa thu hoạch ớt thường kéo dài nên chú ý bón phân và tưới nước thường xuyên cho cây.
Để ớt có vị cay nồng đặc trưng và sai quả, anh Trung dùng các loại phân vi sinh được ủ từ vỏ cà phê, phân chuồng và các loại phế thải nông nghiệp bón cho cây. Anh khẳng định, trồng ớt lợi nhuận thu về cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, hơn nữa việc thu hoạch cũng rất nhẹ nhàng, vườn ớt của anh đã mang về trên 200 triệu đồng mỗi vụ.
Hiện toàn xã Ea Wer có hơn 20 hộ trồng ớt, với diện tích trên 10 ha, chủ yếu tập trung ở thôn 3 và thôn 7. Mô hình này không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu. Nhiều người trồng ớt cho hay, mỗi năm họ chỉ trồng một vụ ớt nhưng cho thu hầu như suốt năm.
Từ tháng 6 âm lịch bà con đã gieo hạt, sau hơn 2 tháng rưỡi chăm sóc thì cây bắt đầu cho thu hoạch, và thời gian thu quả kéo dài hơn 7 tháng. Ngoài việc dễ trồng, vốn ít thì đầu ra cho ớt lại khá ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua hết, trả tiền ngay.
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa nên ớt bán ra chỉ 10.000 đến 12.000 đồng/kg, nhưng không vì thế mà làm buồn lòng người trồng ớt, bởi những tháng trước và sau tết, giá ớt thường rất cao, ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, nên đã bù lại phần lớn cho giá ớt đang thấp hiện nay. Ớt Ea Wer quả căng đều, trơn mượt, có vị cay nồng nên được thị trường ưa chuộng.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lê Thanh Học người dân tộc Mường ở xóm Múc, xã Tam Thanh, huyện Tân Sơn bắt đầu nuôi giun quế từ tháng 2-2014. Sau khi anh cùng các hội viên Câu lạc bộ sinh kế cộng đồng xã Tam Thanh đến thăm trang trại nuôi giun quế ở Đông Anh - Hà Nội thì anh mới biết tới nghề nuôi giun này.
Qua kiểm tra, đánh giá giai đoạn 2005-2010 thành phố Việt Trì đã khuyến khích khôi phục, phát triển lại; huyện Phù Ninh lập dự án trồng hồng không hạt Gia Thanh. Giai đoạn 2012-2015 UBND tỉnh phê duyệt dự án trồng mới 30 ha hồng không hạt trên địa bàn huyện Phù Ninh, đến nay đã trồng được 13 ha.
Vụ mì vừa qua bà Mai cùng một số hộ nông dân khác ở Nghĩa Điền sử dụng giống mì NA1 để trồng trên đất mì cũ. So với giống mì KM94 mà nhiều hộ dân trồng trước đó, giống mì NA1 mới này cho năng suất bình quân lên đến 40 tấn/ha. Bà Mai cho biết thêm, so với thu nhập 7 triệu đồng/vụ mì từ giống KM94 thì khi chuyển sang trồng mì NA1, vụ mì năm 2014 thu nhập lên đến 12 triệu đồng/ha.
Nhiều xã khi còn thuộc huyện Sơn Tịnh đã được phê duyệt về “Quy hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”. Tuy nhiên mọi nguồn vốn đầu tư... vẫn còn trên giấy, dẫn đến khối lượng công việc không thể thực hiện được, ứ lại, dồn qua năm sau. “Đến khi sáp nhập vào TP.Quảng Ngãi, cấp trên yêu cầu phải thực hiện lại Đề án trong khi số tiền thuê tư vấn thực hiện đề án của những năm trước vẫn còn nợ”, ông Văn Nguyên - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Thiện bày tỏ.
Năm 2014 được đánh giá là năm thắng lợi của ngành nông nghiệp Quảng Ngãi. Giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 3.294 tỷ đồng, vượt kế hoạch và tăng 4,3% so với năm 2013. Tổng sản lượng lương thực đạt 479.554 tấn, bằng 101,3% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với năm 2013.